Đẩy mạnh giáo dục mô phỏng: Điểm tựa nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Giáo dục mô phỏng được đánh giá là phương pháp giảng dạy hiệu quả khi gắn thực tiễn với thực hành thông qua mô hình thu nhỏ.

SV Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Tài chính - Marketing thực học, làm trong ngân hàng mô phỏng do Vietcombank tài trợ.
SV Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Tài chính - Marketing thực học, làm trong ngân hàng mô phỏng do Vietcombank tài trợ.
Với khối trường kỹ thuật và kinh tế ứng dụng, giáo dục mô phỏng được xem là “chìa khóa” giúp SV tích lũy kinh nghiệm, rèn kỹ năng nghề, cũng như hiểu rõ quy trình vận hành công việc. Mô hình và phương thức giáo dục này ngày càng được nhiều trường ĐH, CĐ đẩy mạnh áp dụng.
Tranh thủ nguồn lực xã hội hóa
Tại TPHCM, các trường ĐH như Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Bách khoa TPHCM, Tôn Đức Thắng đang áp dụng hiệu quả việc dạy học cho SV trong các xưởng thực hành kiểu mô phỏng dây chuyền sản xuất, nhà máy thu nhỏ. Theo chia sẻ của đại diện các đơn vị, hệ thống máy móc, nhà xưởng, công nghệ được doanh nghiệp (DN) hỗ trợ trong quá trình xây dựng mô phỏng mô hình cho mô đun giảng dạy rất lớn, được đầu tư xây mới đưa vào sử dụng hàng năm với giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. 
Đơn cử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM sắp đưa vào sử dụng nhà máy hoàn toàn tự động để phục vụ việc thực hành cho SV. Trước đó, tại Khoa Cơ khí chế tạo máy, nhà trường cũng đưa vào sử dụng Phòng thí nghiệm mô phỏng ngành Robot AI và tự động hóa (trị giá 2 tỷ đồng do Công ty SMC tài trợ). Khoa Cơ khí động lực với 3 ngành chủ lực như Công nghệ kỹ thuật ô tô, Năng lượng tái tạo, Công nghệ kỹ thuật nhiệt được nhà trường xây dựng mô hình mô phỏng nhà xưởng, gara ô tô (do Toyota tài trợ hàng chục tỷ/năm) để phục vụ việc thực học của SV.
Với khối kinh tế, hàng loạt trường ĐH như Kinh tế TPHCM, Lạc Hồng, Tài chính - Marketing, Kinh tế - Tài chính TPHCM(UEF) thời gian qua cũng phối hợp với ngân hàng, doanh nghiệp xây dựng và đưa vào sử dụng hàng loạt ngân hàng mô phỏng cũng như hệ thống mô phỏng quy trình kế toán trong nhà trường để SV chuyên ngành Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Kinh doanh quốc tế… thực học, thực làm. Qua đó giúp SV nhanh chóng nắm bắt được quy trình, kỹ năng làm việc chuyên ngành mình đang theo học. 
Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng đã khánh thành Phòng thực hành Ngân hàng UFM và bàn giao phần mềm mô phỏng trị giá 2 tỷ đồng. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cũng phối hợp với Ngân hàng HD Bank đưa vào sử dụng hệ thống mô phỏng trị giá hơn 1 tỷ đồng tại trường. Đặc biệt, để giúp SV lĩnh vực ngân hàng - tài chính - chứng khoán được tiếp xúc trực tiếp với các phần mềm chuyên dụng, thực hành các nghiệp vụ ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) đưa vào sử dụng “Trung tâm mô phỏng phục vụ giảng dạy và nghiên cứu - UEH Simulation Center” trị giá nhiều tỷ đồng. 
Nhìn nhận về xu hướng giáo dục và giải pháp đào tạo nhân lực trong bối cảnh mới tại các trường ĐH, CĐ, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH cho rằng: Việc các trường đưa vào sử dụng các trung tâm, xưởng thực hành, phòng thí nghiệm mô phỏng sẽ giúp đẩy mạnh phương pháp đào tạo tiên tiến; phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, tương tác nhóm cho SV. Đặc biệt, việc thực học và trải nghiệm trên dây chuyền thật sẽ rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng phân tích, tổng hợp và ra quyết định cho các em. 
Vững nghề và kỹ năng
Mô hình mô phỏng ngân hàng của ĐH Nguyễn Tất Thành.
Mô hình mô phỏng ngân hàng của ĐH Nguyễn Tất Thành.
Không chỉ các trường khối kỹ thuật, kinh tế, hàng loạt trường ĐH khác với thế mạnh ở nhiều nhóm ngành nghề như thời trang, mỹ thuật, kiến trúc, du lịch, khách sạn và nhà hàng… cũng xây dựng các mô hình thực hành thu nhỏ để phục vụ cho công tác học tập. 
Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngoài Khoa Du lịch, Tài chính - Kế toán sở hữu khá nhiều mô hình mô phỏng học tập, nhóm ngành đào tạo Đạo diễn, Diễn viên điện ảnh, Quay phim còn được nhà trường xây dựng hẳn phim trường, thậm chí là phòng thí nghiệm ứng dụng công nghiệp 4.0 với đối tác SIEMENS (tài trợ 51 tỷ) tổng trị giá   70 tỷ đồng cho SV khối ngành kỹ thuật, công nghệ. 
Theo thầy Bùi Quang Trung - Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, gắn chặt việc học lý thuyết với thực hành, đặc biệt là cho SV trải nghiệm công việc thật từ mô hình mô phỏng giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, cũng như gia tăng tỷ lệ các em ra trường có việc làm ngay (95%) thời gian qua. 
PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng nhìn nhận: Giáo dục mô phỏng cung cấp cho SV những kinh nghiệm cụ thể về đối tượng học tập theo kiểu trải nghiệm gián tiếp. Với khả năng điều khiển đồng thời các thành phần như hình ảnh, âm thanh, video, theo năng lực và sở thích của cá nhân, SV có thể tự trải nghiệm về nghề nghiệp của mình một cách đầy đủ nhất. 
“Đặc biệt, việc học bằng giải pháp trực diện, SV có thể tạo dựng và điều khiển tại chỗ các kỹ năng, thao tác theo ý muốn của mình, tìm tòi phát hiện một số quan niệm, kỹ năng mới. Từ đó, giúp SV có điều kiện rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp khi học tập. Nếu các trường làm tốt, triển khai đồng bộ ở các khoa, ngành đào tạo, SV sẽ mau giỏi nghề, chuẩn kỹ năng sau khi ra trường” - PGS.TS Hồ Thanh Phong nói. 
Đánh giá xu hướng đào tạo theo hướng “cầm tay chỉ việc”, TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho rằng: Sức mạnh sư phạm của giáo dục mô phỏng nằm ở chỗ huy động tất cả khả năng xử lý thông tin của SV. Vì vậy, dạy học theo hướng gắn bài giảng với mô phỏng thực hành sẽ mang đến cho các em một nền tảng kiến thức tổng hợp, mới mẻ nhất. 
“Mô hình phòng thí nghiệm, xưởng thực hành hay ngân hàng mô phỏng cho phép SV làm việc theo nhịp độ riêng và tự điều khiển cách học của bản thân, kích thích sự say mê học tập. Giảng viên cũng chủ động hơn, có thời gian tìm thấy ở mô hình mô phỏng những ý tưởng mới lạ, độc đáo cho việc tổ chức giảng dạy, làm cho hoạt động học trở nên tích cực hơn”. TS Nguyễn Vũ Quỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ