Đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu: Cân đối giữa cung và cầu

GD&TĐ - Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm có nhiều điểm mới quan trọng.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018. Ảnh: TG

Trong đó có quy định về việc xác định nhu cầu đào tạo, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. 

Tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo

Trước những băn khoăn của nhiều người về khoảng cách giữa nhu cầu thực tế và nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở các địa phương, Thứ trưởng nhấn mạnh, ngành Giáo dục có những chuẩn mực về điều kiện tổ chức hoạt động dạy học, số lượng học sinh/lớp học, số lượng giáo viên/lớp; từ đó xác định nhu cầu về đội ngũ giáo viên. Ngành Nội vụ xác định chỉ tiêu biên chế. Chính phủ đã có chỉ đạo về việc xác định chỉ tiêu biên chế trong ngành Giáo dục.

Theo đó, ngành Giáo dục không giống các ngành khác có thể giảm chỉ tiêu biên chế một cách hành chính, mà số lượng giáo viên phải đáp ứng nhu cầu tương ứng với sự gia tăng của dân số và quy mô của trường lớp. Đây là vấn đề chung, Chính phủ vẫn đang chỉ đạo để giải quyết. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ kết hợp với Bộ Nội vụ để đưa ra những đề xuất cụ thể, khi đó sẽ cân đối giữa nhu cầu thực tế và nhu cầu tuyển dụng.

Thực tế cho thấy, nhu cầu tuyển dụng có tính thời điểm và là nhu cầu trước mắt. Đào tạo phải dựa vào nhu cầu giáo viên của 3 - 4 năm sau. Bộ GD&ĐT sẽ làm rõ việc này trong công văn hướng dẫn để giúp địa phương thuận lợi trong việc xác định nhu cầu. Các địa phương cũng lưu ý, khi xác định nhu cầu giáo viên, không chỉ căn cứ vào các trường công lập mà còn cả trường ngoài công lập. Vì thế, phải dựa trên con số thống kê dự đoán về học sinh trong độ tuổi, số lượng lớp học, căn cứ yêu cầu về chuyên môn của Bộ, từ đó sẽ có dự báo về nhu cầu giáo viên tương đối chính xác.

Trao đổi về cơ chế đào tạo giáo viên theo phương thức đặt hàng, đấu thầu, Thứ trưởng chia sẻ, chúng ta có 3 cơ chế: Một là giao nhiệm vụ. Cơ chế này, các cơ quan Nhà nước đã quen thuộc. Thứ hai là đặt hàng. Thứ ba là đấu thầu, đây là hình thức mới, mang tính chất cạnh tranh mạnh nhất. Phương thức này cần thiết đối với địa phương có yêu cầu cao về chất lượng đào tạo giáo viên, từ đó tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo. Cần hiểu tường minh, đây là cơ hội chứ không bắt buộc các địa phương phải lựa chọn hình thức đấu thầu nào.

Ngoài ra, các địa phương có thể giao nhiệm vụ (đối với cơ sở đào tạo trực thuộc), hoặc đặt hàng. Riêng với phương thức đặt hàng, Bộ sẽ có cơ chế phối hợp với các trường, nhằm hỗ trợ địa phương lựa chọn danh sách cơ sở đào tạo theo từng ngành mà địa phương có nhu cầu. Tuy nhiên, quy trình đặt hàng sẽ đơn giản hơn nhiều so với đấu thầu.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tại Hội nghị triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tại Hội nghị triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương.

Giúp hệ thống vận hành tốt hơn

Khẳng định, Nghị định 116/2020/NĐ-CP ra đời có sự thay đổi so với trước đây, Thứ trưởng nhấn mạnh: Thực tế vẫn có ý kiến băn khoăn về việc cân đối giữa nhu cầu và nguồn cung của các trường đại học. Trước kia, chúng ta không có cơ chế hợp tác nào. Các em vào trường đại học, không biết tương lai việc làm ra sao, các địa phương chỉ trông chờ vào lứa sinh viên ra trường để tuyển dụng (nếu có chỉ tiêu). Bây giờ, chúng ta có phương thức đào tạo theo cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là để hệ thống vận hành tốt hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta cần thống nhất về cách tiếp cận Nghị định 116/2020/NĐ-CP đó là, cần sự đổi mới về tư duy trong việc đáp ứng nhu cầu của xã hội trong nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Do vậy, dù là phương thức đào tạo nào cũng không nhìn nhận ở góc độ kinh tế kế hoạch, mà là thúc đẩy tinh thần chủ động của các trường và địa phương. Địa phương cần xác định nhu cầu, công bố công khai nhu cầu; còn các trường công khai năng lực, chất lượng đào tạo. Từ đó tạo ra một hệ thống vận hành trơn tru, cân đối giữa cung và cầu, tạo tiền đề để thu hút sinh viên giỏi theo nghề sư phạm.

Theo Thứ trưởng, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh với Nghị định 116/2020/NĐ-CP có liên quan chặt chẽ với nhau. Các trường thường xác định nhu cầu chỉ tiêu trước, còn Nghị định 116/2020/NĐ-CP giúp thực hiện nhu cầu đó theo hướng tốt hơn và chất lượng cao hơn. Việc xác định chỉ tiêu giáo viên, trước hết từ phía địa phương. Trên cơ sở nhu cầu của địa phương, Bộ sẽ cân đối giữa năng lực đào tạo của các trường và trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, việc đào tạo theo các cơ chế nêu trên dựa trên nguyên tắc: Lấy chất lượng làm hàng đầu trong mọi hoạt động thực hiện Nghị định, bởi mục tiêu chính là tuyển sinh và chất lượng đào tạo tốt hơn, đáp ứng yêu cầu giáo viên của các địa phương.

Mặt khác, phải bảo đảm cân đối cung và cầu. Các giải pháp, đề xuất được đưa ra chính là nhằm tối ưu hóa, cân đối tốt nhất giữa nhu cầu tuyển dụng, sử dụng với năng lực, chỉ tiêu đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên. Tất nhiên, Nghị định 116/2020/NĐ-CP không thể giải quyết triệt để về đảm bảo cân đối cung - cầu. Chúng ta cần tôn trọng cơ chế thị trường, lựa chọn của người học và quy trình tuyển dụng. Nhưng rõ ràng, sự cân đối cung - cầu sẽ tốt hơn so với khi chưa có chính sách trong Nghị định này.

Bên cạnh đó, cần công khai minh bạch về tiêu chí và cung - cầu. Các trường công khai rõ tình hình tuyển sinh năm trước, năng lực, chất lượng đào tạo để địa phương và người học cùng đánh giá, lựa chọn.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi, giao nhiệm vụ là phương thức đơn giản nhất, sau đó đến đặt hàng và cuối cùng là đấu thầu. Nghị định 116/2020/NĐ-CP đưa ra các cơ chế khác nhau để địa phương lựa chọn, chứ không bắt buộc địa phương phải chọn phương thức nào. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.