Đủ cơ sở để luật hóa việc "tăng lương giáo viên"

GD&TĐ - Việc đề nghị xếp lương nhà giáo sẽ góp phần giúp nâng cao đời sống nhà giáo, từ đó các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho ngành, đồng thời thu hút được nhiều người giỏi vào sư phạm.

Đủ cơ sở để luật hóa việc "tăng lương giáo viên"

Luật hóa chủ trương của Đảng về giáo dục đào tạo

Tại hội nghị góp ý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII năm 1996, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI đều khẳng định, lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương.

Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục năm 2013 cũng đã nhắc lại điều này, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hướng tới.

Chính sách tiền lương hiện nay căn bản đã bám sát Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 để ngành Giáo dục thực hiện. Bộ GD&ĐT đã thực hiện thống nhất trong chính sách tiền lương của Nhà nước, thang bảng lương đối với nhà giáo được đặt ở vị trí thống nhất tùy từng ngành nghề, trình độ đào tạo.

Tuy nhiên, cùng với tình hình chung và so với cuộc sống hiện tại, thu nhập bằng lương của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn thấp, đặc biệt là giáo viên mới, nhà giáo đang công tác ở những vùng, miền có điều kiện khó khăn.

Lương thấp nên nhiều giáo viên không muốn gắn bó với nghề. Ông Trần Quang Vượng – đại diện sở GD&ĐT Lào Cai chia sẻ: Gần đây, số giáo viên xin ra khỏi ngành trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tăng đột biến. Chỉ riêng cấp THPT, chưa hết năm 2017 đã có 26 giáo viên xin thôi việc, tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2016.

“Càng về cuối năm, chúng tôi càng nhận được nhiều đơn xin thôi việc của giáo viên, ở tất cả cấp bậc từ mầm non đến THPT, trong đó có cả các giáo viên ở thành phố. Thầy cô vì thu nhập thấp, không đáp ứng được cuộc sống nên muốn chuyển sang công việc khác”.

Còn ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ ra thực tế ở Hà Nội có rất ít giáo viên THPT là nam giới, chỉ chiếm tỉ lệ 15%. Nhiều người học xong sư phạm sẵn sàng đi làm nghề khác để kiếm tiền nuôi gia đình chứ không đi dạy học. Do đó ngành giáo dục cũng cần tính hướng để có lương cho những người đi làm đủ sống và nuôi được gia đình.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định: Đã 20 năm nay, Đảng và Nhà nước thể hiện mong muốn tăng lương cho giáo viên, cũng là sự quan tâm của toàn xã hội nhưng chưa thực hiện được. Như vậy, việc tăng lương giáo viên cần phải được đưa vào luật để cụ thể hóa vì nếu chỉ tồn tại trên giấy và chính sách thì rất khó khả thi.

Người mẹ thứ hai
Người mẹ thứ hai

Cần quan tâm đến cán bộ quản lý giáo dục

Sau khi nghe thông tin lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, từ nhà quản lý đến giáo viên rất phấn khởi. Nó như luồng gió mới thổi vào trong các cơ sở giáo dục- Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định.

Tuy nhiên, cần phải  quan tâm đến một bộ phận khác đó là các nhà giáo công tác tại phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Họ đều là những nhà giáo ưu tú, tuy nhiên có nhiều trường hợp được mời về làm việc họ vẫn không về vì khi đó chế độ thay đổi, họ bị mất thâm niên và phụ cấp đứng lớp.

Lấy ví dụ về trường hợp này, bà Bùi Thị Thu - Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, bản thân bà là giáo viên trường chuyên có kinh nghiệm 20 năm đứng lớp, nhưng sau đó khi về Sở GD&ĐT là năm thứ 21 mất danh hiệu “nhà giáo”, không còn được hưởng thêm chế độ gì nữa.

Do vậy, khái niệm “nhà giáo” cần được mở rộng hơn, không chỉ những người trực tiếp đứng lớp mà còn mở rộng hơn là những người quản lý tại Phòng, Sở sau khi được điều chuyển lên.

Còn một cán bộ của Sở GD&ĐT Hải Dương bày tỏ: Các giáo viên có thành tích tốt sẽ được cất nhắc lên làm cán bộ quản lý giáo dục, nhưng khi về các phòng, sở công tác, họ lại giảm thu nhập vì bị cắt phụ cấp thâm niên, cắt phụ cấp đứng lớp. Nên bổ sung việc tăng lương cho cả cán bộ quản lý giáo dục, nếu không thì cán bộ quản lý giáo dục rất thiệt thòi.

Bà Nguyễn Thúy Hường- Phó trưởng Phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nam nêu ý kiến: Theo quy định, thầy cô phải có ít nhất 5 năm đứng lớp ở các trường và có thành tích mới được làm cán bộ quản lý giáo dục. Vì thế, cần có cơ chế chính sách nhất định để đảm bảo quyền lợi và để đội ngũ này yên tâm công tác.

Cần định nghĩa lại, mở rộng khái niệm nhà giáo để cán bộ quản lý giáo dục cũng thuộc đối tượng được hưởng mức lương mới. Cán bộ quản lý giáo dục đều đi lên từ giáo viên phổ thông, nhưng vì thu nhập giảm đi nên nhiều người có năng lực quản lý không muốn rời bục giảng về phòng làm cán bộ.

Tiếp thu những ý kiến này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, sắp tới sẽ đề xuất chính sách xây dựng luật nhà giáo trong đó có quy định cụ thể về “nhà giáo”. Những ý kiến băn khoăn về định nghĩa nhà giáo là rất tâm huyết. Bộ GD&ĐT cùng ban soạn thảo dự luật sẽ tiếp thu ý kiến này để nghiên cứu để có giải pháp cụ thể.

Bà Nguyễn Thúy Hường- Phó trưởng Phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nam nêu ý kiến: Theo quy định, thầy cô phải có ít nhất 5 năm đứng lớp ở các trường và có thành tích mới được làm cán bộ quản lý giáo dục. Vì thế, cần có cơ chế chính sách nhất định để đảm bảo quyền lợi và để đội ngũ này yên tâm công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ