Giáo dục chuyển hướng thành công với mục tiêu, cách tiếp cận mới

GD&TĐ - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại Hội nghị Tổng kết năm học 2014 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 khối ĐH, CĐ sáng nay (22/10).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Năm học vừa qua, chúng ta đã chuyển hướng thành công từ lối tư duy cũ, hành động cũ, theo đuổi mục tiêu cũ, sang mục tiêu mới, bằng cách thức tiếp cận mới. Mặc dù có một số trục trặc nhưng không xáo trộn, đổ vỡ, nhận được sự đồng thuận, đánh giá tích cực trong Ngành và toàn xã hội.

Những trục trặc, khiếm khuyết, chúng ta không được xuê xoa và cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc; với kết quả cũng không được thỏa mãn.

Để thay đổi chất lượng, tạo lập được nề nếp mới theo Nghị quyết 29, cần một hành trình dài. Còn dài bao nhiêu là phụ thuộc vào sự thông minh, dũng cảm, đoàn kết một lòng, trước hết là của chúng ta, sau nữa là của toàn thể các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và toàn xã hội.

Cần thống nhất trong tư duy và hành động 

Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, cả xã hội đã vào cuộc, cùng hỗ trợ, giúp đỡ, chỉ dẫn và cả bổ khuyết. Đây là biểu hiện rất rõ của chủ trương “Giáo dục và quốc sách hàng đầu”. Với tinh thần ấy, chúng ta sẽ cố gắng, kịp thời khắc phục yếu kém, phát huy các mặt tốt và sẽ làm được

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận   

Liên quan đến những công việc cần triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng đề cập đến các văn bản quy phạm pháp luật và thẳng thắn cho rằng: Chúng ta đã làm đúng quy trình nhưng chất lượng không cao, từ đó quay trở lại các văn bản sẽ không vào được cuộc sống và hoạt động của các nhà trường gặp khó khăn.

“Đây là hoạt động quan trọng nhất của Bộ GD&ĐT, cũng là hoạt động quan trọng nhất tạo môi trường pháp lý cho nhà trường hoạt động, nên mong các đồng chí sẽ lưu tâm hơn đến vấn đề này” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến phân tầng đại học - nội dung được nhiều ý kiến quan tâm tại Hội nghị, Bộ trưởng thẳng thắn nhận định: Dường như còn có quan niệm rất khác nhau về vấn đề này.

Bộ trưởng chia sẻ: Tôi có cảm giác chúng ta nói 3 tầng ĐH nghiên cứu, ứng dụng, thực hành như là 3 thứ hạng cao thấp của giáo dục đại học; suy nghĩ trường ĐH nghiên cứu sẽ vinh dự hơn các trường ĐH ứng dụng, rồi trường ĐH ứng dụng lại vinh dự hơn, trang trọng hơn các ĐH thực hành.

Mỗi tầng có một sứ mạng riêng, đó mới là quan niệm đúng đắn. Riêng với các trường ĐH nghiên cứu trên thế giới, đặc biệt là những trường nổi tiếng, quy mô tuyển sinh ĐH, CĐ rất ít, chủ yếu đào tạo sau ĐH, tiến sĩ và làm nghiên cứu.

Việc chưa thống nhất trong cách hiểu cũng được Bộ trưởng đề cập đến với nội dung tự chủ đại học. "Trong nhận thức và gần đây cả trong hành động, chúng ta đang nói đến tự chủ như là tự mình quyết, muốn làm gì thì làm, vượt ra khỏi các quy định của pháp luật, đó là quan niệm không đúng, không lành mạnh" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT sẽ không can thiệp vào hoạt động chuyên môn

Chỉ tiêu tuyển sinh nội hàm đã khác so với quan niệm trước đây. Nếu trước đây, chỉ tiêu là kế hoạch Nhà nước giao, thì nay chỉ tiêu là do các trường tự xác định, dựa trên năng lực đào tạo và điều kiện đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định.Về lý thuyết, đây là chỉ tiêu cao nhất mà các trường được quyền đào tạo để đảm bảo chất lượng. Cách đặt vấn đề như vậy sẽ cho chúng ta một tâm thế khác khi nói về vấn đề này.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận   

Nói đến chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT đang cùng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội triển khai mạnh khung trình độ quốc gia, có sự hỗ trợ của nước Úc và New Zealand cùng một số tổ chức, tỉnh thành... Âm hưởng chung là cách làm phải theo quốc tế.

Nhưng vấn đề đặt ra là, khi theo chuấn quốc tế như vậy sẽ có một số cơ sở chưa được xếp vào đâu cả, đó là điều chúng ta cần chuẩn bị, sẵn sàng chấp nhận để tiến lên.

Liên quan đến vấn đề đội ngũ, Bộ trưởng thông tin: Năm 2015, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã họp, quyết định bổ sung 52 giáo sư và 472 phó giáo sư; và theo đánh giá, chất lượng tốt hơn năm trước, số bài báo quốc tế, trình độ ngoại ngữ, tốt hơn, độ tuổi cũng trẻ hơn.

Đặc biệt, đã xuất hiện nữ giáo sư Toán học thứ 2 (sau giáo sư Hoàng Xuân Sính), của ĐH Thái Nguyên ở độ tuổi mới ngoài 40. Các giáo sư, phó giáo sư chủ yếu là ở các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu; số thỉnh giảng ở bên ngoài đã giảm đi rất nhiều.

Tại hội nghị, Bộ trưởng đồng thời đề cập đến vấn đề đào tạo, việc làm và đề nghị, cần bàn vấn đề này trong điều kiện cơ chế tự chủ, nhà trường quyết định tuyển sinh, thị trường việc làm biến động, làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo và gắn kết đào tạo với thị trường lao động.

Nội dung cuối cùng Bộ trưởng lưu ý là việc thực hiện kỷ luật hành chính với nhấn mạnh: Kỷ luật hành chính của chúng ta còn chưa chuẩn, từ trên xuống dưới chúng ta đều phải tự đổi mới, phải thay đổi. Nếu thấy những vấn đề gì Bộ GD&ĐT yêu cầu còn cồng kềnh, nhiêu khê, mong các đồng chí góp ý, Bộ sẽ tiếp thu; điều gì cần bổ sung, các đồng chí đề xuất.

"Chúng tôi sẽ từng bước tiếp tục đẩy mạnh việc này. Bộ GD&ĐT sẽ không can thiệp vào hoạt động chuyên môn nữa mà thực hiện công việc quản lý nhà nước, trong đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, khen thưởng với các đơn vị làm tốt và kỷ luật với những đơn vị vi phạm sẽ được chú trọng" - Bộ trưởng khẳng định.

Thay mặt lãnh đạo các Sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ tại các điểm cầu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và cho biết sẽ tiếp tục bàn bạc, xử lý những vấn đề theo hướng Phó thủ tướng vừa lưu ý.

Thay mặt toàn ngành Giáo dục, Bộ trưởng trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng về những chỉ đạo, quan tâm sâu sát trong thời gian qua với Ngành, Bộ GD&ĐT trong triển khai các công việc, đặc biệt trong quá trình đổi mới GD&ĐT nhiều khó khăn, phức tạp vừa rồi.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu, tổng kết các nội dung thảo luận tại hội nghị; những vấn đề gì đã rõ, sẽ có kết luận để làm, những ý kiến còn khác nhau sẽ tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến các cán bộ chủ chốt trong Ngành và toàn xã hội trước khi ra quyết định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ