Đối sánh để xây dựng văn hóa chất lượng

GD&TĐ - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Đổi mới phải kiên trì, trong đó có đổi mới thi.

Thí sinh TP HCM trao đổi bài sau khi thi môn Ngữ văn sáng 9/8. Ảnh: INT
Thí sinh TP HCM trao đổi bài sau khi thi môn Ngữ văn sáng 9/8. Ảnh: INT

Chìa khóa cho đổi mới chính là xây dựng được văn hóa giáo dục lành mạnh. Vì vậy, cần ổn định Kỳ thi THPT, kiên trì đổi mới, kết hợp với đối sánh để giúp các địa phương, trường học không ngừng học hỏi, xây dựng văn hóa chất lượng.

Giá trị thực tiễn

Sau khi có kết quả Kỳ thi THPT đợt 1, Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh chất lượng 60 tỉnh, thành phố (trừ Đà Nẵng, Quảng Nam và Đắk Lắk). Trước hết, là đối sánh điểm thi và điểm học bạ, theo hướng so sánh điểm trung bình của 9 môn thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 của 9 môn học tương ứng của từng HS, trường và địa phương. 

Qua bảng đối sánh cho thấy, trung bình điểm thi từ 6,5 điểm trở lên (mức khá) có 9 địa phương (chiếm 15%); từ 5,0 đến dưới 6,5 điểm (mức trung bình) có 51 địa phương (chiếm 85%). Trong khi đó, điểm trung bình học bạ các môn thi tương ứng như sau: Trên 8,0 điểm (mức giỏi) có 2 địa phương (3,3%); từ 6,5 đến dưới 8 điểm (mức khá) là 58 địa phương (96,7%). Như vậy, điểm học bạ mức khá và giỏi, còn điểm thi ở mức trung bình và khá. Có 8 địa phương điểm học bạ và điểm thi cùng ở mức khá, gồm: Bình Dương (điểm học bạ 7,16; điểm thi 6,84); Nam Định (7,59; 6,82); An Giang (7,68; 6,68); Ninh Bình (7,07; 6,62); Hà Nam (7,52; 6,59); TPHCM (7,61; 6,56); Bạc Liêu (7,06; 6,52) và Vĩnh Phúc (7,19; 6,5). 

Thông qua bảng trung bình điểm thi và học bạ, chúng tôi xếp thứ hạng trung bình điểm thi của các địa phương từ cao đến thấp (thứ hạng từ 1 đến 60). Theo đó, 11 địa phương có thứ hạng cao là: Bình Dương (điểm trung bình 6,84; xếp thứ 1), Nam Định (6,82; 2), An Giang (6,68; 3), Ninh Bình (6,62; 4), Hà Nam (6,59;5), TPHCM (6,59; 6), Hải Phòng (6,53; 7), Bạc Liêu (6,52 ; 8), Vĩnh Phúc (6,5; 9), Lâm Đồng (6,45; 10), và Cần Thơ (6,45; 11). Trong số này, có 3 địa phương đáng biểu dương là An Giang, Bạc Liêu (vùng Đồng bằng sông Cửu Long) và Lâm Đồng (vùng Tây Nguyên), là những vùng khó khăn về giáo dục nhưng có trung bình điểm thi cao. 

Thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh minh họa
Thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh minh họa

Đối sánh để biết tăng hay tụt hạng

Bộ GD&ĐT đã công bố bảng đối sánh giữa thứ hạng của 9 môn thi trong 4 năm, từ 2017 - 2020 của các tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy: Xếp hạng môn Toán của các địa phương khá ổn định trong 4 năm, trong đó, Bạc Liêu đã có sự cải thiện hạng đáng kể, từ hạng 30 (2017), lên 19 (2018), 16 (2019) và 12 (2020);

Môn Ngữ văn được cải thiện đáng kể ở các địa phương như Sóc Trăng thứ hạng của 4 năm 2017, 2018, 2019 và 2020 là: (38, 39, 13, 5); Thanh Hóa (35, 21, 18, 8); Bà Rịa – Vũng Tàu (47, 50, 35, 12). Tuy nhiên, vẫn có 2 địa phương tụt hạng nhiều là Lạng Sơn (1, 23, 51, 51) và Bắc Kạn (3,12, 41, 54);

Môn Vật lý, Hóa học khá ổn định. Môn Vật lý có 2 địa phương tăng hạng rõ rệt là Quảng Bình (53, 53, 42, 20), Bình Định (44, 46, 52, 14), và 2 địa phương tụt hạng là Bà Rịa – Vũng Tàu (8, 14, 21, 34) và TP Hồ Chí Minh (17, 22, 26, 38). Phú Thọ, Hà Tĩnh tăng hạng ở môn Hóa trong khi Nghệ An tụt hạng (18, 23, 35, 41).

Môn Tiếng Anh, có 10 địa phương dẫn đầu trong 4 năm liên tiếp là TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, An Giang, Ninh Bình, Đồng Nai, Lâm Đồng và không có sự tăng hạng hay tụt hạng đáng kể ở các địa phương này. 

Trên bình diện toàn quốc, một số tỉnh khó khăn, nhất là các địa phương miền núi, có điểm thi thấp, khoảng chênh lệch giữa hai trường dữ liệu điểm thi, điểm học bạ cũng rộng hơn so với vùng thuận lợi. Xảy ra tình trạng này, theo các chuyên gia giáo dục là do thầy, cô cho điểm có phần linh động để lợi thế trong xét tốt nghiệp cho HS. Nhưng về tổng thể thì điểm thi và điểm học bạ vẫn có sự tuyến tính, phù hợp với nhau khi có một số địa phương cả 2 đều có vị trí tốp cuối của cả nước. 

Xây dựng văn hóa chất lượng

Dư luận xã hội  đồng tình với chủ trương của Bộ về đối sánh. Đây chính là giải pháp từng bước xây dựng văn hóa chất lượng. Bộ GD&ĐT cần ổn định Kỳ thi THPT, tiếp tục thực hiện đối sánh trên nhiều khía cạnh khác nhau, giúp các địa phương, trường học biết được mặt mạnh để phát huy và mặt hạn chế để khắc phục. 

Đặc biệt, các trường đại học, cao đẳng thực hiện tự chủ trong tuyển sinh nên đặt ra yêu cầu cao như: Tiêu chí không chỉ tập trung vào điểm thi mà hướng đến đánh giá toàn diện các kỹ năng, động cơ và thái độ của HS. Các trường như  Y - Dược, Bách khoa… không chỉ xét tuyển dựa trên điểm thi mà còn dựa trên cả điểm học bạ của 5 học kỳ, do đó đã có HS đạt 28 điểm thi nhưng trượt do điểm học bạ chưa đạt. Điều này, càng đòi hỏi việc kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, chính xác đúng với năng lực HS. Cần tăng điểm liệt tốt nghiệp với các môn, trừ ngoại ngữ để bảo đảm chất lượng HS sau phổ thông.

Mặt khác, Nhà nước, địa phương cần có chính sách hiệu quả, thiết thực cho giáo dục miền núi, các địa phương ở miền Trung, nơi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai.

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, đề thi từ năm 2015 - 2020 có độ khó khác nhau, do đó, để biết sự tăng tiến hay tụt hạng của một địa phương với môn thi nào đó không thể dựa vào trung bình điểm thi, mà phải dựa vào thứ hạng môn thi đó của địa phương qua các năm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ