Đào tạo giáo viên mầm non: Hướng đến chất lượng cao

GD&TĐ - Mầm non là bậc học ngày càng được quan tâm nhiều. Thời gian qua, việc xây dựng các chương trình đào tạo và ban hành các chế độ cải thiện thu nhập cho giáo viên mầm non cũng nói lên điều đó. Đặc biệt, đào tạo giáo viên mầm non không chỉ bảo đảm chất lượng mà hướng đến chất lượng cao.

Một giờ học của trẻ Trường Mầm non thực hành Hoa Sen, Trường CĐSP Trung ương
Một giờ học của trẻ Trường Mầm non thực hành Hoa Sen, Trường CĐSP Trung ương

Tham chiếu quốc tế

Có lẽ chưa có nhiều cơ sở đào tạo giáo viên mầm non đưa ra hướng đào tạo chất lượng cao, nhưng Trường CĐSP Trung ương đã có ý tưởng thực hiện việc này từ nhiều năm nay. TS Đặng Lộc Thọ - nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Trung ương, chia sẻ: Trường CĐSP từng tiên phong triển khai Chương trình đào tạo giáo viên mầm non chất lượng cao, phát triển trên cơ sở phân tích, so sánh giữa chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo đang được áp dụng ở một số trường đại học tiên tiến trên thế giới (Singapore, Australia, Đan Mạch) với tinh thần tiếp thu, điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá, tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Mục tiêu chương trình đào tạo rõ ràng và cụ thể, hướng đến chất lượng quốc tế. Cụ thể, sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức; có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, chủ động trong giải quyết vấn đề thực tiễn nghề nghiệp và thích ứng với sự thay đổi của môi trường làm việc; đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ tiếng Anh trình độ bậc 3 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT- và trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản được quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.

TS Đặng Lộc Thọ cho biết thêm: Chương trình tuyển những sinh viên trúng tuyển vào ngành Giáo dục mầm non của Trường CĐSP Trung ương có điểm thi/xét tuyển sinh cao hơn hoặc bằng mức điểm chuẩn trúng tuyển đầu vào của ngành Giáo dục mầm non đào tạo chất lượng cao, lấy từ cao xuống thấp theo chỉ tiêu. Trường xây dựng các học phần bắt buộc và có mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy (trường có quan hệ hợp tác với các Trường Đại học UCZ, UCC, UCN của Đan Mạch; Đại học Victoria – Australia, tổ chức SIF của Singapore...). Tăng cường các học phần tự chọn theo hướng mở, trong đó có nhiều học phần có thể học trực tuyến, mời chuyên gia và giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy.

Năng lực đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng nuôi dạy trẻ
Năng lực đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng nuôi dạy trẻ 

Và cầm tay chỉ việc

Từ thực tế dạy và học tại các trường mầm non hiện nay cho thấy, giáo viên về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu chung. Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng là dùng đội ngũ giáo viên cốt cán có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ cho các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ trong nhà trường, đặc biệt là nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên mới vào nghề. Theo TS Nguyễn Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Sen (Trường CĐSP Trung ương): Các giáo viên có kinh nghiệm bồi dưỡng cho giáo viên mới vào nghề là cách thực hành tốt nhất. Trực tiếp là cô giáo hiểu tâm tính của trẻ cũng như có những bài học kinh nghiệm hay. Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên mới vào nghề sẽ giúp họ hiện thực hoá lý thuyết học trong trường.

Trong đào tạo GVMN cũng có các giờ thực hành tại trường mầm non, nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi. Thiết nghĩ, việc động viên đội ngũ này tham gia nâng cao chất lượng đào tạo GVMN là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải có chính sách để những giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm hay có điều kiện để phát huy năng lực của họ. Thêm nữa, hướng đến đào tạo chất lượng cao thì việc tăng cường phối hợp thực hành cần được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hơn, tránh việc hình thức trong thực tập nghề, đặc biệt là lĩnh vực hết sức nhạy cảm và quan trọng như nuôi dạy trẻ. 

Quan trọng hơn cả là việc “cầm tay chỉ việc”. Với thực tế sinh động ở một lớp học tiếp xúc trực tiếp với học sinh cũng sẽ giúp các cô giáo hiểu biết nhiều hơn về đặc thù của ngành, nghề cùng kỹ năng cần thiết. Hơn ai hết, những cô giáo đã dày dạn kinh nghiệm trong nuôi dạy trẻ ở các nhà trường là những nhà thực hành tốt nhất.

Nếu như các giáo sinh mầm non mới ra trường còn bỡ ngỡ về kỹ năng thì nhờ có lối cầm tay chỉ việc, các bạn sẽ sớm làm quen với công việc được giao với chất lượng và hiệu quả. Đây là bài học thực tế được thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương, quận Ba Đình, TP Hà Nội, chia sẻ.

Được coi là bậc học quan trọng, giáo dục mầm non có vai trò định hình tạo lập thói quen, định hướng phát hiện các tố chất giúp bé phát triển toàn diện hơn. Khi nhu cầu nuôi dạy trẻ ngày càng lớn, hệ thống các trường lớp và nhóm trẻ mầm non nhiều thêm thì vấn đề đặt ra chất lượng đội ngũ cần phải tương xứng với quy mô. Đặc biệt, là việc xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non chất lượng cao. Bên cạnh việc dạy lý thuyết thì lối truyền nghề “cầm tay chỉ việc”, lấy giáo viên giỏi truyền nghề cho giáo viên trẻ là cách làm mang lại hiệu quả tích cực nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?