Đưa tiếng Anh về với học sinh ngoại thành

GD&TĐ - Ngoại ngữ luôn là điểm yếu của học sinh các trường ngoại thành Hà Nội. Để các em không tụt lại phía sau trong quá trình dạy học ngoại ngữ, các thầy cô giáo đã có nhiều sáng kiến độc đáo.

Đưa tiếng Anh về với học sinh ngoại  thành

Dạy tiếng Anh với từng đối tượng

Gần 20 năm giảng dạy tiếng Anh tại Trường THPT Phúc Thọ, ngôi trường ở vùng nông thôn chưa mặn mà với việc học ngoại ngữ, cô Nguyễn Thị Ly Nga luôn trăn trở làm sao để học sinh thích học ngoại ngữ hơn, vượt qua các kì thi một cách dễ dàng. Cô Nga chủ động đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ tới từng học sinh.

Trong giảng dạy, cô thực hiện nhiều mô hình, sáng kiến và linh hoạt trong sử dụng các phương pháp dạy học. Với học sinh khá giỏi, cô đăng kí với nhà trường tổ chức bồi dưỡng các chuyên đề khó nhằm giúp các em đạt điểm cao trong Kỳ thi THPT quốc gia. Sau 2 năm thực hiện, đã có hàng chục lượt học sinh đạt điểm từ 8 đến hơn 9 điểm trong Kỳ thi THPT quốc gia.

Không bỏ quên học sinh nào trong lớp, trong trường, cô Nga tổ chức mô hình phụ đạo cho học sinh yếu lớp 12 với mục đích chống điểm liệt môn Tiếng Anh, có sự tham gia quản lí của cha mẹ học sinh. Các buổi phụ đạo đều có đại diện cha mẹ học sinh tham dự. Sau quá trình học tập, học sinh không những cải thiện vốn kiến thức tiếng Anh của mình mà còn có sự tiến bộ đáng kể trong rèn luyện đạo đức. Chỉ sau 1 năm thực hiện mô hình, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, lần đầu tiên Trường THPT Phúc Thọ không còn học sinh nhận điểm liệt môn Tiếng Anh. Hai mô hình trên được thực hiện thành công là một trong những tiêu chí giúp Trường THPT Phúc Thọ nhận cờ thi đua xuất sắc của thành phố Hà Nội năm học 2017 - 2018.

Để tạo không khí thi đua học tập, cô Nga sử dụng phiếu điểm thưởng trong các giờ dạy của mình. Những học sinh phát biểu từ 5 lần trở lên trong một tiết học sẽ được nhận một phiếu điểm thưởng. Phiếu này dùng để cộng điểm trong các bài kiểm tra định kì.

Nhờ sáng kiến này, học sinh luôn tích cực phát biểu xây dựng bài, giờ học luôn sôi nổi, đồng thời việc đánh giá học sinh trở nên chính xác hơn. Để giúp học sinh yếu, cô còn tổ chức các nhóm bạn cùng tiến, cứ 2 bạn học khá giúp đỡ một bạn học yếu. Hằng tuần cô kiểm tra sự tiến bộ của học sinh và có biện pháp động viên tích cực.

Để thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong toàn trường, cô cùng Tổ Ngoại ngữ tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như: Tiếng Anh vui học, English Speaking Contest..., thu hút hàng nghìn lượt học sinh tham gia.

Đặc biệt trong năm 2018, Tổ Ngoại ngữ Trường THPT Phúc Thọ đã tổ chức thành công lễ hội tiếng Anh - English Festival. Tại đây, những học sinh được tham gia các hoạt động giao lưu, thuyết trình, hát, diễn kịch bằng tiếng Anh. Hoạt động này gây được tiếng vang lớn trong hội đồng nhà trường, học sinh. Nhờ đó, học sinh trong trường có thêm rất nhiều hứng thú trong việc học tiếng Anh.

Trao cơ hội cho học sinh

Tại Trường THPT Mỹ Đức B, cô Trần Thị Giang là một giáo viên trẻ, nhiệt huyết, yêu nghề, không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức để có những đổi mới sáng tạo trong dạy học. Cô luôn tích cực tham gia các diễn đàn, tìm tòi nghiên cứu các phương pháp dạy học mới trên các trang web trong nước cũng như nước ngoài.

Năm 2017, cô đã hoàn thành chương trình học tập miễn phí của chính phủ Mỹ dành cho tất cả các giáo viên dạy tiếng Anh trên toàn thế giới. Cô cũng thường xuyên tham gia các buổi tập huấn phương pháp tổ chức AIT Tesol Hanoi.

Trong các tiết dạy trên lớp, cô luôn cố gắng lồng ghép những câu chuyện, chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi đặt chân đến những vùng đất mới, người bạn mới quen. Mục đích để khơi gợi cho các em niềm đam mê học tập, ham tìm hiểu khám phá, để các em thấy rằng khi các em học giỏi tiếng Anh, các em sẽ chạm đến ước mơ một cách dễ dàng hơn.

Sau buổi tập huấn về phương pháp của Sở GD&ĐT Hà Nội, cô đã mạnh dạn đề xuất với ban chuyên môn chuyên đề “Áp dụng phương pháp dạy học dự án một cách hiệu quả nhằm nâng cao kĩ năng nói cho học sinh” của cô Nguyễn Thu Phương - Trường THPT Thăng Long. Ban đầu, đề xuất của cô còn gây nghi ngờ đối với các thầy cô giáo trong tổ vì mọi người cho rằng rất khó để thực hiện đối với đối tượng học sinh yếu kém ở vùng quê nông thôn. Nhưng nhờ sự linh hoạt, thay đổi cho phù hợp với đối tượng học sinh, năm học vừa qua cô đã áp dụng thành công tại các lớp mình giảng dạy.

Cô Giang đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao. Đặc biệt sáng kiến kinh nghiệm “Thiết kế tài liệu nghe bổ sung cho học sinh lớp 10 thí điểm” thông qua hình thức giao bài tập trên mạng xã hội Facebook đã nhận được nhiều đánh giá và được áp dụng rộng rãi không chỉ với bộ môn Tiếng Anh mà còn với các thầy cô dạy các môn văn hóa khác trong Trường THPT Mỹ Đức B.

Năm học 2017 - 2018, được sự đồng ý của Ban giám hiệu, cô Giang liên hệ mời giáo viên nước ngoài về để học sinh có cơ hội giao lưu, tiếp xúc, cũng là để khuyến khích các em phát triển kĩ năng giao tiếp tốt hơn. Trong thời gian giáo viên nước ngoài ở tại nhà cô từ 5 - 7 ngày, học sinh có thể tới giao lưu học hỏi.

Việc làm này của cô nhận được sự đánh giá cao của Ban giám hiệu, Ban chuyên môn, các đồng nghiệp. Đặc biệt đối với học sinh, các em luôn hào hứng, học tập hăng hái, thích sử dụng tiếng Anh hơn sau các buổi chia sẻ ngoại khóa như thế. Sau các buổi giao lưu như vậy, các thầy cô tổ chuyên môn cùng có cơ hội tìm hiểu về văn hóa các quốc gia, và đoàn kết gắn bó với nhau hơn..

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).