Dạy - học theo mô hình trường học mới: Kỹ năng quan trọng như kiến thức

GD&TĐ - Năm học 2015 - 2016, Đà Nẵng triển khai nhân rộng Mô hình Trường học mới (VNEN) tại 19 trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố. 

Dạy - học theo mô hình trường học mới:  Kỹ năng quan trọng như kiến thức

Qua hơn một tháng triển khai cho thấy, đối với Mô hình VNEN, việc GV hướng dẫn và hình thành cho HS các kỹ năng, từ kỹ năng tư duy, làm việc nhóm, đến kỹ năng trình bày… cũng không kém phần quan trọng trong việc chuyển tải kiến thức đến HS.

Cô giáo Nguyễn Thùy Linh, chủ nhiệm lớp 2/5, Trường Tiểu học Bạch Đằng phấn khởi cho biết: “Hồi đầu năm học, lúc mới nhận lớp, cô giáo tổ chức trò chơi tập thể cho cả lớp, có em còn khóc khi tham gia, cho dù em có học lực giỏi. Nhưng chỉ sau gần 2 tháng, các em đã có thể tự điều khiển các hoạt động của lớp học, của nhóm, tính chủ động và tích cực của HS đã tăng lên rất nhiều. 

Có nhiều em khi cô giáo gọi phát biểu nói rất nhỏ, rụt rè…, nhưng giờ các em đã trình bày mạch lạc”. Để có được sự thay đổi như vậy, cô Nguyễn Thùy Linh phải mất cả tháng để hướng dẫn cho HS phương pháp học, rèn cho các em kỹ năng giao tiếp, thảo luận, cách giúp đỡ, hỗ trợ bạn bè. 

“Học sinh lớp 2 còn nhỏ nên chưa thể chủ động nhiều trong mọi hoạt động. Để các em nhuần nhuyễn được phải có cả quá trình nên buộc GV phải kiên trì. Cô giáo cũng buộc phải thay đổi thói quen và tư duy khi lên lớp. Trước đây, cô cố gắng truyền tải hết kiến thức và học trò phải theo cô. Nhưng với phương pháp dạy học của VNEN, cô giáo phải dựa vào mức độ tiếp nhận của HS để chuẩn bị đồ dùng dạy học cho phù hợp, theo sát từng HS để nắm bắt khả năng tự lĩnh hội kiến thức của HS để có sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời” - cô Linh cho biết.

Cả GV và BGH các trường triển khai Mô hình VNEN đều cho rằng, phương pháp làm việc nhóm, dù là nhóm đôi, nhóm 5 - 6 em… đều không quá mới mẻ vì đã được các trường thực hiện từ trước đến nay. Cái khó là GV phải trao cho HS quyền chủ động trong tiếp thu, lĩnh hội kiến thức và việc học không chỉ là học từ thầy cô giáo mà còn học với bạn bè; trang bị cho HS các kỹ năng, giúp các em chủ động, tự tin và mạnh dạn.

Cô giáo Trương Thị Nhã Trúc - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng (Q. Hải Châu) nhận xét: “Cái được nhất, và thành công nhất ở Mô hình VNEN là trang bị cho HS khả năng tư duy, cách tự học, tự nghiên cứu cùng các kỹ năng sống”. Và để làm được điều đó, theo cô Nhã Trúc, giáo viên phải có một quá trình để HS làm quen: “Đến ngay như việc lúc nào thì dùng thẻ màu xanh, lúc nào dùng thẻ màu đỏ, cũng phải có thời gian thì HS mới nhuần nhuyễn được”. 

Qua dự giờ, thăm lớp khối lớp 2, cô Nhã Trúc cho biết, HS rất thích thú với cách thức tổ chức lớp học mới, các em cũng mạnh dạn, tự tin hơn hẳn. Em Doãn Việt Anh (trưởng nhóm Thỏ Trắng ở lớp 2/8, Trường TH Phù Đổng, Đà Nẵng) hào hứng: “Con rất thích ngồi học theo nhóm vì chúng con có thể cùng nhau giải những bài tập khó. Học theo nhóm cũng rất vui vì được thi đua cùng các bạn”.

Nhà trường: Chuẩn bị kỹ lưỡng

Thầy Trần Tám - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bạch Đằng cho biết, để HS và GV làm quen dần với Mô hình VNEN, bắt đầu từ học kỳ II của năm học 2014 - 2015, ở khối lớp 1, nhà trường chuẩn bị một số bước như trang trí lớp học, tổ chức một số tiết dạy theo phương pháp mới. “Đây cũng là cách trường vừa chuẩn bị vừa tuyên truyền cho phụ huynh thấy được những thay đổi trong cách học của con để thích nghi dần”. Ngay trong đợt họp phụ huynh cuối năm học, các trường tiểu học đã phổ biến đến phụ huynh chủ trương triển khai Mô hình VNEN.

Ngoài tuyên truyền rộng rãi đến phụ huynh một cách chi tiết về Mô hình VNEN, Trường Tiểu học Phù Đổng cũng thường xuyên thăm dò ý kiến phản hồi của phụ huynh để có những giải đáp kịp thời. 

“Trong truyền thông, ngoài những ưu điểm của mô hình, nhà trường cũng nêu cho phụ huynh thấy những khó khăn như bàn ghế hiện nay trường đang sử dụng không thuận tiện cho việc HS cơ động hoạt động nhóm; sĩ số nhiều lớp còn cao so với chuẩn VNEN. 

Đặc biệt, nhà trường cũng nhấn mạnh rằng, đối với những HS kỹ năng đọc hiểu chưa nhuần nhuyễn thì sẽ khó khăn trong quá trình học - cô Trúc Linh chia sẻ - Đây cũng là cách để phụ huynh cùng tham gia với nhà trường theo đúng tinh thần của Mô hình VNEN. Những HS còn hạn chế ở mặt nào thì sẽ được sự hỗ trợ của bạn học, thầy cô giáo nhưng cũng cần cả sự giúp đỡ và đồng hành của phụ huynh”.

Trong quá trình triển khai, cô Trúc Linh cho biết, cũng có không ít phụ huynh băn khoăn rằng, với những HS có lực học ở mức độ trung bình, khả năng tập trung không cao thì khi làm việc theo nhóm, sẽ có sự ỷ lại hoặc sẽ bị hổng kiến thức. “Nếu nhìn qua một giờ học theo Mô hình VNEN thì cứ nghĩ là cô giáo rất nhàn, nhưng thực ra, GV buộc phải có khả năng bao quát hoạt động của các nhóm để có sự hỗ trợ hoặc hướng dẫn kịp thời với những em chưa nắm được kiến thức. Trên thực tế, HS có nhiều hoạt động: Hoạt động nhóm, hoạt động cá nhân, cả lớp… chứ không chỉ làm việc theo nhóm. Với VNEN, nói thực là cô giáo có điều kiện hơn để quan tâm đến những HS yếu” - cô Trúc Linh nhận xét.

“Cái khó trong quá trình triển khai Mô hình VNEN không phải từ cơ sở vật chất hay cường độ lao động của giáo viên, mà là từ việc làm công tác tư tưởng, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh hiểu một cách thấu đáo về xu hướng giáo dục mới” - cô Trương Thị Nhã Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng nhận xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.