Đẩy nhanh quy hoạch mạng lưới trường ĐH và đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Nhiệm vụ quan trọng đối với giáo dục đại học năm học 2017 - 2018 là rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên.

Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp.
Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp.

Đã hoàn thành dự thảo Đề án quy hoạch mạng lưới

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, trên cơ sở rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ cơ sở đào tạo theo Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành Dự thảo Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên đến 2025, tầm nhìn 2030, với trọng tâm sử dụng các công cụ quản lý nhà nước như công khai minh bạch thông tin chất lượng và kết quả đầu ra, kiểm định chất lượng và các chuẩn, quy chuẩn đảm bảo chất lượng để định hướng cho đầu tư của nhà nước và phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo.

Năm học vừa qua, hệ thống các cơ sở đào tạo trong cả nước phát triển ổn định, tập trung vào các điều kiện nâng cao chất lượng.

Toàn quốc có thêm 1 cơ sở đào tạo được thành lập mới trên cơ sở đã có quyết định chủ trương thành lập của Thủ tướng Chính phủ (Học viện dân tộc); 3 cơ sở đào tạo được cấp phép hoạt động và đều là các cơ sở có 100% vốn đầu tư nước ngoài (Trường ĐH Mỹ tại Việt Nam, Trường ĐH Y khoa Tokyo, Trường ĐH Fulbright Việt Nam), 1 phân hiệu của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh được thành lập tại Bến Tre.

Hồ sơ của một số trường ĐH đã trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép thành lập phân hiệu trên cơ sở tổ chức lại cơ sở 2 hoạt động từ nhiều năm nay như: Phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải tại TP. Hồ Chí Minh; Phân hiệu Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại tỉnh Quảng Nam, Phân hiệu Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải tại TP. Hà Nội, Phân hiệu Học viện Kỹ thuật mật mã tại TP. Hồ Chí Minh.

Dự thảo nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục ĐH trong năm học mới của Bộ GD&ĐT cũng đưa việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên lên đầu tiên.

Nhiệm vụ này nhấn mạnh việc hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên trên cơ sở sử dụng các công cụ quản lý nhà nước như:

Chuẩn, quy chuẩn đối với cơ sở GDĐH; công khai, minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả đầu ra, kiểm định chất lượng giáo dục và quy chuẩn đảm bảo chất lượng để định hướng đầu tư cũng như tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở trong hệ thống cho phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Đồng thời, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai phân tầng, xếp hạng các trường đại học. Tổ chức quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên.

Một số khó khăn trong công tác quy hoạch mạng lưới

Luật giáo dục đại học và Nghị định 73/2015/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng cơ sở GDĐH theo mỗi tầng và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung.

Theo đó cơ sở GDĐH được phân thành 3 tầng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành.

Tuy nhiên, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam ban hành theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ còn đại học định hướng nghiên cứu và đại học định hướng ứng dụng.

Khái niệm về phân tầng, xếp hạng còn có nhiều ý kiến, chưa phù hợp với thông lệ thế giới nên gây khó khăn cho công tác quy hoạch mạng lưới.

Nhiều trường vẫn chưa quan tâm đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để đáp ứng quy mô tuyển sinh; đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên cơ hữu chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn; nguồn lực tài chính phân tán; chưa đầu tư dự báo thị trường nên các ngành đào tạo còn trùng lặp, chồng chéo trong một địa bàn...

Nhiều nơi mở ngành đào tạo vẫn dựa vào năng lực và kinh nghiệm vốn có, dẫn đến những ngành xã hội có nhu cầu thì lại thiếu. Đó là những nguyên nhân khiến cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý và chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Trong năm học vừa qua, việc triển khai xây dựng các khu đô thị/làng đại học nhằm thực hiện chủ trương di dời hoặc mở thêm phân hiệu của một số trường đại học ra khỏi nội đô ở các thành phố lớn trong năm học vừa qua đã khởi động lại nhưng chưa có tiến triển.

Hiện nay, còn một số cơ sở GDĐH ngoài cơ sở đào tạo chính có cơ sở đào tạo tại các địa phương nhưng chưa lập hồ sơ thành lập phân hiệu, chưa phù hợp với quy định của pháp luật...

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Quy hoạch mạng lưới cơ các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên đến 2025, tầm nhìn 2030; Nghị định quy định tự chủ đại học để tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường, giúp cho các cơ sở đào tạo phát huy được sự năng động, sáng tạo, đổi mới của mình, và tự chủ tiến hành sắp xếp, rà soát lại cơ cấu tổ chức, tiến hành sáp nhập giải thể theo nhu cầu của thị trường và năng lực của cơ sở.

Tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống hiện có 235 trường đại học, học viện (bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện NCKH được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.
Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 02 trường trung cấp sư phạm).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ