Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra cơ sở vật chất trường học tại Thừa Thiên - Huế

GD&TĐ - Ngày 21/4, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do ông Phạm Văn Sinh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất làm trưởng Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất làm trưởng Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hoạt động này nhằm nắm bắt tình hình thực hiện tiêu chuẩn cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị dạy học (TBDH) cho chương trình giáo dục (CTGD) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Nhiều trường học còn khó khăn

Theo đó, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đi kiểm tra CSVC tại các trường: Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Trường THPT Nguyễn Huệ và Trường THCS Nguyễn Chí Diễu.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra CSVC tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế).
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra CSVC tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế).

Tiến hành kiểm tra CSVC các phòng học, phòng thiết bị, nhà vệ sinh và khu nhà ăn của các trường nhằm đánh giá về thực trạng sử dụng các TBDH cũng như hiệu quả đầu tư sử dụng CSVC thiết bị. Đồng thời, kiểm tra số lượng các phòng học được sử dụng, cách bố trí các phòng học bộ môn, TBDH của lớp 1, lớp 2, lớp 6 và công tác mua sắm các TBDH để phục vụ cho học sinh và sự cải tạo CSVC của cơ sở giáo dục.

Ông Phạm Văn Sinh (bên trái), Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại Thừa Thiên - Huế.
Ông Phạm Văn Sinh (bên trái), Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại Thừa Thiên - Huế.

Tại buổi làm việc với đoàn, bà Hoàng Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diễu cho biết, trong những năm qua, nhà trường tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch, thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, nội dung giáo dục địa phương bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình.

Theo bà Thuỷ, chương trình mỗi môn học ở mỗi khối lớp được đơn vị bố trí phù hợp trong cả năm học, bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, CSVC, TBDH của nhà trường.

Để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh, các tổ chuyên môn của đơn vị thường xuyên xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, bao gồm kế hoạch dạy học các môn học và kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục.

Trong năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo kiến thức cũng như chương trình đào tạo, nhà trường thường xuyên thực hiện điều chỉnh kế hoạch dạy học kịp thời để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học trong kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên ở tất cả các môn học.

Ngoài ra, nhà trường luôn xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kỳ đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chương trình GDPT 2018 tại đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn như trình độ của giáo viên chưa đồng đều, giáo viên được đào tạo đơn môn nên tiếp cận CTGDPT 2018 không thuận lợi.

“Hiện nay, tại nhà trường, tài liệu và học liệu chưa đầy đủ, TBDH chưa cấp kịp thời để đáp ứng nhu cầu dạy học theo CTGDPT mới, gây ra nhiều bất cập trong việc thực hiện chương trình mới của Bộ”, bà Thuỷ bày tỏ.

Kiểm tra cơ sở vật chất của thư viện các trường.
Kiểm tra cơ sở vật chất của thư viện các trường.

Còn phía Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện tại cơ sở vật chất, công trình của các trường học trên địa bàn vẫn đang còn chắp vá, một số hệ thống, các phòng thiết bị còn rất khó khăn.

Sở dĩ các trường có hiện trạng như vậy là vì không được xây dựng đồng bộ, một số hạng mục của công trình được xây dựng chắp vá do đơn vị vẫn còn gặp những khó khăn nhất định.

"Về chính sách của tỉnh Thừa Thiên - Huế để đổi mới chính sách giáo dục 2018, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều kế hoạch liên quan đến nội dung về phát triển giáo dục cũng như triển khai kế hoạch giáo dục trên địa bàn.

Đồng thời, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư cho TBDH, cơ sở vật chất, cải tao nâng cấp hệ thống các phòng học và thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, lồng ghép các nguồn vốn huy động các nguồn vốn xã hội hoá để thực hiện đầu tư.

Đoàn công tác kiểm tra cơ sở giáo dục.
Đoàn công tác kiểm tra cơ sở giáo dục.

Rà soát, huỷ bỏ một số danh mục không cần thiết ví dụ như đối với cấp mầm non, một số thiết bị không cần thiết Sở đã đề nghị huỷ bỏ", lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin thêm.

Ngoài ra, trên cơ sở các nội dung trên, thời gian tới Sở sẽ bám sát các thông tư, quy định mới về tiêu chuẩn lớp học, phòng học, phòng chức năng và các TBDH.

Qua đó, đơn vị sẽ chuẩn bị đầy đủ các thiết bị dụng cụ học tập cho các lớp mới, rà soát lại tất cả các trường học trên địa bàn còn thiếu dụng cụ học tập.

Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, nguyên nhân dẫn đến các TBDH thiếu hoặc về không kịp chương trình đào tạo chủ yếu do thủ tục phức tạp, rườm rà, không đồng nhất từ trên xuống dưới.

Tăng số lượng trường học đạt chuẩn Quốc gia

Hiện nay, về tình hình giáo dục đào tạo tại tỉnh Thừa Thiên Huế, theo báo cáo đạt 67,7% trường chuẩn Quốc gia, tuy nhiên các trường đạt chuẩn Quốc gia này theo tiêu chí đã đánh giá - trong thời gian tới Bộ sẽ ban hành các quy định mới, tiêu chí mới thì các trường sẽ được đánh giá lại và kiểm định lại.

Kiểm tra các phòng học bộ môn của các trường học trên địa bàn Thừa Thiên - Huế.
Kiểm tra các phòng học bộ môn của các trường học trên địa bàn Thừa Thiên - Huế.

Đại diện Đoàn công tác cho rằng, chính vì những vấn đề trên, Sở cần tham mưu UBND tỉnh tăng cường đầu tư CSVC cho các trường học trên địa bàn trong gia đoạn 2021-2025 để duy trì số lượng trường đạt chuẩn Quốc gia và tăng số lượng trường được công nhận trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Đoàn công tác cũng đánh giá cao Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tham mưu tích cực cho UBND tỉnh để triển khai các chương trình cũng như các kế hoạch của Bộ GD&ĐT về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông, Sở đã chủ động chỉ đạo các đơn vị rà soát danh mục thiết bị để mua sắm, thiết bị để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, Đoàn công tác cũng lưu ý thêm, trong quá trình mua sắm thiết bị có chậm hoặc muộn do nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ mua sắm. Đề nghị lãnh đạo Sở cần chủ động rà soát để tham mưu cho các cấp, chính quyền để việc mua sắm thiết bị được thuận tiện và không ảnh hưởng đến chương trình đào tạo.

Đối với cơ sở vật chất, hiện nay ở Thừa Thiên - Huế nói chung tỉ lệ trường mầm non kiên cố đạt tỉ lệ 73%, đối với tiểu học đạt 83,4%, THCS đạt 91,92% và THPT đạt 95,4 %.

Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất Phạm Văn Sinh hướng dẫn các cơ sở giáo dục trang bị bố trí thêm dụng cụ để phục vụ cho học sinh.
Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất Phạm Văn Sinh hướng dẫn các cơ sở giáo dục trang bị bố trí thêm dụng cụ để phục vụ cho học sinh.

Qua báo cáo của Sở cho thấy các cấp học càng cao thì tỉ lệ kiên cố hoá càng cao. Trước những thông tin trên, Đoàn công tác nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng này, đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới cần rà soát, đề xuất kế hoạch đầu tư, cải tạo xây dựng tăng tỉ lệ kiên cố hoá lên. Thừa Thiên Huế là một trong những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt, nếu trường học mà không kiên cố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh cũng như giáo viên đang dạy và học.

Đặc biệt, vào mùa mưa lũ trường học kiên cố là một trong những nơi tránh trú chân của người dân, vì vậy đề nghị Sở GD&ĐT chủ động xây dựng kế hoạch đề xuất danh mục kế hoạch để đầu tư xây dựng kiên cố hoá trường học.

Kiểm tra công trình nhà vệ sinh của các cơ sở.
Kiểm tra công trình nhà vệ sinh của các cơ sở.

Theo Đoàn công tác, về TBDH, tỉ lệ đáp ứng dạy học tại tỉnh Thừa Thiên Huế chưa cao, trong thời gian tới cần rà soát toàn bộ các danh mục trang thiết bị cũ và những thiết bị còn dùng được tiếp tục sử dụng. Đồng thời, mua sắm bổ sung các trang thiết bị cần thiết cho các cấp, trước mắt thực hiện theo hình thức cuốn chiếu để đầu tư.

Đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục (ưu tiên kiên cố hóa, bổ sung bảo đảm 1 lớp/phòng cho cấp mầm non, tiểu học, phòng học bộ môn, thư viện, nhà vệ sinh...).

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giao tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể mức vốn cho từng Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Thực hiện Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương bao gồm: tổng số vốn ngân sách địa phương, chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương từng dự án của từng địa phương.

Vì vậy, đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cân đối bố trí vốn từ ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng trường lớp học theo Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.