Giải tỏa áp lực mùa thi: Kế hoạch hợp lý để “về đích” thành công

GD&TĐ - Thay vì “vùi đầu” vào sách vở, các em nên có thời gian biểu hợp lý để cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi; Đồng thời hệ thống lại kiến thức, luyện bài thi để làm quen với thời gian làm bài chính thức.

Để có kỳ thi thành công, các em cần có phương pháp ôn tập hiệu quả. Ảnh minh họa
Để có kỳ thi thành công, các em cần có phương pháp ôn tập hiệu quả. Ảnh minh họa

Không nên “vùi đầu” vào sách vở

Là người có nhiều năm kinh nghiệm ôn thi cho học sinh lớp 12, cô Phạm Thị Thanh Huyền – giáo viên Giáo dục công dân, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Đây là thời điểm “nước rút”. Để ôn tập hiệu quả trong thời gian này, các em nên thiết kế thời gian biểu hằng ngày. Thời gian không còn đủ để ôn lại từng bài, do đó, thay vì nhồi nhét kiến thức, các em nên rà soát lại xem mình đã có gì và còn thiếu gì? Hợp lý nhất là các em thực hành trên những bài thi được xây dựng theo dạng đề minh họa năm 2020 để kiểm tra lại kiến thức của mình. Chỗ nào chưa hiểu, mình ôn lại kiến thức nền của nội dung đó.

Theo cô Huyền, từ giờ cho đến lúc thi, việc xây dựng thời gian biểu hằng ngày là cần thiết. Theo đó, các em nên chia thời gian cho môn học theo sự ưu tiên về lượng kiến thức, định hướng tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng, theo đặc thù môn học... Kết hợp giữa học tập và nghỉ ngơi hợp lý để bảo đảm sức khỏe, thay vì “vùi đầu” vào sách vở, sau khi học khoảng 45 - 60 phút, sĩ tử nên giải lao, thư giãn, nghe nhạc, xem tivi hoặc đi lại hoạt động nhẹ cho thoải mái. 

“Bất cứ cơ quan nào trên cơ thể cũng có lúc cần được nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Chính vì vậy, các em không nên dành tối đa quỹ thời gian của 1 ngày cho việc học, điều đó sẽ phản tác dụng và gây hại cho sức khỏe. Học tập hiệu quả chính là biết cân đối thời gian: Học - Thư giãn - Ngủ - Ăn uống hợp lý”, cô Huyền khuyến cáo.

Theo thầy Ngô Xuân Quang - giáo viên Hóa học, Trường THPT Tháng 10 (Yên Sơn, Tuyên Quang), thời gian này, các em nên hệ thống lại kiến thức. Chẳng hạn, môn Hóa học, những năm gần đây, phần lý thuyết chiếm tới 65% điểm trong đề thi. Cộng với việc làm tốt các bài tập đơn giản ở mức vận dụng thấp, các em cũng có thể đạt từ 7,5 đến 8 điểm. Ngoài ra, các em nên tập làm quen với tâm lý phòng thi, thời gian để giải quyết hết các số câu hỏi trong đề thi. Từ đó rút kinh nghiệm để phân bổ thời gian hợp lý khi bước vào kỳ thi chính thức.

“Thí sinh nên học sớm, nghỉ sớm sẽ hiệu quả và tốt cho sức khỏe hơn. Các em không nên học quá 4 tiếng/lần. Hạn chế lạm dụng thiết bị điện tử để giải trí; thay vào đó tăng cường vận động như: Chơi thể thao để giảm căng thẳng, tạo hứng thú trong học tập. Các em cũng nên ăn uống bảo đảm đủ chất để có sức khỏe tốt vượt “vũ môn”” - thầy Quang chia sẻ, đồng thời khuyến nghị: Thí sinh nên tập trung ôn tập nhiều hơn cho những môn mà mình cảm thấy chưa yên tâm. Ví dụ: Nếu thi khối A0 gồm: Toán, Lý, Hóa, cảm thấy môn Hóa học yếu hơn nên dành thời gian nhiều hơn cho môn học này.

Cân bằng tâm lý

Ở góc độ tâm lý học đường, TS Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục, Hà Nội) khuyến cáo: Quản lý stress trong thi cử là việc thí sinh nên làm. Để có một kỳ thi thành công, các em cần có phương pháp ôn tập hiệu quả. Điều này không đồng nhất với việc dành tất cả thời gian cho học tập. Nếu các em học ngày, học đêm, quên ăn, quên ngủ và không nghỉ ngơi sẽ bị quá tải, não bộ hoạt động quá công suất, khả năng ghi nhớ kém, xử lý thông tin hạn chế. 

Học sinh có thể chia kiến thức thành từng phần nhỏ, ôn tập trên cơ sở hiểu bản chất vấn đề, không lạm dụng việc học thuộc lòng. Trước kỳ thi khoảng 5 ngày, các em cũng nên giảm dần cường độ ôn tập để thiết lập trạng thái cân bằng tâm, sinh lý và tâm trạng tích cực nhất trước ngày thi. 

Đêm trước ngày thi diễn ra, thí sinh hãy dành thời gian để chuẩn bị đồ dùng cần thiết và đi ngủ sớm để có trạng thái tâm lý, sức khỏe tốt nhất. Trong lúc chờ giám thị làm các thủ tục nhập phòng thi, các em nên chọn một không gian phù hợp, tập trung vào hơi thở để thư giãn. Vào phòng thi với tâm lý bình tĩnh, sĩ tử sẽ giải quyết bài thi tốt nhất trong khả năng của mình.

Cũng theo TS Hoàng Trung Học, cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc dinh dưỡng, lắng nghe và giải tỏa lo âu cho các con, giúp con tập trung ôn luyện và thi thành công. “Các em hãy nỗ lực thể hiện hết khả năng của mình. Khi đã cố gắng, nỗ lực hết mình, dù kết quả thi như thế nào, các em hãy chấp nhận và bước tiếp về phía trước với những con đường phù hợp. Hãy tự hào về sự nỗ lực của bản thân, chứ không phải kết quả các em nhận được sau kỳ thi này” – TS Hoàng Trung Học nhắn nhủ.

Các em không nên học khi đầu óc thiếu tập trung hoặc cơ thể mệt mỏi, vì lúc đó có cố học cũng không đem lại hiệu quả. Kết quả của kỳ thi là sự đánh giá cả một quá trình học tập, chứ không phải ở những ngày ôn thi nước rút. Thế nên học kiểu nước đến chân mới nhảy không phải phương pháp tốt. - Cô Phạm Thị Thanh Huyền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ