Để nghỉ hè không vô nghĩa

GD&TĐ - Phần lớn học sinh (HS) đã bước vào nghỉ hè sớm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tổ chức cho trẻ vẽ tranh tại nhà.
Tổ chức cho trẻ vẽ tranh tại nhà.

Để chăm lo cho tinh thần, giải tỏa khó khăn khi thay đổi thói quen sinh hoạt (chủ yếu ở nhà) của HS, các nhà trường, gia đình đã triển khai nhiều hoạt động giúp những ngày hè ý nghĩa.

Đa dạng hoạt động hè

Nếu những mùa hè trước, nghỉ hè đồng nghĩa HS được tham gia vào hoạt động giải trí ý nghĩa như: Sinh hoạt hè nơi cư trú; tham gia lớp năng khiếu, tăng cường kĩ năng sống, học kỳ quân đội, tham quan, du lịch, về quê… Năm nay do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nghỉ hè của HS gần như sẽ ở trong nhà để phòng, chống dịch.

Cô Tô Bích Liên – Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ  Hà Nội) bày tỏ: Do không được vận động, giải tỏa năng lượng, tương tác giao lưu..., HS có thể rơi vào tình trạng stress, tìm đến chơi game, phim ảnh không lành mạnh. Điều đó, đòi hỏi ở nhà trường một phần trách nhiệm, cùng gia đình đưa ra hoạt động bổ ích phù hợp, hỗ trợ HS trải qua những ngày hè an toàn sức khỏe, tâm lý tinh thần.

“Đặc điểm HS ngoại thành Hà Nội, gia đình có sân vườn rộng…, Trường THCS Đông Sơn kết hợp với gia đình hướng HS đến hoạt động dễ thực hiện như trồng và chăm sóc cây tại nhà. Qua hoạt động, các em được trải nghiệm kiến thức về sinh học trực tiếp vừa được giải trí, vận động trong môi trường an toàn. HS sẽ bớt buồn chán, giảm thời gian “cày” game, phim ảnh mất kiểm soát….” – cô Tô Bích Liên trao đổi.

Cũng theo cô Liên, nếu dịch diễn biến phức tạp, HS phải ở tại nhà lâu hơn, trường sẽ triển khai thêm một số hoạt động để HS được tương tác, giao lưu qua hình thức trực tuyến. Ví dụ như: GV chủ nhiệm đưa ra chủ đề giải trí trên nhóm Zalo để HS cùng bàn luận, chia sẻ quan điểm. Khuyến khích HS làm clip bài tập thể dục tại nhà, trang trí góc học tập sạch đẹp, hỗ trợ việc gia đình… gửi tới GV để bình chọn nhận xét. Từ đó tạo ra sự thi đua giữa HS trong lớp.

Thầy Nguyễn Quốc Hải – Hiệu trưởng Trường THCS Cát Linh (Đống Đa - Hà Nội) cũng cho biết: HS nghỉ hè, bên cạnh việc nhắc nhở gia đình quan tâm phòng dịch cho HS, ôn tập kiến thức để không quên, nhà trường còn lồng ghép một số hoạt động mang tính giải trí để HS tham dự.

Cụ thể, trường triển khai 3 hoạt động: Phát động HS vẽ tranh trong hè (chủ đề thầy cô, mái trường). Vào năm học sẽ thu lại tranh để bình chọn, trao giải và treo những bức tranh đẹp trong lớp học. Cùng đó khuyến khích HS sáng tác ca khúc hay mừng ngày thành lập Đội. Nhóm thầy cô môn Giáo dục Thể chất mỗi tuần làm một clip hướng dẫn HS bài tập thể dục dễ thực hiện, hỗ trợ tốt cho sức khỏe. HS ngoài việc làm theo còn có thể quay clip hoạt động của mình gửi thầy cô sửa chữa, bình chọn clip tốt nhất…

“Hoạt động trong hè nhằm giúp HS tương tác, trao đổi nhiều hơn với bạn bè, thầy cô. Ngoài ra, các em được vận động giải phóng năng lượng… từ đó nhanh thích nghi với thay đổi môi trường sinh hoạt, điều kiện sống. Trẻ không bị lôi cuốn vào hoạt động thiếu tích cực, hoặc có cảm giác chán nản, “giam lỏng” tại nhà suốt kỳ nghỉ hè…” – thầy Hải bày tỏ.

Cô Ngô Thị Thoan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Mỹ (Lạng Giang -  Bắc Giang) cho hay: Trường nằm trong vùng có dịch nên nghỉ hè HS phải tuân thủ nghiêm việc giãn cách. Nắm được tâm lý HS hiếu động, cần được tham gia vào hoạt động vui, ý nghĩa khi nghỉ tại nhà nên nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động.

Trước hết, trường giao nhân viên thư viện tìm và gửi đường link những cuốn sách, truyện hay, hợp lứa tuổi gửi đến cho HS đọc. Khi HS đọc xong, có thể nhờ bố mẹ, người thân quay minh chứng việc đọc sách gửi đến cô giáo (minh chứng là cảm nhận bằng lời nói hoặc qua viết tay về truyện…).

Cùng đó, GV chủ nhiệm còn hướng dẫn HS đóng kịch theo câu chuyện và quay clip gửi lại GV. Phát động HS vẽ tranh, bình chọn bức tranh đẹp nhất treo ở trường, lớp học.

Đặc biệt, GV hướng HS trồng cây tại nhà. HS được tự lên kế hoạch làm đất, trồng cây, chăm sóc, tạo kiểu… Ngày khai giảng, cây được mang đến trưng bày tại lớp hoặc hướng dẫn HS gây quỹ Đội thông qua thu gom đồ dùng, phế thải bỏ đi trong gia đình để bán. Quỹ Đội sẽ được dùng vào việc có ích như thăm hỏi, ủng hộ HS nghèo...

Hướng dẫn một số hoạt động dễ thực hiện để triển khai trong lúc nghỉ hè. Ảnh: IT
Hướng dẫn một số hoạt động dễ thực hiện để triển khai trong lúc nghỉ hè. Ảnh: IT

Phát huy vai trò của gia đình

Cô Ngô Thị Thoan chia sẻ: Đa số phụ huynh làm trong khu công nghiệp, ngày đi làm, tối về. Do đó, mọi hoạt động tương tác trực tuyến giữa GV và HS đều được chọn làm vào buổi tối. Miễn sao hỗ trợ được gia đình, HS trong việc phòng chống dịch hiệu quả, các em có những ngày hè bổ ích.

Chị Nguyễn Thanh Quỳnh (Đống Đa – Hà Nội) có con học lớp 3 và lớp 7 Trường Tiểu học và THCS Khương Thượng. Những ngày con nghỉ hè, chị phải lên lịch hoạt động cụ thể cho con từ sáng tới tối. Ngoài nhắc con ôn tập kiến thức, vẽ tranh, mua thêm sách truyện mới cho con đọc… còn giao công việc nhà đơn giản (quét dọn, lau nhà, đặt cơm) để trẻ vận động và phát huy tự lực.

Anh Hà Trung Dũng (Thanh Xuân – Hà Nội) có con đang học lớp 8 và lớp 10 cho hay: Con lớn nên cách “giữ chân” ở nhà phải bằng những trò chơi, hoạt động hấp dẫn. Gia đình đã trang bị những bộ trò chơi giải trí như cá ngựa, cờ vua, sách dạy pha chế, làm bánh… Đặc biệt, giao cho 2 con chăm sóc cây cảnh; tổ chức thi chống đẩy và quay lại hình ảnh để bố mẹ làm trọng tài, trao giải.

Việc vào mạng được gia đình quy định thời gian và thời điểm trong ngày. Thường các buổi tối sẽ cho trẻ chơi trò chơi trực tuyến; đọc sách trên mạng… Như vậy, sẽ kiểm soát được cả nội dung lẫn thời gian truy cập.

Gia đình ngoài quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cần trao đổi, trò chuyện với trẻ, tạo tâm lý cho trẻ được tương tác, giao lưu. Kéo trẻ ra khỏi sự trì trệ, thiếu vận động và những trò chơi nằm ngoài kiểm soát, có ảnh hưởng tới tâm lý… - Cô Tô Bích Liên 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ