Giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập

GD&TĐ - Nghiên cứu chính sách đối với GDĐH tư ở các nước, tìm hiểu bối cảnh và những quan điểm làm nền tảng cho những chính sách đó, cùng với hàm ý của nó trong việc phát triển hệ thống GDĐH, là điều có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng chính sách cho GDĐH tư ở Việt Nam.

Phát triển cơ sở và uy tín học thuật là nền tảng để các trường ngoài công lập phát triển bền vững
Phát triển cơ sở và uy tín học thuật là nền tảng để các trường ngoài công lập phát triển bền vững

Quan điểm phát triển bền vững

Sự ra đời và phát triển của hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập (NCL) trên thế giới là một xu thế khách quan, nguyên do chủ yếu không phải vì các nước thiếu tiền đầu tư cho giáo dục công, mà trước hết vì bản chất của giáo dục dù ở cấp độ nào, hình thức nào đều chứa đựng các yếu tố của lợi ích công và lợi ích tư, trách nhiệm công và trách nhiệm tư của các chủ thể liên quan, dù có sự khác nhau về tương quan giữa các cấp – bậc và hình thức giáo dục.

Đặc biệt khi nền giáo dục vận hành trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, giáo dục được xác định là một lĩnh vực dịch vụ, một lĩnh vực đầu tư cho phát triển, với sự tham gia của nhiều chủ thể, nhiều thành phần kinh tế trong xã hội, cả trong và ngoài nước.

Điều đặc biệt quan trọng là cần phải tạo được động lực mạnh mẽ, đúng đắn, cơ chế phù hợp huy động mọi nguồn lực của xã hội và cơ chế cạnh tranh lành mạnh cho sự phát triển có hiệu quả của cả hệ thống giáo dục quốc dân. Điều này là một điều kiện và yêu cầu khách quan cho sự phát triển của hệ thống các cơ sở giáo dục NCL - như một phân hệ hữu cơ của hệ thống giáo dục các nước.

Đồng thời gắn liền với đó là sự đổi mới cơ chế vận hành của các cơ sở giáo dục công lập theo hướng tự chủ, mà xét về bản chất là xác định quyền - nghĩa vụ - trách nhiệm - lợi ích của các chủ thể liên quan trong cơ sở giáo dục gắn với chất lượng, hiệu quả giáo dục, với chất lượng và hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực, gắn với trách nhiệm trách giải trình của cơ sở giáo dục công lập. Như vậy xét riêng về cơ chế vận hành của cơ sở giáo dục công lập theo cơ chế tự chủ có nhiều nét tương đồng với cơ chế vận hành của cơ sở giáo dục NCL.

Trên thế giới, sự phát triển của hệ thống các cơ sở giáo dục NCL phụ thuộc nhiều vào quan niệm truyền thống của mỗi nước về tương quan giữa giáo dục là phúc lợi hay giáo dục là dịch vụ. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, xu thế chung ở các nước là đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở giáo dục NCL tương thích với mức độ và tương quan giữa lợi ích công và lợi ích tư của các cấp, bậc học và hình thức giáo dục, đào tạo.

Ở các nước, đối với giáo dục phổ thông, đầu tư công thường lớn hơn đầu tư tư; Đối với GDĐH đầu tư công thường thấp hơn và tính chất thị trường của GDĐH cao hơn. Trên thế giới, tỉ lệ đầu tư của nhà nước cho các cấp - bậc học trong hệ thống giáo dục ở các nước cũng khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước; ở những nước kém phát triển nhà nước thường đầu tư nhiều hơn cho các cấp học phổ thông (phát triển trường công) để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục.

Trên giảng đường ĐH Thăng Long (Hà Nội)
Trên giảng đường ĐH Thăng Long (Hà Nội)

Nhận định tổng thể về đại học tư trên thế giới

Theo đánh giá của các nhà khoa học, không chỉ tại Việt Nam, ĐH NCL đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển giáo dục ĐH, mỗi trường có sứ mạng riêng và tham gia hệ thống giáo dục ĐH, cung cấp nguồn nhân lực theo các phân khúc khác nhau.

Ở một số nước, tỷ lệ sinh viên học tại các trường ĐH NCL là khá lớn. Tỷ lệ này là 86% ở Philippines, 75% ở Hàn Quốc và 60% ở Brazil, Indonesia, Bangladesh và Columbia. Ở Mỹ, trong 10 trường hàng đầu thì có đến 9 trường là NCL như Harvard, MIT... và chỉ có 1 trường công lập là California State University (CSU), Berkeley.

Theo một số bảng xếp hạng thì trong 10 trường ĐH hàng đầu thế giới, có ít nhất 8 trường là tư thục và 2 trường công lập. Điều này phần nào phản ánh vai trò của các trường ĐH NCL trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trên thế giới.

Theo thống kê của Chương trình Nghiên cứu về Giáo dục đại học tư (PROPHE) thì tỷ lệ sinh viên và tỷ lệ trường ĐH NCL tại các khu vực và toàn thế giới là 31,3%. Hai khu vực thấp là châu Phi (14,6%) và châu Âu (16,0%), cao nhất là châu Mỹ Latinh (48,6%), trung bình là Mỹ (26,1%) và châu Á (36,4).

Tỷ lệ sinh viên NCL thấp tập trung ở 2 nơi thuộc 2 cực: Khu vực kém phát triển (châu Phi), và khu vực các nước giàu, nơi nhà nước có khả năng cung cấp giáo dục đại học như dịch vụ công ích.

Tính riêng trong khu vực châu Á, tỷ lệ sinh viên NCL của Việt Nam cũng thấp so với nhiều nước khác, ở mức thấp tương đương với Thái Lan - là nước đã từng có tỷ lệ sinh viên trường tư tới 20% vào những năm 1990, giờ còn khoảng trên 10% do việc mở rộng hệ thống trường công.

Chính hệ thống các cơ sở giáo dục tư khi được quản lý tốt đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu giáo dục công - mục tiêu chung của xã hội. Do đó, ngày nay ở hầu hết các nước, việc tăng cường mối quan hệ hợp tác công - tư trong giáo dục ngày càng được chú trọng, với các hình thức rất đa dạng, đang là những giải pháp quan trọng của các nước để phát triển có chất lượng và hiệu quả hệ thống giáo dục. 

Hệ thống cơ sở giáo dục NCL có những yếu tố tích cực sau: Làm đa dạng thêm các hình thức, các loại hình giáo dục và các loại trường; Giải quyết vấn đề thiếu hụt kinh phí và cơ sở vật chất của giáo dục; Đáp ứng nhu cầu đi học của các tầng lớp nhân dân và các nhu cầu giáo dục khác nhau của các đối tượng người học khác nhau;

Tạo môi trường cạnh tranh để nâng cao chất lượng giáo dục và kích thích sự phát triển của giáo dục; Thay đổi phương thức quản lý trong các nhà trường một cách linh hoạt và hiệu quả hơn; Giảm các thủ tục phiền hà của cơ chế quản lí hành chính tập trung quan liêu; tiết kiệm chi phí quản lí;

Đóng góp vào sự phát triển khoa học và tuyên truyền kiến thức mới; Dễ áp dụng các sáng kiến mới và các ý tưởng mới... Doanh thu do giáo dục tư đóng góp cho nền kinh tế tương đối cao (20 - 30% ở các nước phát triển).

Nhìn chung, cả hai hệ thống cơ sở giáo dục công và tư đều có những mặt mạnh và những mặt hạn chế trong việc phát triển giáo dục và đáp ứng các nhu cầu học tập của xã hội. Các nghiên cứu đưa đến kết luận rằng, các hệ thống giáo dục có tính cạnh tranh làm tốt công việc của mình hơn là hệ thống giáo dục công thuần túy.

Đề xuất đối với các trường ĐH NCL

Trước tình hình phát triển mới, các trường ĐH NCL cần thực hiện nghiêm túc các cam kết thành lập trường, tập trung vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, tăng cường hoạt động NCKH, HTQT và kết nối doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của hệ thống các trường ĐH NCL. Xây dựng lộ trình thực hiện các cam kết đáp ứng yêu cầu chung về trường đại học. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác quản trị đại học tiếp cận dần tới chuẩn mực quốc tế, tăng cường ứng dụng công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin trong quản trị, quản lý trường ở tất cả các lĩnh vực hoạt động.

Xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đặc biệt là nâng cao trình độ trên đại học cho giảng viên trẻ; thực hiện nghiêm các quy định về giảng viên đại học, không sử dụng cử nhân làm giảng viên giảng dạy lý thuyết theo quy định trong Điều lệ trường đại học.

Đẩy mạnh liên kết với các trường đại học công lập và các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trong việc phát triển học thuật, sử dụng cơ sở vật chất trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường, đồng thời triển khai kiểm định chất lượng trường và chất lượng chương trình đào tạo, chủ động xây dựng báo cáo tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài với các tổ chức kiểm định chất lượng. Chủ động tham gia các bảng xếp hạng do các tổ chức quốc tế thực hiện.

_____________________

Bài 3: Cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.