Dạy trò làm đèn "ve chai" hạnh phúc

GD&TĐ - Giành giải Nhất trong cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” năm học 2016-2017 do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức, với thầy giáo Phạm Thư Tùng (sinh năm 1986), giáo viên Vật lý Trường THPT Ernst Thalmann (TPHCM) là điều vô cùng hạnh phúc. Dự án “Ánh sáng hạnh phúc” của thầy không chỉ giúp học trò học tốt, mà còn kết nối yêu thương đến những vùng quê nghèo cần giúp đỡ.

Thầy Tùng (giữa) và học trò thực hiện dự án Ánh sáng hạnh phúc
Thầy Tùng (giữa) và học trò thực hiện dự án Ánh sáng hạnh phúc

Một dự án có giá trị cộng đồng

Kể về dự án dạy học có tên “Ánh sáng hạnh phúc” thầy Tùng cho biết, ý tưởng của dự án xuất phát trong một lần thầy tham gia hoạt động tình nguyện ở khu dân cư chân cầu Tám Nó (quận 8 giáp huyện Bình Chánh, TPHCM) cùng các học trò có tên “Trăng yêu thương”. Thầy trò nhận ra rằng, một số người dân nơi đây sống trong những phòng trọ lụp xụp, điều kiện thắp sáng còn thiếu thốn. Mỗi nhà ở đây chỉ dùng một bóng đèn điện nhỏ để tiết kiệm vì giá một kw điện các hộ thuê nhà phải trả là 4.000 đồng. Tất nhiên, một bóng đèn nhỏ thì làm sao đủ thắp sáng cho mọi sinh hoạt trong nhà. Từ đó, thầy và trò đã nảy ra ý tưởng phải làm điều gì đó giúp người dân nghèo có ánh sáng và có thể sử dụng lâu dài.

“Khi tôi đem ý tưởng này bàn với đồng nghiệp là thầy Mai Xuân Long, giáo viên Toán, cũng như HS ở các lớp tôi dạy thì được mọi người ủng hộ. Từ đó chúng tôi và gần 50 HS của sáu lớp từ lớp 10 đến lớp 12 bắt tay thực hiện dự án.

Theo đó, để thực hiện dự án, các em được chia thành sáu nhóm chuyên môn, gồm thi công, mô hình, điện tử, thiết kế, dựng phim và quản lý. Các em được hai thầy hướng dẫn, tập huấn các kỹ năng cần thiết. Các em phân công người đi tìm, mua vật liệu; người hàn điện, cắt khoan tôn, nối mạch điện... Khi có sản phẩm, các em thử nghiệm lắp bóng đèn đến khi thuần thục rồi mới chính thức thi công cho các hộ dân.

Tên gọi dự án là vậy, nhưng thầy trò vẫn gọi là đèn “ve chai”, bởi nó được hình thành từ những chai nhựa bỏ đi đựng đầy 1,5 lít nước và miếng tôn gắn ngang thân để khuếch tán ánh sáng dựa trên hiện tượng khúc xạ. Bên trong chai được lắp đèn led, bộ nạp ắc quy, trên miếng tôn được lắp cùng pin mặt trời. Ban ngày, điện sẽ được nạp vào ắc quy thông qua tấm pin mặt trời, khi tối đến, đèn trong chai nước sẽ phát sáng giúp người dân khó khăn vừa có thêm ánh sáng, vừa tiết kiệm điện.

Nhờ dự án này, hơn 20 hộ dân và cả con hẻm dẫn qua xóm trọ nghèo dưới chân cầu Tám Nó được chiếu sáng, trẻ con và người lớn đều rất vui mừng. 

Để dự án có tính lan tỏa hơn, thầy Tùng đã tự khảo sát và liên hệ với xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, Bình Phước để giúp bà con nơi đây lắp những chiếc đèn. Dự kiến thời gian tới, nhóm dự án sẽ tới một cồn ở Hà Tiên (Kiên Giang) để tiếp tục thắp sáng những chiếc đèn hạnh phúc này.

 Thầy giáo Phạm Thư Tùng (phải) nhận giải Nhất cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT năm học 2016-2017

Chân dung thầy giáo trẻ

Tốt nghiệp Trường THPT Trưng Vương (quận 1), cậu học trò Phạm Thư Tùng đỗ thủ khoa của ngành Vật Lý (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM). Trong quá trình học ĐH, Phạm Thư Tùng còn đăng kí học ngoại ngữ tại ĐH RMIT để củng cố tiếng Anh của mình. Đặc biệt, cựu HS của trường Trưng Vương tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện do Đoàn, Hội SV của trường tổ chức.

Tùng cho biết, từ nhỏ anh đã cảm nhận rất rõ về nghề “trồng người” khi có ba là nhà giáo Phạm Quốc Túy (nguyên tổ trưởng tổ Vật lý Trường THPT Trưng Vương) và mẹ là nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Loan (nguyên tổ trưởng tổ Sinh học Trường THPT Ernst Thlmann - nay đã nghỉ hưu). Từng chứng kiến những cái ôm trìu mến, ấm áp của ba mẹ với học trò cũ khi ghé thăm thầy cô nhân dịp lễ Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, anh rất xúc động. Vì thế, sau 2 năm làm cho một doanh nghiệp, anh quyết định chia tay, học nghiệp vụ sư phạm để được theo nghề.

“Khi quyết định theo nghề giáo, tôi được ba mẹ động viên và hỗ trợ rất nhiều về những kinh nghiệm, về tình yêu với nghề, và ba mẹ chính là tấm gương về sự tận tụy, tâm huyết với nghề để tôi noi theo”.

Về trường Ernst Thlmann từ năm học 2013-2014, thầy giáo trẻ Phạm Thư Tùng đã nhận được nhiều lời khen từ các học trò của mình bởi cách dạy khá mới mẻ. Theo đó, ngoài học kiến thức, thầy rất chú trọng trong việc phát triển kỹ năng cho trò. Rồi theo từng bài học Vật lý, thầy cho trò lắp các mạch điện điều khiển đèn cầu thang; yêu cầu các em làm thí nghiệm, làm những clip ghi lại thí nghiệm như hiện tượng điện phân, phóng điện trong không khí; cho HS chơi tên lửa nước để gắn với bài học về “Động lượng”. Hay là việc học Vật lý bằng tiếng Anh, cho HS chọn các chủ đề Vật lý và thuyết trình bằng tiếng Anh.

Thầy cho hay, ban đầu mới vào nghề, cứ nghĩ mình nói hết ruột gan những kiến thức mà mình có cho các em là được… nhưng rồi dần dần lại thấy mình nên nói những cái các em cần. Bởi người thầy trong xã hội hiện tại phải vừa là một người anh, một người bạn với học trò. Dạy học bây giờ là dạy tư duy tích cực và khả năng phản biện chứ không chỉ dạy kiến thức. Vì vậy, bài dạy của tôi thường bắt đầu từ những vấn đề thực tế trước, cho học sinh có động lực tìm hiểu và giải quyết vấn đề, sau đó tôi mới trình bày nội dung bài học. “Tôi nghĩ rằng, niềm vui của nghề giáo chính là sự trưởng thành của HS qua từng ngày. Và may mắn là tôi đã và đang cảm nhận được niềm vui đó với học sinh của ngôi trường Thalmann”.

Ngoài giảng dạy, thầy Thư Tùng còn tham gia các hoạt động đoàn thể rất sôi nổi như Chủ nhiệm CLB Giáo viên trẻ, hỗ trợ cho CLB nghiên cứu Khoa học, Ủy viên BCH chi đoàn GV và là người cầm máy ghi lại nhiều khoảnh khắc của thầy trò trong các dịp lễ quan trọng của trường cũng như tích cực tham gia giáo dục kỹ năng sống cho HS.

Dạy học bây giờ là dạy tư duy tích cực và khả năng phản biện, chứ không chỉ dạy kiến thức. Vì vậy, bài dạy của tôi thường bắt đầu từ những vấn đề thực tế trước, cho học sinh có động lực tìm hiểu và giải quyết vấn đề, sau đó tôi mới trình bày nội dung bài học - Thầy giáo Phạm Thư Tùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ