Độ lùi cần thiết để giáo dục vùng khó chuẩn bị điều kiện tốt nhất

GD&TĐ - Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, ngành Giáo dục Sơn La còn rất nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới được tốt nhất. Trong cuộc phỏng vấn với báo Giáo dục và Thời đại, ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La đã ủng hộ việc giãn tiến độ thực hiện CT GDPT mới (đến năm học 2019 – 2020).

Độ lùi cần thiết để giáo dục vùng khó chuẩn bị điều kiện tốt nhất

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Thưa ông, Chính phủ đã đồng thuận với đề xuất của Bộ GD&ĐT về giãn tiến độ thực hiện CT GDPT mới đến năm học 2019 – 2020 và sẽ trình Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp tới. Vậy chủ trương này có tác động như thế nào đến ngành Giáo dục Sơn La trong chuẩn bị các điều kiện triển khai CT GDPT mới?

Đối với một tỉnh miền núi khó khăn như Sơn La, để triển khai CT GDPT mới từ năm học 2018 – 2019 như lộ trình ban đầu được đề ra trong Nghị quyết 88 của Quốc hội là rất khó khăn. Bởi đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay chưa đáp ứng được những yêu cầu của CT GDPT mới; còn nhiều việc ngổn ngang phải làm trong công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; cùng với đó là củng cố cơ sở vật chất (CSVC) cũng như các điều kiện khác.

Năm nay, các tỉnh miền núi chịu nhiều hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra; CSVC trường lớp, học vốn đã thiếu thốn lại càng xuống cấp trầm trọng thêm. Việc giãn tiến độ thực hiện CT GDPT mới sẽ giúp cho các tỉnh khó khăn có thêm thời gian củng cố lại CSVC.

Chính vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất giãn tiến độ thực hiện CT GDPT mới đến năm học 2019 – 2020. Đồng thời tôi kỳ vọng rằng, Quốc hội sẽ phê chuẩn và sửa đổi Nghị quyết 88, ấn định lộ trình triển khai CT GDPT mới theo lộ trình bắt đầu triển khai chương trình từ năm 2019 – 2020 để các ngành Giáo dục các địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Sơn La có thêm thời gian chuẩn bị các điều kiện triển khai CT GDPT mới đảm bảo thắng lợi.

Trong thời gian tới, ông có thể phác họa những công việc mà ngành phải chuẩn bị về đội ngũ cho việc triển khai CT GDPT mới?

Ông Hoàng Tiến Đức Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La

Có thể hình dung được những công việc sắp tới mà ngành phải tập trung triển khai để đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới là phải tập huấn, chuẩn bị tâm thế, bồi dưỡng năng lực, phương pháp dạy học cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của tỉnh.

Đây là những việc lớn cần nhiều nguồn lực cũng như phương pháp thực hiện, cần có thêm thời gian và lộ trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, chi tiết. Do vậy cùng với việc biên soạn, thực nghiệm CT -SGK mới, Bộ GD&ĐT cần có lộ trình tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao đến giáo viên, cán bộ quản lý để nghiên cứu, nhập tâm và nắm chắc được phương pháp, cách thức giảng dạy CT – SGK mới.

Địa phương có thêm thời gian chuẩn bị

Về CSVC, tỉnh Sơn La cần chuẩn bị những gì trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu triển khai CT GDPT mới?

Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính để tăng cường đầu tư, xây dựng CSVC, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy – học của thầy và trò.

Theo lộ trình đề xuất của Bộ GD&ĐT năm học đầu tiên (2019 - 2020) sẽ chỉ triển khai CT - SGK mới ở lớp 1; năm học tiếp theo (2020 - 2021) triển khai đến lớp 2, lớp 6; năm học (2021 - 2022) đến lớp 3, lớp 7, lớp 10; sau đó đến năm học (2022 - 2023) lớp 4, lớp 8, lớp 11 và cuối cùng là lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Tôi hoàn toàn ủng hộ lộ trình này bởi tỉnh sẽ có thêm thời gian chuẩn bị lộ trình đầu tư, cải tạo CSVC đáp ứng những điều kiện triển khai CT - SGK mới. Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho tỉnh lồng ghép nhiều nguồn vốn, tập trung nguồn lực để xóa phòng học tạm, phòng học xuống cấp, đầu tư các phòng bộ môn… Sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho cấp tiểu học theo hướng xây đủ phòng học đảm bảo tỷ lệ cao nhất học sinh trong tỉnh được học 2 buổi/ngày;

Hoặc ở những trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh cũng phải được học ít nhất 6 buổi/tuần đáp ứng yêu cầu tối thiểu đảm bảo chất lượng của CT GDPT tổng thể.

Tiếp đó, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cho cấp THCS và THPT ở những năm tiếp theo vì ở cấp học này đòi hỏi trang thiết bị nhiều hơn, phòng bộ môn nhiều hơn, do vậy cần có thời gian, lộ trình để chuẩn bị.

Theo ông để thực hiện tốt nhất cần những yếu tố nào?

Cũng phải nhấn mạnh một điều rằng, những công tác chuẩn bị phải đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Trong công tác này, tỉnh Sơn La đang tiếp tục rà soát, bổ sung, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp học hợp lý theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đảm bảo cơ cấu mạng lưới trường học, sĩ số học sinh/lớp hợp lý.

Cụ thể là đảm bảo sĩ số lớp theo quy định của Bộ không quá 35 học sinh/lớp đối với bậc tiểu học và không quá 45 học sinh/lớp đối với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông. Bên cạnh đó, nâng cao số học sinh được học 2 buổi/ngày.

Cuối cùng là để tranh thủ được sự đồng thuận của nhân dân và xã hội với công cuộc đổi mới của ngành, công tác truyền thông phải được đẩy mạnh sâu rộng và lâu dài đến các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đến cả người học để biết được nội hàm của Chương trình mới như thế nào, khi đưa vào giảng dạy sẽ đạt được kết quả gì nhằm tạo được sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị khi triển khai Nghị quyết của Quốc hội về CT GDPT mới.

Xin cảm ơn ông!

“Cùng với công tác chuẩn bị về đội ngũ, các tỉnh khó khăn cần giãn lộ trình thực hiện CT GDPT mới để chuẩn bị CSVC và các điều kiện khác; Để chuẩn bị, Sơn La đang rà soát lại CSVC hiện có, đối chiếu với điều kiện tối thiểu để triển khai CT GDPT mới nhằm xem lại những điều kiện nào đáp ứng được, điều kiện nào còn thiếu để bổ sung thêm. Việc này đòi hỏi phải có nguồn lực thực hiện và thời gian đầu tư, xây dựng CSVC, mua sắm thêm trang thiết bị cho các nhà trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ