Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ngay từ cấp tiểu học

GD&TĐ - Học sinh tiểu học sẽ được giáo dục để nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. 

Theo Dự thảo Thông tư, đối với công tác hướng nghiệp tư vấn việc làm, nhiệm vụ của 4 bậc từ tiểu học, THCS, THPT rồi đại học đều có sự tăng tiến cho phù hợp với trình độ hiểu biết, năng lực và nhận thức, sức khỏe của học sinh.

Đối với cấp tiểu học, giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội. Hướng dẫn học sinh tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường.

Rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng cơ bản: Kỹ năng quản lý bản thân; Kỹ năng xã hội; Tìm hiểu về gia đình, cộng đồng. Phát hiện năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho học sinh.

Đối với cấp trung học cơ sở, giáo dục học sinh hình thành thái độ và ý thức đúng đắn về lao động, nghề nghiệp, việc làm; hướng dẫn học sinh khám phá khả năng, sở thích và nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân.

Rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng, thiết yếu về nghề nghiệp, việc làm: Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng giải quyết vấn đề; Kỹ năng quản lý thời gian; Kỹ năng khám phá bản thân. Tạo môi trường cho học sinh làm quen, trải nghiệm thực tế một số nghề cơ bản phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Tư vấn, củng cố và có kế hoạch phát triển năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp, việc làm của từng học sinh, nhóm học sinh, khuyến khích, hướng dẫn, định hướng và bồi dưỡng năng lực cho học sinh phù hợp với các ngành, nghề, việc làm đã lựa chọn. Cung cấp, trang bị các thông tin liên quan để định hướng phân luồng, lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở.

Đối với cấp trung học phổ thông, giáo dục học sinh hình thành phẩm chất, năng lực cốt lõi nâng cao khả năng, sở thích và nguyện vọng nghề nghiệp đã xác định. Hướng dẫn học sinh khai thác hệ thống thông tin về các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo; điều kiện, tiêu chuẩn và cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Cung cấp cho học sinh thông tin và xu hướng phát triển của các ngành, nghề trong xã hội. Rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh kiến thức, kĩ năng thiết yếu phù hợp với nhóm ngành nghề đã lựa chọn: Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng lập kế hoạch; Kỹ năng tự học.

Cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm cho học sinh; tổ chức cho học sinh tìm hiểu, trải nghiệm thực tế đối với nhóm ngành, nghề, việc làm tương ứng với nguyện vọng nghề nghiệp, việc làm phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Đối với cơ sở giáo dục đại học, tích hợp thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động, thông tin về nhu cầu thị trường lao động liên quan đến ngành, trình độ đào tạo trên hệ thống thông tin hỗ trợ sinh viên.

Tổ chức hoạt động hội thảo, hội nghị, diễn đàn cho sinh viên, tối thiểu 1 lần/năm học. Tổ chức ngày hội việc làm, tuyển dụng cho sinh viên năm cuối, tối thiểu 1 lần/trong năm học.

Tổ chức rèn luyện kỹ năng tìm việc làm cho sinh viên thông qua hoạt động tư vấn, các câu lạc bộ hướng nghiệp, việc làm và các hoạt động ngoại khoá. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa và hoạt động đào tạo, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, hoạt động phối hợp với các đối tác.

Xem dự thảo tại đây >>>

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ