Dạy học trực tuyến: Bảo đảm kiến thức nhưng không gia tăng áp lực

GD&TĐ - Khi phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, nhiều trường học ở Thanh Hóa luôn chú trọng bảo đảm kiến thức, nhưng không gia tăng áp lực cho học sinh.

Thích ứng với khó khăn

Là giáo viên (GV) giảng dạy môn Tiếng Anh, thuộc biên chế Trường THPT Thường Xuân 3 (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), thầy Nguyễn Xuân Tuấn đã xung phong lên “chia khó” với ngôi trường vùng cao – Trường THPT Mường Lát.

Hành trình gieo chữ ở vùng cao của thầy giáo Nguyễn Xuân Tuấn đã đi qua chặng đường hai năm, tuy chưa dài nhưng cũng đã lấp lánh bao giọt mồ hôi.

Huyện Mường Lát bắt đầu xuất hiện ca nhiễm Covid-19 hồi tháng 9/2021 và đặc biệt là tháng 12/2021, địa phương này phải cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng chống dịch.

Trước tình thế ấy, được sự chỉ đạo của Ban giám hiệu Trường THPT Mường Lát, thầy và trò nhà trường đã chủ động chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến. Tất cả theo phương châm: “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học” của ngành Giáo dục.

Đối với bộ môn đang phụ trách, thầy Tuấn đã chủ động xây dựng giáo án phù hợp khi thầy và trò không thể gặp nhau.

Trước vô vàn khó khăn do dịch bệnh, thiếu thốn trang thiết bị phục vụ việc dạy, học, đặc biệt là môn Ngoại ngữ, song thầy Tuấn luôn động viên đồng nghiệp và học trò thích ứng với khó khăn.

GV Trường THPT tổ chức dạy học trực tuyến. Việc dạy học đảm bảo kiến thức nhưng không tạo áp lực cho HS.
GV Trường THPT tổ chức dạy học trực tuyến. Việc dạy học đảm bảo kiến thức nhưng không tạo áp lực cho HS.

“Tiếng Anh cũng giống như môn Ngoại ngữ thứ hai của các em nơi đây. Vì vậy, bản thân là giáo viên tôi luôn trăn trở, tìm tòi và đổi mới phương pháp giảng dạy. Mục tiêu là làm sao cho các em có thể nắm vững kiến thức nền và tạo sự gần gũi với ngôn ngữ của các em”, thầy Tuấn bộc bạch.

Thầy Trần Anh Văn – Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát cho biết, thời điểm thị trấn Mường Lát (nơi có trụ sở của trường) phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, thầy và trò nhà trường đã chủ động tổ chức dạy học trực tuyến toàn trường.

Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn nên trường chỉ tổ chức được 3 lớp (mỗi khối một lớp). Số HS tham gia học trực tuyến chiếm khoảng 65%, còn lại là những em thuộc vùng dịch, cách ly y tế hoặc không có sóng điện thoại nên không thể tham gia.

Theo thầy Văn, thời điểm tổ chức dạy học trực tuyến lần đầu hồi tháng 9/2021, một số GV còn gặp khó khăn về tìm hiểu thiết bị, quản lý giờ học… Song, những khó khăn này đã được giải quyết.

Việc dạy học trực tuyến đã ổn định và hiệu quả hơn rất nhiều ở lần thứ hai khi trường phải tổ chức dạy học theo hình thức này.

Tổ chức dạy học trực tuyến ở Trường THPT Hậu Lộc 1 (Thanh Hóa).
Tổ chức dạy học trực tuyến ở Trường THPT Hậu Lộc 1 (Thanh Hóa).

“Qua nhiều đợt kiểm tra của Ban giám hiệu nhà trường, lớp học trực tuyến được GV duy trì ổn định. Việc tương tác, trao đổi giữa GV và HS cũng rất hiệu quả, tạo hứng thú cho các em. Khi HS phải ở nhà do dịch bệnh, cách học này cũng góp phần thúc đẩy tinh thần của các em”, thầy Văn nói.

Theo thầy Văn, kết thúc học kỳ 1 năm học 2021 – 2022, toàn trường có khoảng 70% HS xếp loại học lực trung bình trở lên. Đối với HS thuộc vùng cách ly, giãn cách xã hội, các em được hoàn thành bài thi theo hình thức online.

Đảm bảo kiến thức nhưng không gia tăng áp lực

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Trường THPT Hậu Lộc 1 (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã hai lần tổ chức dạy học trực tuyến vào tháng 9 và tháng 12/2021.

Theo thầy Phạm Hùng Bích – Hiệu trưởng Trường THPT Hậu Lộc 1, quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, trường cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài sự cố về hệ thống internet, một số thôn, xã còn xảy ra tình trạng mất điện cục bộ, gây khó khăn cho việc tổ chức dạy và học theo hình thức này.

“Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song thầy, cô giáo và học sinh nhà trường luôn sẵn sàng thích ứng. Để các em dễ dàng tiếp thu kiến thức, Ban giám hiệu đã chỉ đạo Tổ trưởng các bộ môn xây dựng bài giảng trực tuyến phù hợp.

Đồng thời, xây dựng thời khóa biểu cũng như thời lượng học phù hợp để các em có thời gian giải lao và không tạo áp lực”, thầy Bích nói.

Thầy Đoàn Văn Tác, GV  môn Sinh học – Trường THPT Hậu Lộc 1 phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu các chức năng của phần mềm phục vụ dạy học trực tuyến.

Việc tổ chức dạy học trực tiếp của Trường THPT Hậu Lộc đảm bảo khoảng cách theo quy định.
Việc tổ chức dạy học trực tiếp của Trường THPT Hậu Lộc đảm bảo khoảng cách theo quy định.

Thầy Tác cho rằng, dạy học trực tuyến đòi hỏi GV phải xây dựng giáo án phù hợp, cách truyền tải kiến thức cũng cần súc tích và ngắn gọn nhất, tránh việc dàn trải kiến thức.

“Đối với môn Sinh học, tôi soạn bài giảng bằng Power Point giúp các em dễ dàng tiếp thu, không gây nhàm chán. Ngoài ra, tôi thường để HS chơi trò giải ô chữ ở cuối tiết để giảm tải căng thẳng cho các em”, thầy Tác chia sẻ.

Là học sinh cuối cấp, em Lê Việt Cường (lớp 12A1, Trường THPT Hậu Lộc 1) cũng sẵn sàng khi phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Cường cho rằng, việc học trực tuyến khá cuốn hút và không nhiều áp lực vì có thời gian giải lao, thông qua các trò chơi ở cuối tiết học.

Đồng hành cùng con trong suốt quá trình học tập, anh Lê Văn Luận – phụ huynh HS Lê Việt Cường, chia sẻ: “Cường từng làm quen với hình thức học trực tuyến thông qua một số kỳ thi giải Toán trên mạng hồi cấp 1. Vì vậy, con cũng không gặp khó khăn khi phải chuyển sang học trực tuyến. Trong giờ học, con cũng được tương tác với thầy, cô và bạn bè nên việc tiếp thu kiến thức cũng rất hiệu quả”.   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.