Giáo dục - đào tạo: Khởi nguồn về nhân lực chất lượng cao

GD&TĐ - Theo ông Đặng Tự Ân-Giám đốc Quỹ quốc gia đổi mới GDPT, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT): GD-ĐT vừa là cái nôi, vừa là nơi khởi nguồn tạo ra nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao.

Ông Đặng Tự Ân trong chuyến công tác thực tế. Ảnh: Sỹ Điền
Ông Đặng Tự Ân trong chuyến công tác thực tế. Ảnh: Sỹ Điền

Những đóng góp của ngành Giáo dục

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, ngành Giáo dục đã có những đóng góp đáng kể vào thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực (NL) và nhân lực chất lượng cao (NLCLC).

Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; với mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: chuyển mạnh từ việc chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh.

Mục tiêu này chính là hướng tới tạo ra một thế hệ học sinh có đủ điều kiện thực hiện chiến lược phát triển nguồn NL, đặc biệt NLCLC. Giáo dục phổ thông đã thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục nhằm thích nghi với tình hình hội nhập trên thế giới. Học tập chính là phương pháp quan trọng để tăng kiến thức, cải thiện khả năng nguồn nhân lực.

Đối với các trường đại học và trường chuyên nghiệp đã xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn NLCLC và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước. Những giải pháp trên gắn với yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Xây dựng hệ thống các trường phổ thông và đại học chất lượng cao làm mũi nhọn, tiên phong cho việc rèn luyện, đào tạo những thế hệ học sinh, sinh viên đáp ứng các yêu cầu cần đạt được trong chiến lược con người, chiến lược tạo nguồn NL và NLCLC.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

GD-ĐT: chiến lược đột phá của mỗi quốc gia

Ông Đặng Tự Ân nhấn mạnh, GD-ĐT có vị trí cực kỳ quan trọng, mang tính chiến lược đột phá của mỗi quốc gia trong việc phát triển và cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) trong GD-ĐT cần phải đồng bộ và xuyên suốt trong cả hệ thống giáo dục quốc dân.

Cụ thể: Đối với giáo dục phổ thông, kể cả giáo dục bậc học mầm non, mẫu giáo. Nhà nước và xã hội rất mong đợi ở sự thay đổi bản thân ngành giáo dục nói chung và các nhà trường nói riêng; tạo điều kiện cho người học phát huy hết tiềm năng sáng tạo của từng cá nhân trong các hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta cần hiểu sâu sắc và thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: “. . . một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em".

Những phẩm chất nhân cách của con người mới là yếu tố cơ bảo đảm chất lượng nguồn NL. Do vậy, giáo dục nhân cách phải được thực hiện trong bất cứ quá trình nào của chiến lược phát triển giáo dục phổ thông. Phát triển trí tuệ người học phải song hành, hài hòa giữa trí tuệ logic và trí tuệ cảm xúc, giữa “mở trí” và “mở lòng” cho tất cả người học trẻ tuổi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đây, chúng ta ưu tiên: Sau khi học xong, người học nhớ được những gì và khi thi có đạt kết quả cao hơn không. Giáo dục đổi mới ngày nay lại chú trọng việc người học thông hiểu và giải quyết những vấn đề đặt ra, theo nhu cầu của cuộc sống và thích ứng với cuộc sống thường xuyên thay đổi. Rõ ràng ngay từ khi còn học phổ thông, học sinh đã được chuẩn bị những kỹ năng nghề nghiệp và tâm thế để bổ sung vào lực lượng NLCLC.

Đối với giáo dục trên đại học, đại học, cao đẳng và hệ thống dạy nghề. Ông Đặng Tự Ân viện dẫn, theo báo cáo khoa học, khi học sinh kết thúc giai đoạn giáo dục phổ thông cần được học tiếp để bổ sung vào nguồn NLCLC. Các trường chuyên nghiệp cần đổi mới quá trình đào tạo theo hướng:

Có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường lao động và với tiến bộ khoa học công nghệ mới; có tác phong kỷ luật và đạo đức trong công việc; hai tiêu chí trước là điều kiện cần để đánh giá chất lượng NL, còn điều kiện đủ là khả năng tư duy đột phá trong công việc, hay còn gọi là tính sáng tạo. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển, đặc biệt trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay.

Những sinh viên tốt nghiệp ra trường, bổ sung vào nguồn NLCLC cần phải có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, giải quyết những vấn đề cơ bản của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Đồng thời có khả năng tổ chức, khả năng cạnh tranh; xây dựng hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực tiên tiến, hiện đại, đa dạng, cơ cấu ngành nghề đồng bộ; xây dựng sự nghiệp giáo dục tiên tiến, hiện đại và một xã hội học tập toàn diện để tạo nguồn NLCLC.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ