Đắk Nông phân luồng học sinh THCS: Thiếu chính sách khuyến khích HS học nghề

GD&TĐ - Phân luồng học sinh sau THCS đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Qua 5 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phân luồng sau THCS tại tỉnh Đắk Nông vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn nhất định.  

Trường THCS Nguyễn Chí Thanh ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) lồng ghép kiến thức hướng nghiệp trong các tiết học mỹ thuật
Trường THCS Nguyễn Chí Thanh ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) lồng ghép kiến thức hướng nghiệp trong các tiết học mỹ thuật

Những kết quả bước đầu

Thực hiện công tác phân luồng học sinh THCS, thời gian qua ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đã tập trung tích hợp qua các môn học, qua hoạt động dạy nghề phổ thông, giới thiệu các ngành nghề và hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Trong hoạt động hướng nghiệp, các nhà trường dạy theo các chủ đề và với thời lượng 9 tiết/tuần. Một số trường học phối hợp với các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề tư vấn chọn nghề, tư vấn tuyển sinh cho học sinh.

Công tác xây dựng cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ công tác hướng nghiệp phân luồng sau THCS được quan tâm. Một số huyện đã ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trường lớp đáp ứng cơ bản hoạt động dạy và học trong các nhà trường. Một số cơ sở giáo dục đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học hướng nghiệp. Một số trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm GDTX, giáo dục nghề nghiệp và trường trung cấp nghề mở rộng quy mô đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với địa phương, gắn định hướng nghề nghiệp tại địa phương.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác phân luồng học sinh THCS đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau THCS từng bước được nâng lên. Số học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT bình quân chiếm trên 89%. Số học sinh vào trung tâm GDTX học THPT bình quân chiếm tỷ lệ 2,34%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp vào học trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề ngày càng tăng, bình quân chiếm 1,28%. Số học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác bình quân chiếm 2,62%.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác huy động học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn phụ huynh có nguyện vọng cho con em sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT. Đội ngũ giáo viên các trường và trung tâm dạy nghề có trình độ nghề giỏi còn thiếu. Số lượng học sinh dự tuyển vào các trường và trung tâm nghề còn khiêm tốn. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm. Công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường THCS còn hạn chế do đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn nghề chưa được đào tạo chuyên sâu…

Bên cạnh đó cũng có một số trường chưa thật sự quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp, chủ yếu tập trung để hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục và gần như không có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn. Cơ chế chính sách về phân luồng chưa đầy đủ, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, cơ chế phân luồng vẫn còn thiếu những chính sách khuyến khích, thu hút học sinh học nghề.

Xác định được vai trò và tầm quan trọng của công tác phân luồng sau THCS, Sở GD&ĐT Đắk Nông đã đề ra kế hoạch cụ thể để khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay. Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GĐ&ĐT cho biết: “Mục tiêu chung của toàn ngành trong thời gian tới là giúp học sinh cuối cấp tìm hiểu thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động và đánh giá năng lực bản thân. Giáo viên và các nhà trường hướng dẫn học sinh lựa chọn nghề nghiệp, trường học hoặc ngành học phù hợp với năng lực cá nhân và yêu cầu của xã hội. Cùng với đó, ngành tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Toàn, trên cơ sở mục tiêu chung, ngành Giáo dục phấn đấu có trên 80% trường THCS có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại địa phương. Toàn tỉnh có trên 80% trường THCS có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Toàn tỉnh có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ