Đào tạo tiến sĩ: Tọa đàm những vấn đề “nóng“

GD&TĐ - Sáng nay (10/11), Bộ GD&ĐT, báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ". Rất nhiều vấn đề liên quan đến đào tạo tiến sĩ như: khó khăn từ cơ sở, giải pháp nâng cao chất lượng... đã được trao đổi.

Tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; GS. TSKH Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGHN và PGS.TS Vũ Lan Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội.

Những nguyên nhân dẫn đến đào tạo tiến sĩ kém chất lượng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga 

Có một thực tế là chất lượng luận án tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo không đồng đều, và có thể vàng thau lẫn lộn, nhiều luận án ít giá trị thực tế, không có tính khoa học, ... Liệu có phải do đào tạo tiến sĩ hiện đang chạy theo số lượng và xem nhẹ chất lượng?

Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm của Bộ GD&ĐT về nhận định này? Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc đào tạo tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục trong điều kiện cơ sở vật chất, cũng như đầu tư hiện nay là một cố gắng lớn, phải đánh giá cao. Hầu hết cơ sở đào tạo tiến sĩ hiện nay chấp hành nghiêm quy chế.

Tuy nhiên, cũng có nơi, có lúc cơ sở buông lỏng quản lý chất lượng, chạy theo số lượng, dẫn đến có những luận án tiến sĩ không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc trong xã hội.

Nguyên nhân chính là có những nghiên cứu sinh không xác định rõ động cơ, mục tiêu làm nghiên cứu sinh của mình, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Nghiên cứu sinh là đào tạo nhà nghiên cứu sản sinh trí thức, trí tuệ mới chứ không phải đào tạo kĩ năng làm nghề.

Người hướng dẫn nghiên cứu sinh một số lĩnh vực, do số lượng đông nên hạn chế trong đề tài và việc tiếp cận được với học thuật thế giới.

Các cơ sở đào tạo tiến sĩ nếu thực hiện nghiêm quy chế thì chất lượng sẽ không buông lỏng; nhưng có cơ sở du di thành lập hội đồng không đảm bảo khách quan, quản lý chất lượng lỏng lẻo.

Cuối cùng, do nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kinh phí đào tạo của chúng ta quá ít, không đủ để nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu của mình đảm bảo chất lượng.

Chất lượng đào tạo TS của Trường ĐH Luật Hà Nội và ĐHQGHN hiện được đánh giá dựa trên những yếu tố như thế nào?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Năm 1976, Việt Nam lần đầu tiên đào tạo phó tiến sĩ trong nước. Khi đó, chúng ta đào tạo tiến sĩ trong nước trong điều kiện rất khó khăn, nhưng chất lượng vẫn được khẳng định.

Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý với đánh giá của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đó là chất lượng đào tạo tiến sĩ Việt Nam nói chung, ĐHQG Hà Nội nói riêng đang ngày càng tiếp cận chuẩn mực và trình độ quốc tế. Đối với ĐHQG Hà Nội có 60% nghiên cứu sinh có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế.

Điều đó cho thấy, những năm vừa qua, dù nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhưng các cơ sở, cơ quan quản lý, đặc biệt là bản thân các nghiên cứu sinh cũng đã rất nỗ lực.

Ở ĐHQG Hà Nội, cũng có luận án phản biện bị trượt, cho thấy quy trình quản lý khắt khe.

Về chất lượng đào tạo tiến sĩ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga có nêu ra 3 nguyên nhân, đó là: Việc xác định động cơ, mục tiêu của nghiên cứu sinh; cơ sở buồn lỏng quản lý; cơ sở vật chất chưa thỏa đáng.

Tôi bổ sung thêm 2 vấn đề là quy mô đào tạo và trách nhiệm của người hướng dẫn.

PGS.TS Vũ Lan Anh: Tôi cũng chia sẻ ý kiến của GS Nguyễn Đình Đức; chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo tiến sĩ. Bên cạnh quy mô phải làm sao quan tâm đến chất lượng. Nâng cao chất lượng đào tạo TS là việc làm rất cần thiết.

Trước đây, ngành Luật đa số chúng ta đào tạo ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu; hiện nay, chúng ta tập trung nhiều vào đào tạo trong nước. Nhiệm vụ của người đào tạo trong nước là phải nâng tầm để ngang với thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Thưa GS Trần Văn Nhung, là người được đào tạo TS ở nước ngoài, GS có thể chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo TS ở một số nước trên thế giới?

GS Trần Văn Nhung 

GS Trần Văn Nhung: Bất cứ đất nước nào cũng vậy, các TS là rường cột về khoa học, giáo dục của đất nước.

Tôi có đọc qua dự thảo quy chế đào tạo TS và thấy có những điểm mới và cố gắng đáng trân trọng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trước hết phải định nghĩa được thế nào là tiến sĩ.

Bên cạnh đó, phải xác định rõ ai là chủ tịch hội đồng, ai là phản biện... một cách phù hợp; bám rất chặt vào tiêu chí hiện đại nhất của thế giới mà phấn đấu; đào tạo quý hồ tinh, bất quý hồ đa...

Tăng yêu cầu đầu vào đào tạo tiến sĩ

Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo TS. Từ thực tế đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, theo các khách mời, Bộ sẽ có những điều chỉnh như thế nào để vừa “xốc” lại quản lý nhà nước về đào tạo tiến sĩ, nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng cũng đồng thời giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà để tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo cũng như các nghiên cứu sinh hơn?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Từ khi nước ta mở cửa hội nhập đến nay, ngành GD-ĐT đã có nhiều đổi mới, đặc biệt trong đào tạo TS.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; khung trình độ quốc gia, quy định TS ở bậc 8 – bậc cao nhất.

Khung trình độ quốc gia này dựa trên khung tham chiếu ASEAN, quy định rõ về kiến thức, kĩ năng và tạo ra kiến thức mới như thế nào trong đào tạo TS... Để đào tạo TS đạt chuẩn khu vực, tất cả tới đây phải dựa vào khung trình độ quốc gia đó, từ đó thiết kế chương trình đào tạo phù hợp.

Để thỏa mãn các tiêu chí, nghiên cứu sinh phải có tiêu chí đầu vào nhất định với đòi hỏi cao hơn trước dây, trước hết là về ngoại ngữ. Công trình TS, luận án TS là công trình khoa học phải chứa đựng cái mới, phải đăng trên các tạp chí quốc tế được bình luận, phản biện để thấy cái mới luận án.

Ngoài ra, quy định người hướng dẫn để nghiên cứu sinh thực hiện tốt vai trò nghiên cứu của mình. Định hướng nghiên cứu của các thầy rất quan trọng.

Để thực hiện mọi điều nêu trên, quy định kinh phí, chi phí đào tạo nghiên cứu sinh cũng phải nâng lên. Hiện quy định chi phí 15 triệu đồng/năm quá thấp, khó có thể đào tạo nghiên cứu sinh bài bản. Mỗi lần nghiên cứu ra cái mới cần thí nghiệm, thực hành, thực tập... Do đó, buộc phải có đầu tư nhất định.

PGS.TS Vũ Lan Anh: Tôi cho rằng, để đào tạo TS chất lượng, hiệu quả phụ thuộc nhiều yếu tố:

 PGS.TS Vũ Lan Anh

Trước hết là đầu vào, tìm ra đối tượng phù hợp với mục tiêu đào tạo tiến sĩ. Đầu vào cần 2 yếu tốt là ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu;

Thứ hai là chất lượng quá trình đào tạo: Bản thân quá trình đào tạo phụ thuộc nhiều yếu tố: chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu, học liệu; phương pháp hướng dẫn, phương pháp nghiên cứu và cuối cùng tôi nhấn mạnh là người hướng dẫn. Khi nào đáp ứng đầy đủ các yếu tốt đó, đào tạo mới tốt được. Sau đó, vấn đề cuối cùng là kiểm soát đầu ra.

GS Nguyễn Đình Đức: Để đào tạo TS tốt hơn phải đầu tư thoả đáng về cơ sở vật chất; tiếp theo là phải đầu tư cho nghiên cứu sinh, thầy hướng dẫn. Thêm nữa, điểm mấu chốt là vấn đề trọng dụng đúng người có tài và sử dụng đúng cán bộ...

Giải pháp chống đạo văn

Về yêu cầu đối với phản biện luận án, thưa GS Trần Văn Nhung liệu chúng ta có cần phản biện kín như hiện nay hay không? Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước có thể tham gia phản biện luận án TS không?

GS Trần Văn Nhung: Vấn đề này, nhiều nước phát triển có, mình cũng nên duy trì, có điều chọn người phản biện kín như thế nào, làm sao thực sự khách quan và có giá trị.

Nói thêm về đạo văn, chúng ta nói đến việc sáng chế phần mềm để nếu sao chép đến 30 trang sẽ bị phát hiện. Tôi khẳng định, máy móc không bao giờ bằng con người.

Chép nguyên 30 trang không nguy hiểm bằng ăn cắp ý tưởng nhưng viết văn phong khác. Phát hiện cái này không máy tính nào làm nổi. Ở các nước, phải đăng bài trên tạp chí có uy tín để phản biện toàn thế giới.

Để chống nạn “ăn cắp” ý tưởng, cách tốt nhất là tận dụng cách làm của thế giới. Đó là yêu cầu về bài báo công bố quốc tế. Bởi lẽ bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín sẽ phải trải qua những vòng phản biện rất chặt chẽ.

Theo GS Nguyễn Đình Đức, nếu xảy ra vấn đề về chất lượng của Luận án TS thì Hội đồng thẩm định và từng cá nhân tham gia Hội đồng phải chịu trách nhiệm như thế nào?

 GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

GS Nguyễn Đình Đức: Thẩm định luận án trong điều kiện hiện nay là rất cần. Ở ĐHQG Hà Nội có ngành chúng tôi đã thẩm định độc lập, 9% có ý kiến của 1 trong 2 phản biện không đồng ý.

Trong quá trình thẩm định, cũng có trường hợp, cả 3 phản biện đều đánh trượt. Qua đó, nghiên cứu sinh và cả thầy đều phải cảnh tỉnh để nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt nên bỏ qua; trường hợp xuất sắc nên đơn giản hóa để khuyến khích.

Còn trong trường hợp luận án tiến sĩ có vấn đề tiêu cực thì cần phải bình tĩnh xem xét cẩn trọng vấn đề nảy sinh ở khâu nào. Ví dụ nếu luận án bị tố đạo văn thì cũng cần xem xét kĩ xem đây có phải việc cố ý đạo ý tưởng, kết quả hay chỉ là vô tình trích dẫn.

Việc xem xét này phải dựa trên đối chứng giữa các bên liên quan để xác định rõ ràng, khách quan. Tránh kết luận oan cho các tác giả. Để làm được việc này hội đồng thẩm định cần có trách nhiệm, bản lĩnh. Bởi mỗi trường hợp sẽ có những vấn đề phức tạp khác nhau.

Để đào tạo TS tốt hơn phải có đầu tư thỏa đáng

Vấn đề chất lượng đào tạo TS, ngoài quy định chung từ cơ quan quản lý Nhà nước, thì cũng cần sự thay đổi mạnh mẽ từ cơ sở đào tạo. Như vậy, nếu tiêu chuẩn về đào tạo tiến sĩ nâng cao hơn như ý kiến của các vị khách mời, các cơ sở đào tạo gặp khó khăn gì và phải đổi mới thế nào để thích nghi? 

GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức: Có khó khăn, ví dụ như khi ta đặt ra các yêu cầu rất cao, cụ thể là yêu cầu có bài báo công bố quốc tế, đặc biệt ở lĩnh vực khoa học xã hội, nếu ngay lập tức sẽ khó thực hiện được, phải có lộ trình để các cơ sở đào tạo có thời gian đầu tư, chuẩn bị, chuẩn bị cả người hướng dẫn, điều kiện đào tạo, nghiên cứu sinh... Chính sách tài chính cũng là điều rất quan trọng. Đây cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng. Đồng tiền chi đúng người, đúng việc sẽ tốt.

GS Trần Văn Nhung: Mỗi thầy hướng dẫn 1 năm được 3 triệu đồng; 18 triệu đồng cho 1 nghiên cứu sinh/năm... không có nước nào trên thế giới này rẻ như vậy. Nên tôi chia sẻ và cảm thông với các cơ sở. Xã hội lo lắng là đúng, nhưng cần tăng cường đầu tư và chia sẻ với xã hội.

PGS.TS Vũ Lan Anh: Nâng cao tiêu chuẩn đào tạo TS là quan điểm đúng đắn. Tuy nhiên khi nâng cao chất lượng đi kèm theo nhiều vấn đề. Nhưng tôi tin cơ sở nào cũng muốn nâng cao chất lượng để giữ uy tín.

Làm sao để nâng cao chất lượng, trước hết là đầu vào: Bản thân đề tài nghiên cứu, chương trình nghiên cứu phải hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu người học, xã hội. Khi thấy cần phải nghiên cứu, người ta sẽ tự nguyện.

Thứ hai, giảng viên - người hướng dẫn phải có uy tín về khoa học, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc nghiên cứu.

Thứ ba, phải có hệ thống tài liệu, học liệu trong nước và quốc tế đầy đủ, cộng thêm cơ sở vật chất (như ngành Luật phải có cơ sở thực hành luật để nghiên cứu sinh nghiên cứu).

Chúng ta phải thay đổi quan điểm. Người học, nghiên cứu sinh cũng là người chúng ta phải phục vụ, cũng là khách hàng của trường. Nhà trường phải đáp ứng mọi yêu cầu người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ