Đại học online sẽ vận hành như thế nào?

GD&TĐ - Thông tin Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) dự kiến ra mắt đại học online vào tháng 3/2019 dành cho tất cả đối tượng muốn học tại trường, trong đó học sinh có thể học tích luỹ một số tín chỉ của trường từ năm lớp 12 theo hình thức online đã tạo sự chú ý của dư luận. Vậy nhà trường sẽ tiến hành như thế nào? Xung quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường.  

PGS.TS Đỗ Văn Dũng
PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Nhà trường đã chuẩn bị những điều kiện như thế nào để mở phương thức học này, thưa ông?

- Học online là xu thế của thời đại số và đã diễn ra trong những năm vừa qua. Với sự hình thành của các khóa “MOOC – Massive  Open Online Courses”  của nhiều trường ĐH và các công ty, sự ra đời của EdX của MIT và Harvard University, Ed Plus của ASU đã triển khai thành công dạy học online. Văn hóa làm việccủa con người có sự thay đổi rõ nét trong kỷ nguyên số.

Khi người ta sử dụng smartphone nhiều hơn, công nghệ kết nối Internet tốc độ cao như mạng 5G ra đời, các công nghệ xử lý hình ảnh, mô phỏng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo là tiền đề cho việc triển khai tạo nền tảng dạy học online nói chung hay là mobile nói riêng…

Có thể nói việc học ngày nay không còn phụ thuộc vào khoảng cách địa lý, người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian đi lại khi không cần đến các lớp học truyền thống, giúp các trường ĐH không cần tốn kinh phí xây dựng các phòng học và giảm áp lực lên hệ thống giao thông đô thị.  

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có một điều kiện thuận lợi là từ năm 2013, trong khuôn khổ của dự án HEEAP (Higher Engineering Education Alliance Program) do Intel Việt Nam, ASU - ĐH bang Arizona, USAID đã đưa vào sử dụng Phòng dạy số và ký hợp đồng triển khai flipped class thông qua hệ thống quản lý học tập (Learning Management System - LMS) online của công ty Pearson Education (Hoa Kỳ).

Kể từ đó, văn hóa dạy học kết hợp (blended, flipped teaching) đã được xác lập với con số kỷ lục về số lượng bài giảng (9.000) cung cấp trên trang LMS và số lượt giảng viên và sinh viên truy cập (5 triệu lượt người). Trong năm học 2017-2018, trường đã ký hợp đồng sử dụng Black Board - nhà cung cấp LMS hàng đầu thế giới.

Từ nền tảng như vậy,  HCMUTE trong suốt 5 năm qua đã dần hình thành văn hóa dạy học theo kiểu mới, theo kiểu lớp học đảo ngược thông qua trang LMS,  chuyển sang hình thức học theo dự án - project based learning, học trải nghiệm (learning by making), vai trò của người thầy từ chỗ dạy học - teaching thành hướng dẫn - coaching sinh viên tìm kiếm nguồn thông tin và áp dụng thông tin tìm được để chế tạo ra các sản phẩm và giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp đặt ra.

Sau  2 năm chuẩn bị, trong tháng 3/2019, Trường sẽ khai trương trường đại học ảo, đại học online gọi là UTE-X. Virtual University UTE-X sẽ hoạt động song hành với HCMUTE thật (Physical University).

Khácvới Online University là Physical University có giảng viên, có dụng cụ thí nghiệm,... để làm dự án, để thí nghiệm , để thực hành,... còn toàn bộ các bài giảng lí thuyết và mô phỏng sẽ đưa lên hệ thống ĐHOnline của nhà trường.

Như vậy, UTE-X không những cung cấp các khóa học online cho sinh viên mà còn cung cấp các khóa học online cho tất cả mọi người ở Việt Nam và trên thế giới.

- Việc công nhận chất lượng của mô hình GD online này là vấn đề được đặt ra trong nhiều hội thảo. Về phía nhà trường, đơn vị khởi xướng mô hình này, PGS có thể chia sẻ thêm những lưu ý trong việc học trực tuyến các môn này?

- Ở Việt Nam, chúng ta đang có một quan niệm sai lầm về học online, học trực tuyến, học số… Người ta cho vào một gói chung là học từ xa, chất lượng đào tạo kém hơn face to face. Nhưng thực sự ở Mỹ thì các sinh viên đánh giá chất lượng học online rất tốt, nếu lực lượng thầy cô giáo được kiểm soát chặt chẽ vào dạy online. UTE-X sẽ kiểm soát chặt chẽ khi sinh viên đăng nhập vào mạng lúc nào ra lúc nào, trả lời bài tập như thế nào, làm bài tập như thế nào…

Thêm một yếu tố nữa là các khoá học của UTE-X sắp tới triển khai, chúng tôi đã nghiên cứu rằng nếu dạy giống như lớp học truyền thống mà kéo dài 45 phút, 50 phút như từ trước đến nay thì người học trên smartphone sẽ mau nản và sẽ chuyển sang Facebook... Cho nên chúng tôi có xu thế chia nhỏ các khoá học online thành những modun ngắn từ 10 - 15 phút. Như vậy chúng ta sẽ tận dụng những người giỏi trên toàn thế giới trong một ngày họ chỉ cần lên trên UTE-X giảng bài 10 - 15 phút.

- Ông có nghĩ rằng, một lúc nào đó mô hình ĐH online này sẽ ảnh hưởng, thậm chí triệt tiêu mô hình ĐH truyền thống của nhà trường hay không?

- Đó là điều chắc chắn. Xu thế của thời đại mà ở các nước người ta minh chứng rồi. Ở Việt Nam, một phần do rào cản tư duy của giảng viên, tư duy của lãnh đạo các trường nên chưa theo kịp với thời đại. Chính đại học online UTE-X mở ra để tạo áp lực cho các giảng viên đang dạy ĐH theo kiểu truyền thống, đây là một áp lực không nhỏ. Khi nhà trường công nhận cả 2 hình thức nhưng không ép tất cả giảng viên dạy online mà khi một môn học nào đó nhà trường sẽ cho song hành vừa cho SV đăng kí học trên online, học full online hoặc là dạy face to face theo kiểu cũ…

Nếu phương pháp dạy online tiện cho sinh viên hơn, tạo điều kiện cho các em ở nhà học cũng được hoặc là ở quê cũng được… lúc đó số lượng đăng kí nhiều hơn thì các lớp học truyền thống sẽ kém đi. Khi đó, giảng viên bắt buộc chuyển từ hình thức truyền thống sang online, điều này sẽ tạo một áp lực và tính cạnh tranh lành mạnh cho xu thế mới của thời đại.

Xin cám ơn PGS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ