Đào tạo ngoại ngữ tiếng “hiếm”

GD&TĐ - Ngoại ngữ “hiếm” là cách nhiều người đề cập đến một số ngoại ngữ chưa phổ biến ở Việt Nam. Tình trạng khan hiếm ngoại ngữ tiếng hiếm đang xảy ra ở khá nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Chọn theo học ngoại ngữ tiếng hiếm cũng đồng nghĩa với việc người học sẽ có thêm nhiều cơ hội, lựa chọn sau này.

Một tiết mục văn nghệ của sinh viên khoa Nga.
Một tiết mục văn nghệ của sinh viên khoa Nga.

Chỉ tính riêng ngành du lịch, ở khu vực miền Trung, trong khi lượng khách du lịch ở các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Nhật, Tây Ban Nha, Nga… có xu hướng ngày càng tăng, thì hướng dẫn viên người Việt biết nói các thứ tiếng này lại rất khan hiếm.

“Ấm” dần tuyển sinh

Mùa tuyển sinh năm 2016, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao, trong đó, có những ngành tưởng như rất khó tuyển đủ như Ngôn ngữ Nga cũng đạt 100%. Những năm trước đó, số SV tuyển mới của khoa Nga cũng rất ấn tượng, năm nào cũng đủ để biên chế thành 2 lớp.

Với nhiều nỗ lực trong tư vấn tuyển sinh cũng như những “đãi ngộ” riêng đối với giảng viên và SV theo học tiếng Nga, thì con số hơn 200.000 lượt khách du lịch Nga đến Việt Nam chỉ trong nửa đầu năm 2016, cho thấy nhu cầu hợp tác kinh tế và văn hoá giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày một cao cũng khiến cho nguồn tuyển vào ngoại ngữ tiếng Nga đang “ấm” dần lên.

Kể từ năm 2012, khách Nga đến Việt Nam đã được xếp vào danh sách 10 thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam và từ đầu năm 2013 luôn đạt mức tăng trưởng cao nhất so với các thị trường truyền thống khác.

Trước mỗi mùa tuyển sinh, trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, trong đó có cán bộ, giảng viên khoa tiếng Nga đã có những đợt tư vấn tuyển sinh tại các tỉnh phía Bắc và Nam, trong đó, có những thông tin chi tiết về nhu cầu nguồn nhân lực giỏi tiếng Nga của các trung tâm du lịch nổi tiếng tại khu vực miền Trung cũng như khu kinh tế Dung Quất.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Long - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ thì nhà trường thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ nhiều doanh nghiệp lớn như Resort Furama, resort Nam Hải, Ha Noi tourist, Vung Tau tourist, Công ty du lịch lữ hành Pegas… trong đào tạo tiếng Nga.

Đánh giá về nhu cầu nhân lực tiếng Nga, PGS.TS Phan Văn Hòa -nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ - cho biết: “Thực ra thì xã hội đang rất cần lao động biết tiếng Nga.

Trong 2 năm buộc phải dừng mở lớp đào tạo đối với khoa Nga vì số lượng thí sinh trúng tuyển quá ít, nhà trường thường xuyên được các doanh nghiệp tìm đến đặt vấn đề tuyển dụng nhưng trường không có đủ nguồn để cung cấp.

Đây cũng chính là cơ sở để chúng tôi thông tin rộng rãi đến học sinh trong quá trình tư vấn tuyển sinh, vì vậy, năm học 2012 - 2013, ngành ngôn ngữ Nga của trường bắt đầu “ấm” dần lên với số lượng tuyển sinh đủ để biên chế thành 2 lớp”. Đây là sự tạo đà ấn tượng cho những năm tuyển sinh sau của nhà trường.

Hiếm nên quý

Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao khả năng nghe - nói đối với những ngoại ngữ hiếm, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tạo điều kiện tối đa cho SV tham gia các hoạt động tình nguyện, giao lưu văn hóa với SV bản ngữ.

Nhà trường có Phòng đọc tiếng dành riêng cho SV khoa Nga với hơn 1.000 đầu sách, tạp chí, băng đĩa, máy tính… Với ngành ngôn ngữ Thái Lan, Cục Hợp tác quốc tế (TICA) – Bộ Ngoại giao Thái Lan đã hỗ trợ trang thiết bị cũng như tư liệu phục vụ dạy học tiếng Thái để mở Phòng tư liệu tiếng Thái, giúp SV tìm hiểu và nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Thái Lan.

Cơ hội nhận học bổng của các SV học ngoại ngữ hiếm như tiếng Nga, tiếng Thái Lan là rất lớn. Nếu đạt giải trong kỳ thi Olimpic tiếng Nga do Trung tâm khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức, SV ngành Ngôn ngữ Nga của nhà trường sẽ có cơ hội đi học ở Liên Bang Nga 5 năm.

Ngoài ra, mỗi năm, khoa tiếng Nga đều có từ 4- 6 SV được cử đi học diện chuyển tiếp tại Liên bang Nga khoảng 10 tháng. Riêng đối với SV ngành ngôn ngữ Thái, ngoài diện được nhận học bổng bồi dưỡng ngắn hạn của TICA, còn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi học tập tại Thái Lan như Trại Ngôn ngữ và văn hóa 2015, Trại Thanh niên quốc tế, chương trình Đại sứ hữu nghị…

PGS.TS Nguyễn Văn Long cho biết: “SV ngành tiếng Nga, tiếng Thái luôn nhận được nhiều suất học bổng có giá trị từ các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước có sử sụng nguồn nhân lực tiếng Nga, tiếng Thái.

Ngoài nguồn học bổng từ quỹ Matrioska do cựu giảng viên, cựu SV khoa Nga và các doanh nghiệp tài trợ, năm học 2015 – 2016, tập đoàn Sungruop đã tài trợ cho Khoa Nga 50 triệu để trao học bổng cho SV giỏi, hoạt động đoàn xuất sắc và vượt khó vươn lên trong học tập.

Riêng ngành tiếng Thái Lan, mỗi năm Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh cùng tập đoàn C.P Thái Lan hỗ trợ 20 suất học bổng cho 20 SV với trị giá 250 USD/suất.

SV năm cuối ngành ngôn ngữ Thái Lan đều được Tổng lãnh sự quán giới thiệu thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp Thái Lan ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh thành lân cận và tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Sau kỳ thực tập, nhiều SV đã được nhận vào làm việc tại các đơn vị này”.                                     

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ