Động lực mới để nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Thông tin về chủ trương thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên đang nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng tình của xã hội, bởi nó không chỉ nằm trong lộ trình cải cách hành chính của Chính phủ với mục tiêu là tạo động lực, nâng cao hiệu suất lao động, đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế đất nước, mà với ngành Giáo dục, nó còn tạo động lực mới cho giáo viên chủ động để nâng cao chất lượng giáo dục.

Động lực mới để nâng cao chất lượng giáo dục

Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, hay đây đó là những lo ngại khi cơ chế này vận hành dễ xảy ra những tiêu cực… nhưng hầu hết các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, bỏ biên chế giáo viên là việc cần làm không chỉ nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh nhân sự trong giáo dục vốn đang bị “ì ạch”, mà chính cơ chế hợp đồng giáo viên được vận hành sẽ là yếu tố giúp người giáo viên được cảnh báo thường xuyên, biết tự tìm đường tự học, tự nâng cao trình độ, năng lực. Hay nói một cách khác là cơ chế hợp đồng “có vào - có ra” sẽ loại bỏ được sức ỳ lớn bấy lâu trong một bộ phận không nhỏ của đội ngũ giáo viên.

Ngày nay, giáo dục nước ta đang đứng trước những yêu cầu mới. Việc dạy học về thực chất đã trở thành việc dạy cho người học biết cách học, biết cách tìm kiếm và sử dụng tri thức, qua đó mà phát triển các năng lực cần thiết để tồn tại và phát triển.

Hay nói cho thật cụ thể là người giáo viên ngày nay phải có thế giới quan khoa học đúng đắn, phải được đào tạo một cách có hệ thống, có trình độ cao về học vấn chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực chuyên môn mà mình giảng dạy, đồng thời phải có trình độ nhất định về các môn khoa học cơ bản, khoa học công nghệ ứng dụng, kỹ thuật và khoa học xã hội nhân văn; phải có năng lực chọn lọc các tri thức cơ bản, hiện đại, thực tiễn, phù hợp với phương pháp giáo dục của bậc học, để có thể truyền tải nội dung môn học một cách hấp dẫn.

Hơn nữa, những yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “dạy học hướng vào người học”, chuyển từ học tập thụ động sang học tập chủ động, phát huy tính độc lập, tích cực, năng động, sáng tạo của người học cũng đòi hỏi người giáo viên không chỉ có khả năng nghiên cứu và hoạt động thực tiễn, mà còn phải có khả năng hướng dẫn, rèn luyện cho người học phương pháp học theo cách tự nghiên cứu, bồi dưỡng năng lực, phát hiện và giải quyết những vấn đề thực tiễn, hướng vào việc chuẩn bị cho họ có khả năng nhanh chóng thích ứng với yêu cầu mới của nền kinh tế thị trường…

Chính điều đó tạo ra những động lực cho người giáo viên phải có nhu cầu và năng lực không ngừng tự hoàn thiện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng tự đổi mới, tự hoàn thiện bản thân.

Tất nhiên cái gì mới cũng sẽ khó và chắc chắn ban đầu sẽ có người bị sốc, không đồng tình ngay, nhất là những giáo viên hạn chế về năng lực. Bởi vậy, rất cần một lộ trình triển khai thí điểm thật hợp lý, để tạo tâm lý cho giáo viên yên tâm công tác, bám trường, bám lớp giảng dạy; đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để các nhà giáo thấy rõ được những điểm có lợi, điểm tốt của chủ trương mới, từ đó đồng tình, ủng hộ, không chỉ góp phần giải quyết được vấn đề trì trệ trong hệ thống công chức, viên chức hiện nay đối với ngành, mà còn sẽ tạo luồng gió, thành động lực mới đẩy nhanh công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo đi đến thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.