Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực tự chủ nhân sự của trường ĐH

GD&TĐ - Tự chủ đại học là chủ đề đang được bàn luận sôi nổi trong giới khoa học và quản lý giáo dục ở nước ta hiện nay. Trong các nội dung của tự chủ đại học, tự chủ về nhân sự được xem là một trong những nội dung cơ bản và quan trọng hàng đầu của cơ sở giáo dục đại học (GDĐH ). 

Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực tự chủ nhân sự của trường ĐH

Vì vậy, so với các hoạt động quản trị khác, quản trị nhân sự cũng là một trong những hoạt động cơ bản và quan trọng, đồng thời cũng là hoạt động gặp nhiều khó khăn và phức tạp nhất trong các cơ sở GDĐH hiện nay.

Những thách thức trong quản trị nhân sự các trường ĐH

TS Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng trong giai đoạn hiện nay, công tác quản trị nhân sự đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, trong đó nổi lên ba vấn đề lớn:

Thứ nhất, nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao trong các cơ sở GDĐH đang biến động do tác động của xu thế hội nhập quốc tế với sự xuất hiện cách mạng công nghiệp 4.0. Với sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và thành tựu khoa học - công nghệ, sự dịch chuyển của đội ngũ giảng viên diễn ra dưới nhiều hình thức: Giảng viên rời bỏ nhà trường để đứng ra sáng lập hoặc tham gia sáng lập các tổ chức GDĐH mới; giảng viên chuyển “biên chế” từ trường này sang trường khác; giảng viên được cử đi đào tạo ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp không về nước làm việc; giảng viên là “biên chế cơ hữu” của trường này nhưng kiêm nhiệm ở trường khác.

Thứ hai, mô hình và cơ chế quản trị nhân sự trong các trường ĐH chậm đổi mới chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của GDĐH trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Theo các nhà quản lý giáo dục, nhiều trường đại học công lập hiện nay vẫn áp dụng mô hình quản trị nhân sự trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Các bộ phận nhân sự của các trường chủ yếu làm công việc “của quản trị hành chính nhân viên” theo nội dung, phương pháp truyền thống trong các cơ quan nhà nước, chưa áp dụng mô hình “quản trị nguồn nhân lực” theo mô hình và cơ chế quản trị của các tổ chức dịch vụ công (đơn vị sự nghiệp công)”.

Thứ ba, năng lực quản trị nhân sự của nhiều cơ sở GDĐH còn hạn chế chưa đủ khả năng đổi mới phương thức quản lý thích ứng với môi trường cạnh tranh nguồn nhân lực”.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quyền tự chủ nhân sự

TS Trịnh Ngọc Thạch đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về quyền tự chủ trong công tác nhân sự của các trường ĐH ở Việt Nam. Trong đó, trước tiên là đổi mới căn bản cách tiếp cận quản lý nhà nước đối với cơ sở GDĐH theo hướng: tập trung sửa đổi, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến tự chủ ĐH, trong đó có tự chủ về quản trị nhân sự trong các cơ sở GDĐH; tạo hành lang pháp lý đầy đủ và rõ ràng để các trường ĐH thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ về cơ chế, chính sách về nguồn lực tài chính và giám sát các hoạt động của cơ sở GDĐH, trong đó cần tập trung vào khâu kiểm soát chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH làm cơ sở để trao quyền tự chủ theo mức độ kiểm định chất lượng và kết quả xếp hạng cơ sở GDĐH.

Sau khi làm tốt công tác kiểm định chất lượng và xếp hạng cơ sở GDĐH, cần phân biệt mức độ tự chủ về quản trị nhân sự trong trường ĐH theo hướng tạo hành lang pháp lý để các cơ sở GDĐH có kết quả kiểm định cao và được xã hội thừa nhận thông qua các bảng xếp hạng ĐH được tự chủ hoàn toàn về công tác nhân sự.

Theo đó, có thể trao quyền cho Hội đồng trường và Hiệu trưởng quyết định việc xác định biên chế, tuyển sinh, sử dụng, quản lý cán bộ; bổ nhiệm, bầu cử các chức vụ quản lý; xét và công nhận đủ điều kiện và bổ nhiệm các chức danh khoa học (GS, PGS) dựa trên các tiêu chí đã được Hội đồng ĐH thông qua; quyết định mức lương và thu nhập của giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý theo sự thỏa thuận giữa nhà trường với cán bộ trên cơ sở chất lượng và hiệu quả công việc.

Tất cả các công việc trên đây nhà trường được tự chủ thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật, trong quá trình thực hiện không cần phải xin phép cơ quan nhà nước ở cấp nào.

Cuối cùng, theo TS Trịnh Ngọc Thạch là thực hiện đổi mới cơ chế tài chính theo tinh thần của Nghị định 16/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác của lĩnh vực GDĐH. Theo đó, phân loại mức độ tự chủ cần bổ sung căn cứ vào kết quả kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH và kết quả xếp hạng để trao quyền tự chủ tài chính; đổi mới phương thức cấp kinh phí cho cơ sở GDĐH theo sản phẩm đầu ra.

Trên cơ sở tự chủ tài chính, nhà trường được quyết định mức thu nhập của cán bộ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ và đóng góp xuất sắc của cán bộ, không bị lệ thuộc vào quy định của cấp quản lý khác, trừ việc đóng thuế thu nhập theo pháp luật.

“Các cơ sở GDĐH cũng cần đổi mới cơ chế quản trị nhằm nâng cao năng lực tự chủ nói chung và tự chủ trong lĩnh vực quản trị nhân sự nói riêng, đáp ứng các yêu cầu của chính sách tự chủ ĐH mà Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã và sẽ ban hành. Các trường ĐH được trao quyền tự chủ cao cần ưu tiên đầu tư cho bộ phận quản trị tài chính và quản trị nhân sự theo kịp yêu cầu chuyển đổi từ “mô hình sự nghiệp” sang “mô hình doanh nghiệp”, từ mô hình “quản trị hành chính nhân viên” sang “mô hình quản trị nguồn nhân lực” - TS Trịnh Ngọc Thạch chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ