Điểm mấu chốt giúp triển khai thành công Mô hình VNEN

GD&TĐ - Điểm mấu chốt để triển khai thành công Mô hình Trường học mới (VNEN) là người giáo viên, các cấp quản lý phải hiểu đúng yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; nắm chắc định hướng và những yêu cầu đầu ra của cấp THCS để có những giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. 

Điểm mấu chốt giúp triển khai thành công Mô hình VNEN

Đó là quan điểm của ông Bạch Đăng Khoa - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) - từ thực tiễn triển khai VNEN tại Bắc Giang.

Ông có thể cho biết đôi nét về triển khai Mô hình VNEN tại Bắc Giang?

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 14 trường THCS triển khai Mô hình VNEN, với sự tham gia của trên 1.200 HS. Thuận lợi của Bắc Giang là nhiều HS đã được tiếp cận với Mô hình VNEN ở tiểu học.

Bên cạnh đó, vì đây là chủ trương của Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện đại trà nên Sở GD&ĐT đã có công tác chuẩn bị từ khá sớm, cơ bản nối tiếp từ các HS đã học VNEN ở tiểu học.

Khó khăn chúng tôi gặp phải là dù VNEN ở tiểu học và ở THCS có điểm tương đồng nhưng cũng có những điểm rất khác và đòi hỏi cách thức triển khai cũng khác.

Do đó, một số phụ huynh vẫn có tâm lý băn khoăn, lo lắng con em khi học mô hình này, không yêu cầu HS ghi chép bài bản, không kiểm tra điểm thường xuyên... liệu có đáp ứng được các yêu cầu, chẳng hạn như khi tham gia vào các kỳ thi HS giỏi và đặc biệt là thi tuyển vào lớp 10 hay không.

Ngoài ra, mô hình triển khai đại trà nên không có nguồn hỗ trợ từ dự án, do đó, cần có sự vào cuộc, hỗ trợ của phụ huynh, đơn giản nhất là việc mua tài liệu học cho con em mình.

Một khó khăn nữa là, tài liệu Hướng dẫn học sử dụng trong Mô hình Trường học mới là tài liệu “3 trong 1”, tức không chỉ dành cho HS, giáo viên mà cả cho phụ huynh và các đối tượng khác có thể hướng dẫn con em mình.

Do còn mới mẻ nên cả giáo viên, HS đều chưa được nhuần nhuyễn, phụ huynh cũng chưa được hướng dẫn để hỗ trợ con em đến mức độ nào với tài liệu này.

Lớp học quá đông cũng là một trở ngại. Trên thực tế, chỉ nên chia từ 4 - 6 HS trong một nhóm và chỉ nên có từ 5 - 6 nhóm trong lớp. Như vậy, sĩ số HS trong lớp khoảng 30 em thì sẽ rất thuận lợi.

Khi ấy mới có không gian lớp học để học trò được vận động, trải nghiệm; giáo viên cũng có không gian để đi quan sát và giúp đỡ HS. Nếu lớp học chật hẹp, sĩ số đông rất khó để triển khai mô hình này.

Những khó khăn này có được lường trước hay không? Xin ông chia sẻ giải pháp đã được Bắc Giang thực hiện?

- Tất cả những khó khăn nói trên, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã tập hợp ý kiến từ các nhà trường, thầy cô, phụ huynh để tìm phương án giải quyết.

Đối với cấp Sở, anh em Phòng Giáo dục Trung học phải nghiên cứu thật kỹ và tham mưu với lãnh đạo nội dung thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương.

Vì đây là mô hình mới, chưa có một kinh nghiệm nào trong triển khai nên chúng tôi đề xuất cho Phòng Giáo dục cùng lãnh đạo các nhà trường triển khai mô hình này và lãnh đạo 10 Phòng GD của tỉnh đi học tập kinh nghiệm ở Lào Cai - nơi được triển khai thí điểm và có nhiều điểm sáng với Mô hình Trường học mới.

Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm ở Lào Cai về, cùng với những điều nghiên cứu, tìm hiểu và trao đổi với cơ sở, chúng tôi đã đưa ra được những vấn đề cần tập trung như sau:

Thứ nhất: Công tác tuyên truyền cho Mô hình Trường học mới cần phải hết sức bài bản, qua cả hệ thống chính trị, qua ngành, các nhà trường, qua phụ huynh và các tổ chức đoàn thể ở địa phương.

Các hiệu trưởng phải gắn với cấp ủy, chính quyền, tổ chức trên địa bàn thực hiện tốt việc tuyên truyền cho phụ huynh hiểu hơn, hiểu đúng về mô hình này.

Có thể mời các cấp ủy Đảng, chính quyền, phụ huynh HS cùng tham gia những giờ dạy cụ thể trong nhà trường. Đó là minh chứng sát thực và sống động nhất giúp phụ huynh hiểu được sự khác biệt, tính ưu việt của mô hình mới khác hẳn với mô hình truyền thống...

Trong đó, nổi bật là để HS thực sự là trung tâm của quá trình dạy học, thầy cô đóng vai trò người đạo diễn, thiết kế để HS chủ động nắm bắt kiến thức, hình thành năng lực, phẩm chất, đúng như yêu cầu của Nghị quyết 29 đã nhấn mạnh...

Ngoài công tác tuyên truyền, một điều cũng hết sức quan trọng là đội ngũ giáo viên phải nắm bắt được yêu cầu rất căn bản của triển khai Mô hình VNEN, trong đó những phương pháp dạy học tích cực đã được triển khai từ rất lâu, nay có cơ hội thực hiện tốt hơn.

Giáo viên cần tích lũy kinh nghiệm, nghiệp vụ sư phạm để làm sao thực hiện được yêu cầu dạy đến từng đối tượng HS và không được bỏ rơi một HS nào trong lớp học.

Càng những HS gặp khó khăn càng cần sự trợ giúp. Người thầy là người có thể trực tiếp trợ giúp HS, cũng có thể là người tổ chức để học sinh có thể trợ giúp lẫn nhau thực hiện việc học thầy, học bạn.

Nội dung tiếp theo cùng với công tác tuyên truyền và đội ngũ là CSVC phải được tăng cường. Đối với Bắc Giang, những góc như sinh nhật hồng, góc học tập, cộng đồng...

Sở GD&ĐT và nhà trường khuyến khích HS tự thiết kế, xây dựng theo ý tưởng riêng của các lớp học. Đồng thời, định hướng phụ huynh có thể hỗ trợ, nhưng chủ yếu là giúp đỡ những nội dung các em không tự mình làm được.

Bản thân ông nhận thấy đã có chuyển biến gì sau một học kỳ triển khai Mô hình Trường học mới trên địa bàn?

- Có thể nói, đây là mô hình có nhiều ưu việt nên quan điểm của Sở GD&ĐT Bắc Giang là định hướng các đơn vị, nhà trường có đủ điều kiện sẽ triển khai tiếp tục mở rộng mô hình này.

Đến nay, dù chưa có số liệu tổng kết nào vì mới chỉ qua một học kỳ, nhưng chúng tôi cảm nhận thấy một điều rõ ràng là HS được làm chủ trong việc lĩnh hội kiến thức, làm chủ trong việc điều hành quản lý ở một không gian nhỏ.

Xin cảm ơn ông!

“Có thể nói, giáo viên bước đầu vất vả hơn nhiều so với việc dạy học theo mô hình truyền thống. Tuy nhiên, việc đó sẽ nhàn dần đi khi các thầy cô đã tích lũy đủ kinh nghiệm và đã “thuộc bài”. Cho đến nay, nhiều thầy cô đã bày tỏ quan điểm thích được dạy theo Mô hình Trường học mới hơn.

Khi triển khai mô hình này, Bắc Giang có lựa chọn giáo viên vì đây là nội dung mới, không thể mang HS ra làm thí điểm. Với cái mới phải chuẩn bị tốt nhất, nên đội ngũ cũng phải tốt nhất, đồng thời phải được tập huấn kỹ lưỡng”.

Ông Bạch Đăng Khoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ