Giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập

GD&TĐ - Qua 30 năm đổi mới, hệ thống các trường đại học ngoài công lập (ĐH NCL) đã phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực tiềm năng cho đất nước. 

Nguồn lực tài chính là cơ sở để các trường ĐH phát triển
Nguồn lực tài chính là cơ sở để các trường ĐH phát triển

Tuy nhiên, vẫn có những thử thách, gian nan và hạn chế trong các cơ chế, chính sách khiến nhiều trường dù đã rất lớn mạnh nhưng lại khó phát triển, khó vươn xa hơn. Đó cũng chính là động lực để thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam".

Thiếu bình đẳng

PGS.TS Trần Quang Quý - Chủ nhiệm đề tài cho biết: Trong 30 năm (1988 - 2017) đã 60 trường ĐH NCL đã được thành lập, tại 29/63 tỉnh thành, chiếm 25,5% số trường ĐH, đào tạo 13,1% sinh viên ĐH cả nước, mở rộng năng lực của hệ thống GDĐH, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân.

Cơ cấu tổ chức của các trường đều được thiết lập theo quy định chung của Luật GD, Luật GDĐH và Điều lệ Trường ĐH hiện hành. Đa số đang hoạt động bình thường trừ một số trường chưa ổn định, chưa được chuyển đổi loại hình từ dân lập sang tư thục (7 trường).

Năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên tại các trường ĐH NCL được đánh giá ở mức tốt. Tỉ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS và có học vị tiến sĩ cao hơn mức trung bình chung trong toàn hệ thống ĐH, tuy phần lớn trong số đó là cán bộ đã nghỉ hưu, có độ tuổi cao, sức khỏe cũng như khả năng cập nhật các kiến thức khoa học hiện đại hạn chế.

Phần lớn các trường có đủ điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn 5/60 trường sau hơn 20 năm vẫn chưa có đất để tiến hành xây dựng trường. Hệ thống thư viện ở phần lớn các cơ sở còn nghèo nàn, hệ thống tài liệu học tập thiếu thốn ít được cập nhật, các dịch vụ hỗ trợ học tập như khu giáo dục thể chất, xưởng thực hành còn thiếu và yếu. Nhiều trường vẫn chưa có ký túc xá và khu sinh hoạt giáo dục thể chất quốc phòng.

Nguồn lực tài chính của các trường ĐH NCL còn hạn chế. Học phí là nguồn thu chủ yếu trong các trường ĐH NCL. Theo số liệu 43 trường cung cấp, liên quan đến thu chi tài chính, trong năm 2016, đã có 33/43 trường hoạt động có lãi. Tuy nhiên, do chính sách tuyển sinh hiện nay nên nhiều trường khó khăn, một số trường rất khó khăn, nguồn tài chính thiếu hụt, có nguy cơ ngừng hoạt động đào tạo.

Hoạt động kiểm định cơ sở đào tạo và kiểm định chương trình đào tạo đã bước đầu được các trường quan tâm, nhưng hoạt động triển khai còn chậm, số lượng trường đã được kiểm định còn thấp.

Hợp tác quốc tế ở các trường tập trung vào hoạt động liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên và được đánh giá không cao. Nhiều trường đã có liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ĐH NCL đã được xây dựng và ban hành, từng bước thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá giáo dục; nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn với yêu cầu của thực tiễn về tổ chức và hoạt động của các trường;

Chính sách pháp luật về tài chính, đất đai đều được xây dựng theo hướng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường phát triển; các quy định về đào tạo ngày càng đổi mới, khắc phục những bất cập và phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa hợp lý, thiếu đồng bộ và chưa đảm bảo sự phát triển bền vững, chưa tạo được sự bình đẳng giữa trường công và trường tư.

Một số văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính cụ thể, kém tính khả thi, chưa tạo động lực cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào giáo dục ĐH NCL, cản trở hoạt động của các trường ngoài công lập. Số ít lĩnh vực hoạt động GDĐH còn chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Hạn chế và nguyên nhân

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách về xã hội hoá giáo dục nói chung và về phát triển giáo dục ĐH NCL nói riêng, nhưng đến nay số sinh viên các trường ĐH NCL vẫn chỉ đạt ở mức 13 -14% tổng số SV.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường ĐH NCL; một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai đối với các trường ĐH NCL.

Cụ thể: Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn chưa làm rõ cơ chế “sở hữu” cũng như tính chất “không vì lợi nhuận” của các loại hình trường ĐH NCL; chưa có chính sách khuyến khích đặc biệt để định hướng phát triển trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Một số văn bản quy phạm pháp luật đã không thể hiện sự khác biệt giữa một trường ĐH NCL với một doanh nghiệp.

Về chính sách, Nghị quyết số 29/NQTW Hội nghị Trung ương 8 ngày 4/11/2013 đã chỉ rõ: “Tiến tới bình đẳng về quyền được nhận hỗ trợ của Nhà nước đối với người học ở trường công lập và trường ngoài công lập”, nhưng đến nay chưa có văn bản quy định hỗ trợ chi phí đào tạo cho sinh viên ở các trường ĐH NCL.

Quy định xác định chỉ tiêu tạo điều kiện một số trường công lập tăng nhanh về quy mô, thu hút hầu hết sinh viên, làm các trường ĐH NCL gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Việc quy định chỉ tiêu liên thông không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu chính quy của các ngành và quy định về tổ chức thi, xét tuyển liên thông là chưa phù hợp với tình hình thực tế: Các trường đã được tự chủ tuyển sinh với rất nhiều hình thức xét tuyển và thi tuyển khác nhau.

Hợp tác quốc tế trong đào tạo và liên kết với các doanh nghiệp là hướng đi để các trường ĐH ngoài công lập phát triển
  • Hợp tác quốc tế trong đào tạo và liên kết với các doanh nghiệp là hướng đi để các trường ĐH ngoài công lập phát triển

Những kiến nghị để phát triển

Nhóm nghiên cứu đề nghị Nhà nước tiếp tục coi giáo dục ĐH NCL là một bộ phận quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống GDĐH Việt Nam. Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hợp lý tạo điều kiện thúc đẩy các trường NCL phát triển bền vững và trong 5 năm tới thu hút khoảng 30% sinh viên học tập (đạt mức trung bình chung của GDĐH NLC trên thế giới).

Tái cấu trúc hệ thống các trường đại học, sáp nhập, giải thể đối với những cơ sở giáo dục đại học không thực hiện đúng cam kết thành lập trường (không xây dựng cơ sở vật chất hoặc cơ sở vật chất không đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng) không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả.

Tạo lập môi trường bình đẳng về tài chính cho nhóm các trường ĐH NCL trong việc tiếp cận nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác; đầu tư thông qua người học theo cơ chế đặt hàng; cơ chế hỗ trợ sinh viên diện nghèo, vùng sâu vùng xa, cơ chế ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực GDĐH... theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cụ thể về mức hỗ trợ cho các hoạt động của trường công và tư về đào tạo các nhóm ngành/nghề có tính xã hội cao, đồng thời cắt giảm triệt để sự hỗ trợ/trợ cấp của Nhà nước đối với các nhóm ngành/nghề có nhu cầu cao trong xã hội.

Rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách tài chính đối với các trường ĐH NCL đặc biệt là chính sách thuế. Có chính sách hỗ trợ các trường ĐH NCL tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ nguồn thuế do các trường ĐH NCL đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam” do PGS.TS Trần Quang Quý làm chủ nhiệm đề tài.

________________________

Bài 2: Kinh nghiệm từ quốc tế

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.