Giải pháp phát triển hệ thống đồ chơi cho GDMN

GD&TĐ - “Hiện nay, chưa có khái niệm thống nhất về hệ thống đồ chơi phát triển dành cho trẻ em 0 - 6 tuổi” - TS Nguyễn Ngọc Linh, Trường CĐ Sư phạm Trung ương chia sẻ. Ông là Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu nêu thực trạng khi thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Nghiên cứu giải pháp phát triển hệ thống đồ chơi phục vụ hoạt động giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non”.

Học sinh mầm non vui chơi ngoài trời bên các thiết bị tự làm
Học sinh mầm non vui chơi ngoài trời bên các thiết bị tự làm

Vừa thiếu, vừa yếu

Nhóm nghiên cứu dẫn giải, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nêu rõ: “Đối với giáo dục mầm non (GDMN), giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1. Hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020. Từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non. Phát triển GDMN dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở GD.

Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay chưa có một khái niệm thống nhất về hệ thống đồ chơi phát triển dành cho trẻ em 0 - 6 tuổi. Các cơ sở GDMN đang rất lúng túng trong việc trang bị một hệ thống đồ chơi phát triển cho trẻ em bởi không nắm được đặc thù của các loại đồ chơi phát triển, đồ chơi mang tính mở và đồ chơi cơ bản cần thiết cho các lĩnh vực phát triển của trẻ.

Trong khoa học, nghiên cứu lý luận về đặc điểm của hệ thống đồ chơi phù hợp với đặc điểm học của trẻ ở mọi lứa tuổi và đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non GDMN ở Việt Nam hầu như hoàn toàn vắng bóng. Đây chính là điểm yếu nhất trong nghiên cứu dẫn đến tình trạng hệ thống sản xuất, cung ứng đồ chơi không tiếp cận được toàn diện các nguyên tắc về khoa học GD, thẩm mỹ và an toàn cho trẻ nhỏ.

Mặt khác, hoạt động chơi trong trường mầm non chưa có vị trí xứng đáng với vai trò quyết định của nó trong sự phát triển của trẻ. Hoạt động học tập (hay còn gọi là hoạt động có chủ đích) đang ngày càng lấn lướt, chiếm phần lớn thời gian và sức lực của các em. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự đầu tư nghiêm túc, tỉ mỉ, khoa học của ngành học đối với đồ chơi trẻ em, dẫn đến tình trạng thiếu hụt về chủng loại, đồ chơi vừa thừa vừa thiếu, chất lượng không đáp ứng yêu cầu bao gồm cả đồ chơi sản xuất và đồ chơi tự tạo.

Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết và kỹ năng sử dụng hệ thống đồ chơi trẻ em mang tính GD của cả giáo viên và cán bộ quản lý còn yếu. Quyết định mua sắm đồ chơi mới phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn, thậm chí là người không có quan hệ trực tiếp thường xuyên với trẻ. Chính vì vậy, đồ chơi không đáp ứng và không phù hợp với nhu cầu và mức độ trưởng thành của trẻ, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả khai thác hệ thống đồ chơi trong trường mầm non.

Các tiêu chí đánh giá chất lượng của đồ dùng, đồ chơi nói chung và đồ chơi tự tạo nói riêng chưa mạch lạc, khoa học, dẫn đến lãng phí cả về thời gian, công sức và tiền bạc của giáo viên và nhà trường mà hiệu quả sử dụng không cao.

Với kinh phí hạn hẹp, song việc sắp xếp đồ chơi và tổ chức hoạt động chơi hiện nay còn nhiều vấn đề chưa phù hợp (đồ chơi đặt riêng theo từng độ tuổi, theo từng lớp và giống hệt nhau giữa các lớp cùng độ tuổi, trẻ chỉ được chơi trong phạm vi trong lớp, nên thậm chí không đủ không gian để chơi). Cách thiết kế môi trường chơi này càng làm thu hẹp khả năng cung ứng đa dạng đồ chơi cho trẻ ở các độ tuổi, dẫn đến hạn chế hoạt động chơi và sáng tạo của trẻ.

Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu, đang thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà giáo dục với nhà sản xuất, cung ứng đồ chơi trong việc nghiên cứu đồ chơi học tập, đồ chơi phát triển. Tình trạng các đồ chơi không bảo đảm an toàn cho trẻ đang tràn lan trong các trường mầm non, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi nghèo. Việc nghiên cứu các giải pháp thay thế để trẻ có được đồ chơi, học liệu sạch, an toàn và rẻ tiền, thông dụng là một việc làm cấp bách và rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Đồ dùng học tập cho HS mầm non cần đồng bộ và an toàn
Đồ dùng học tập cho HS mầm non cần đồng bộ và an toàn 

Kinh nghiệm quốc tế

Từ thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đã khảo sát ở một số nước trên thế giới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, họ đề cao vai trò tiên quyết của hoạt động chơi đối với sự phát triển của trẻ. Vui chơi giúp trẻ mở rộng tư duy, tăng hiểu biết và học hỏi cho trẻ; đồng thời khuyến khích trẻ có khuynh hướng tích cực trong học tập. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, có sự liên kết giữa chơi trò chơi và những năng lực nền tảng như: Kiểm soát cảm xúc, phát triển nhận thức về các kí hiệu, khả năng giải quyết vấn đề, thử nghiệm các ý tưởng, thách thức những suy nghĩ của nhau, giải quyết vấn đề và tạo dựng những suy nghĩ mới một cách có phê phán.

Nhóm nghiên cứu dẫn giải: Khung chương trình đào tạo trẻ mầm non Commonwealth 2009 của Australia nhấn mạnh vai trò của học qua các trò chơi và hoạt động chơi là một phương tiện quan trọng trong phát triển sự tự điều chỉnh cũng như thúc đẩy ngôn ngữ, nhận thức và năng lực xã hội.

“Công tác quản lý kiểm soát chất lượng đồ dùng đồ chơi, học liệu trong các trường mầm non trên toàn quốc hoàn toàn bị bỏ ngỏ, ảnh hưởng đến chất lượng GD cũng như an toàn cho sức khỏe của trẻ khi sử dụng”.

Trích Báo cáo Chuyên đề của nhóm tác giả TS Nguyễn Ngọc Linh và các thành viên 

Hướng dẫn của Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng nhấn mạnh vai trò của hoạt động chơi là một phương tiện quan trọng của GD, đóng vai trò nuôi dưỡng sự cân bằng hài hoà giữa trí tuệ và thể chất. Năm 2011, Akiko Hayashi mô tả về đặc điểm của GDMN Nhật Bản là một nền GD mang đậm tính văn hoá và nhấn mạnh tính tự nhiên của “trẻ nhỏ”, cho rằng trẻ em cần được hồn nhiên, tự do chơi đùa, trải nghiệm cảm xúc và khám phá vạn vật như một đứa trẻ Nhật Bản đúng nghĩa.

GDMN Nhật Bản luôn đề cao hoạt động cho trẻ trải nghiệm thực tiễn. Các trường mầm non Nhật Bản luôn cố gắng tạo cho trẻ môi trường tốt nhất thông qua đầu tư cải tiến hệ thống học liệu phù hợp để nâng cao chất lượng GDMN theo quan điểm “Chơi để học, học qua chơi”.

Tại Thụy Sỹ, Chương trình GDMN được xây dựng dựa trên triết lý coi đứa trẻ như một cá thể có năng lực với tiềm năng dồi dào, có khả năng hình thành lý thuyết riêng về thế giới, khám phá những điều ở xung quanh và phát triển tự tin theo khả năng riêng của mình. Trẻ em sáng tạo ra kiến thức riêng, giả định một cuộc hội thoại và phản chiếu thái độ của người lớn trong quá trình học hỏi. Hoạt động chơi tự do của trẻ cấu thành một phần mở rộng của chương trình và đề cao giá trị của việc học không chính thống và không chính quy.

Hướng dẫn chương trình bản sửa đổi năm 2010 của Cơ quan GD quốc gia đề cao hoạt động chơi: “Trường mầm non cần phấn đấu đảm bảo mỗi trẻ em phát triển sự tò mò và thích thú, cũng như khả năng chơi và học”. Hoạt động chơi thường có mối liên hệ và được quan niệm như điều kiện tiên quyết trong việc học.

Trẻ em Phần Lan cũng được trải nghiệm môi trường mầm non với nhiều hoạt động chơi và bắt đầu bước vào chương trình học phổ cập khi 7 tuổi thay vì 6 tuổi như ở nước khác. Trẻ em có một tuổi thơ được chơi đùa thoả thích. Ở Áo và Thụy Sỹ, không đặt vai trò quan trọng của kiến thức đối với trẻ mà quan trọng là trẻ được hoạt động, thông qua hoạt động trẻ sẽ trưởng thành, phát triển tư duy và trí sáng tạo. Chương trình GDMN của Áo đưa ra 4 loại vui chơi cho trẻ: Chơi tự do hoàn toàn; chơi tự do có sự hỗ trợ của giáo viên; chơi có chủ đích và chơi có chủ đích mức độ cao. Hoạt động chơi chiếm thời gian chủ đạo, hoạt động GD có chủ đích ít hơn. Trẻ phát triển toàn diện trong khi vui chơi.

Nhóm nghiên cứu nhận xét, các quốc gia nêu trên, mỗi quốc gia có một quan điểm về mục tiêu GDMN. Tuy nhiên, tất cả đều đánh giá cao vai trò của vui chơi và đồ chơi trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Đồ chơi là phương tiện giáo dục trong tay người lớn, là phương tiện kích thích hoạt động tích cực và sáng tạo trong tay trẻ.

Bài 2: Cần có hệ thống tài liệu về đồ chơi trẻ em mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ