Đối thoại với học sinh

GD&TĐ - Phát triển mô hình đối thoại học đường để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong trường học đang được chú trọng ở nhiều cơ sở giáo dục, kể cả giai đoạn học sinh tạm dừng đến trường vì dịch bệnh.

Mô hình đối thoại học đường nhằm thúc đẩy quyền tham gia của học sinh trong trường học. Ảnh minh họa
Mô hình đối thoại học đường nhằm thúc đẩy quyền tham gia của học sinh trong trường học. Ảnh minh họa

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trò

Hoạt động đối thoại học đường được thường xuyên tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Hoạt động này giúp thầy cô lắng nghe suy nghĩ, băn khoăn, phản ánh của học sinh về những vấn đề còn tồn tại, từ đó có biện pháp khắc phục phù hợp.

Đối thoại học đường, theo thầy Nguyễn Đức Hùng, giáo viên nhà trường, có vai trò quan trọng, góp phần tạo sự dân chủ, bình đẳng trong môi trường giáo dục. Học sinh sẽ thấy mình được tôn trọng, được thỏa mãn các nguyện vọng chính đáng; hơn nữa còn tạo nên sự tin tưởng giữa thầy cô và học sinh. Môi trường giáo dục lành mạnh như vậy sẽ được gia đình lựa chọn, đặt niềm tin, nhà trường có điều kiện để phát triển vững mạnh.

Trường THPT Tân Sơn, Phú Thọ nhiều năm qua duy trì hoạt động đối thoại với ban cán sự lớp, trực tiếp hiệu trưởng chủ trì. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng, qua các buổi đối thoại, thông tin thu về rất bổ ích. Từ hoạt động này, hiệu trưởng nắm được tư tưởng học sinh của lớp; tình hình giảng dạy của thầy cô giáo; ý kiến đồng thuận, trái chiều của học sinh và phụ huynh trong triển khai các hoạt động giáo dục; hoàn cảnh đặc biệt của một số học sinh trong lớp; nguyện vọng của học sinh học tại trường…

Đối thoại giúp học sinh và giáo viên gắn kết hơn trong công tác giáo dục. Ảnh minh họa
Đối thoại giúp học sinh và giáo viên gắn kết hơn trong công tác giáo dục. Ảnh minh họa

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ, cũng cho biết hằng năm đều tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ giữa lãnh đạo trường, đoàn thể, Ban đại diện cha mẹ học sinh với học sinh (2 lần/năm học). Ngoài ra, trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường, học sinh đều có thể chủ động liên hệ với nhà trường qua fanpage để được hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh lợi ích do đối thoại học đường mang lại, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng đặc biệt nhấn mạnh đến việc kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm và giải đáp khó khăn vướng mắc của học sinh; thắt chặt quan hệ giữa thầy và trò. Học sinh có môi trường dân chủ để phát biểu ý kiến và được giải quyết; tránh việc các em phát biểu ý kiến không đúng nơi, đúng chỗ, đúng người (phát biểu tràn lan trên các mạng xã hội làm ảnh hưởng đến nhà trường, vi phạm pháp luật và đôi khi ảnh hưởng đến cá nhân học sinh vì những bình luận không phù hợp)…

Trong điều kiện dịch bệnh, hoạt động đối thoại học đường vẫn được triển khai qua khảo sát lấy ý kiến học sinh bằng biểu mẫu Google Form, sau đó là đối thoại trực tuyến thông qua phần mềm MS Teams và kênh YouTube của trường. Học sinh có thể trao đổi trực tuyến trong cuộc họp qua MS Teams và phần bình luận trong video trực tiếp trên kênh YouTube.

Chưa tổ chức được các buổi đối thoại học đường, nhưng thầy Đinh Tiến Hoàng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Kỳ Sơn (Nghệ An), cho biết: Học sinh thường tổ chức các buổi sinh hoạt nội trú hàng tuần, hàng tháng; những vấn đề phát sinh có hòm thư “Điều em muốn nói”... Vì là trường dân tộc nội trú nên số giáo viên ở nội trú trong trường nhiều, học sinh lại ăn ở, học trong trường nên thầy, trò gần gũi; từ đó tâm tư, nguyện vọng chính đáng của học sinh đều được thầy cô, ban giám hiệu nắm được và giải quyết kịp thời.

Học sinh Trường Tiểu học Song Mai (TP Bắc Giang) phát biểu trong chương trình đối thoại với học sinh. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Tiểu học Song Mai (TP Bắc Giang) phát biểu trong chương trình đối thoại với học sinh. Ảnh: NTCC

Để đối thoại học đường không hình thức

Từ thực tế triển khai đối thoại học đường, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng đặc biệt nhấn mạnh sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường trong triển khai hoạt động này; phải coi đây là nội dung quan trọng cho mỗi năm học và đưa vào kế hoạch giáo dục hàng năm, có kế hoạch cụ thể. Việc triển khai cần có sự phối hợp với Ban chấp hành Đoàn Thanh niên, Ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp. Số lần tổ chức nên ít nhất 1 lần/năm học. Học sinh tham gia có thể là đại diện, nhưng tốt nhất là học sinh toàn trường; kết hợp livestream để cha mẹ học sinh cùng tham gia..

“Đặc biệt, cần có những quy định khuyến khích học sinh phát biểu ý kiến, như: Gửi phiếu khảo sát không cần ghi tên; thành phần tham gia đối thoại hạn chế tối đa sự có mặt của giáo viên (chỉ có mặt lãnh đạo trường, một vài thành viên Ban chấp hành Đoàn, cha mẹ học sinh); khen ngợi và cảm ơn những vấn đề, câu hỏi sát thực tế, thẳng thắn, mang tính xây dựng.

Không né tránh, mạnh dạn nhìn nhận hạn chế, thiếu sót mà học sinh, cha mẹ học sinh phản ánh; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót ngay sau đối thoại; thông tin cho học sinh, cha mẹ học sinh về vấn đề đã được tiếp thu, giải quyết hoặc phương hướng giải quyết” – thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng chia sẻ kinh nghiệm từ cách làm của nhà trường.

Để tăng cường hiệu quả đối thoại học đường, thầy Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh cần có kế hoạch cụ thể trước khi tổ chức đối thoại, thông báo rộng rãi cho học sinh. Hiệu trưởng nên trực tiếp chủ trì và tạo không khí thân thiện, tình cảm gần gũi với học sinh; coi ý kiến của học sinh phát biểu là ý kiến đại diện, không nên coi là ý kiến cá nhân để các em e ngại khi nói những nội dung khó khăn.

Khi tiếp nhận ý kiến học sinh cần có thái độ và tinh thần cầu thị cao, tránh ý kiến đôi co, lập luận hỏi sâu để học sinh không cởi mở. Thông tin của học sinh phải được tôn trọng và có biện pháp quản lý điều chỉnh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ để học sinh thấy có hiệu quả sau đối thoại.

Nhấn mạnh vai trò đối thoại học đường trong điều kiện học trực tuyến, thầy Nguyễn Đức Hùng cho rằng có thể thực hiện theo hình thức lấy phiếu khảo sát, phiếu nhận xét, đánh giá trực tuyến từ học sinh. Hình thức này cũng có tác dụng không kém so với đối thoại trực tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.