Giải pháp nâng cao năng lực giáo viên

GD&TĐ - Là thành viên của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học giáo dục cấp quốc gia (MS: 16-20.ĐT.022), PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, giáo viên với công việc chính là dạy học và giáo dục; để thực hiện được nghề nghiệp chính của mình đòi hỏi họ phải có trình độ chuyên môn và kỹ năng hành nghề, gọi là nghiệp vụ sư phạm.  

Giáo viên cần chủ động trong việc trang bị và bồi dưỡng kỹ năng sư phạm trong giảng dạy
Giáo viên cần chủ động trong việc trang bị và bồi dưỡng kỹ năng sư phạm trong giảng dạy

Bản chất của năng lực, nghiệp vụ sư phạm

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, năng lực nghiệp vụ sư phạm (NVSP) phản ánh trình độ tay nghề của giáo viên. Năng lực này được hình thành trong quá trình đào tạo và hành nghề. Thực tế nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn cao thể hiện qua hệ thống văn bằng, chứng chỉ, song kỹ năng thể hiện năng lực NVSP còn yếu, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giáo dục của ngành. Vấn đề đặt ra cần phát triển năng lực NVSP cho giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.

Năng lực NVSP của giáo viên đã và đang được nhiều nghiên cứu quan tâm, vì năng lực NVSP là một trong những thành phần không thể thiếu trong cấu trúc năng lực của người giáo viên. Năng lực NVSP của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đào tạo - sản phẩm của nhà trường.

Thực tế năng lực NVSP được hình thành ở mỗi giáo viên là do được đào tạo trong quá trình đào tạo ở đại học, cũng có thể được hình thành trong quá trình tự học của mỗi giảng viên. Song hiểu được năng lực NVSP, cấu trúc của năng lực và con đường bồi dưỡng để phát triển năng lực NVSP là vấn đề cần thiết đối với mỗi giáo viên hiện nay.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, có thể coi “Năng lực là những đặc điểm tâm lý cá biệt, tạo thành điều kiện quy định tốc độ, chiều sâu, cường độ của việc tác động vào đối tượng lao động”. Khái niệm này coi năng lực là những đặc điểm tâm lý cá biệt trong một hoạt động cụ thể, tạo thành điều kiện quy định tốc độ, chiều sâu, cường độ tác động và đối tượng lao động.

Khi nói đến năng lực là khả năng đạt được kết quả trong hoạt động nào đó. Muốn hoạt động đạt hiệu quả thì cá nhân thực hiện hoạt động ấy phải có những phẩm chất tâm lý nhất định phù hợp với yêu cầu của hoạt động đó.

Giáo viên: Hình thành tri thức cho người học

Thực tế cho thấy, những người phát triển tâm lý bình thường nào cũng có khả năng tiếp thu một số kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo tối thiểu. Song trong những điều kiện như nhau thì những người khác nhau có thể tiếp thu những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo đó với nhịp độ khác nhau.

Đặc biệt với một số hoạt động đặc thù như hoạt động văn học, nghệ thuật, thể thao chỉ có một số người có năng lực nhất định mới có thể đạt kết quả. Do đó, khi xét bản chất của năng lực, trước hết cần chú ý tới hai vấn đề: Thứ nhất là sự khác nhau giữa người này với người kia về hiệu quả hoạt động; thứ hai, năng lực tạo điều kiện cho việc tiếp thu những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo dễ dàng chứ không phải bản thân tri thức, kĩ năng, kĩ xảo.

Bài viết được biên tập, lược dẫn từ bài “Phát triển năng lực nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay” của PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, thành viên của nhóm đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục cấp quốc gia/16-20.ĐT.022. 

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng phân tích, NVSP của giáo viên là cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động giảng dạy và giáo dục. Năng lực NVSP của giáo viên là khả năng vận dụng tổng hợp, kiến thức, kĩ năng sư phạm, thái độ của giáo viên sư phạm nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động dạy học và giáo dục nghề nghiệp cho học sinh sư phạm theo yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ được giao.

NVSP của giáo viên phải thể hiện qua việc tổ chức thực hiện hoạt động nghề nghiệp của họ nhưng phải theo yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ được giao. Nghĩa là người giáo viên phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của mình trong hoạt động nghề nghiệp, hiểu rõ những yêu cầu của lao động nghề nghiệp đặt ra (yêu cầu về phẩm chất, năng lực), từ đó có thể tổ chức thực hiện hoạt động giảng dạy và giáo dục nghề nghiệp cho sinh viên một cách phù hợp, đúng hướng.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, giáo viên không chỉ là người hình thành tri thức chuyên môn cho sinh viên mà còn là người đào tạo, rèn luyện học sinh trở thành những giáo viên tương lai. Chính vì vậy phát triển năng lực NVSP cho giáo viên là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

Phát triển năng lực NVSP cho giáo viên trên cơ sở củng cố đạo đức nhà giáo đã đến lúc cần có nhận thức và sự vào cuộc không chỉ riêng của mỗi giáo viên mà của các nhà quản lý để thực hiện có kết quả đổi mới giáo dục hiện nay.

Giải pháp nâng cao NVSP cho giáo viên

Để phát triển năng lực NVSP cho giáo viên PGS.TS Trần Thị Minh Hằng đề xuất cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý và GV về vị trí, tầm quan trọng và yêu cầu bồi dưỡng nâng cao năng lực NVSP cho giáo viên các cấp hiện nay. Mục tiêu là giải quyết thực trạng một số cán bộ quản lý chưa coi trọng đúng mức NVSP của giáo viên mà cho rằng giáo viên chỉ cần giỏi chuyên môn là có thể dạy tốt. Vì vậy, họ coi trọng bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên hơn là NVSP, trong khi năng lực NVSP của giáo viên còn nhiều hạn chế yếu kém.

Hai là, xác định những kỹ năng nghiệp vụ cơ bản giáo viên còn yếu kém cần được bồi dưỡng. Ở mỗi địa phương khác nhau, mỗi cơ sở giáo dục khác nhau, giáo viên thể hiện những năng lực NVSP ở mức độ khác nhau. Hiệu trưởng - những người đứng đầu nhà trường tiến hành khảo sát đánh giá phân loại giáo viên và xác định nhu cầu bồi dưỡng phát triển những năng lực NVSP cần thiết cho giáo viên.

Ba là, tạo động lực và xây dựng môi trường thuận lợi cho đội ngũ giáo viên tích cực tự bồi dưỡng năng lực NVSP. Đây là một trong những khâu quan trọng trong công tác quản lý. Nhà quản lý cần phải tạo ra và duy trì một môi trường mà ở đó mọi người làm việc cùng nhau với tinh thần phấn khởi, tự nguyện để hoàn thành mục tiêu chung của giáo dục. Các động lực là những yếu tố thúc đẩy cán bộ quản lý, GV thực hiện tốt nhiệm vụ trong bồi dưỡng để phát triển năng lực NVSP.

Bốn là, mỗi giáo viên phải tự bồi dưỡng năng lực NVSP trên cơ sở tự đánh giá năng lực NVSP của bản thân. Mỗi giáo viên phải là người có nhu cầu tự học, tự bồi dưỡng trên cơ sở tự xác định cho bản thân những năng lực NVSP cần bồi dưỡng. Thực tế hiện nay, mỗi giáo viên tương đối eo hẹp về thời gian, với khối lượng công việc thực hiện ở trường lớn, vì vậy nếu không tự giác, tự cố gắng thì không thể thực hiện được việc tự học và không thể phát triển được năng lực NVSP cho mình. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ thông tin, việc học và tự học rất linh hoạt, đa dạng. Vì vậy, mỗi giáo viên tự xây dựng kế hoạch và xác định mục tiêu rèn luyện phát triển năng lực NVSP cho bản thân phù hợp với yêu cầu luôn nâng cao của ngành.

Quá trình phát triển năng lực NVSP giáo viên cần thực hiện một cách đồng bộ các biện pháp nêu trên. Mỗi biện pháp sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém về năng lực NVSP của giáo viên hiện nay, giáo viên và các nhà quản lý tự thay đổi nhận thức để có biện pháp hữu hiệu phát triển năng lực NVSP của giáo viên đáp ứng với yêu cầu giáo dục.

Tóm lại, NVSP và phát triển năng lực NVSP là năng lực đặc thù của giáo viên và thể hiện chất lượng của giáo viên. Năng lực này hình thành và phát triển trong quá trình đào tạo ở các trường sư phạm và trong quá trình thực hiện nghề.

Khi xã hội phát triển những năng lực NVSP đòi hỏi giáo viên ngày càng hoàn thiện và phát triển ở mức độ cao. Năng lực NVSP đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên luyện tập, trau dồi và học hỏi lẫn nhau trong quá trình dạy học.

Thực tiễn các nhà lãnh đạo, quản lý mới chú trọng đến bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, tăng cường cập nhật tri thức trong chương trình dạy học, chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao năng lực NVSP cho giáo viên. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục các cấp chưa đáp ứng với yêu cầu đổi mới hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ