Đại học giữa xu thế Giáo dục khai phóng và STEM

GD&TĐ - Trong năm năm trở lại đây, có hai xu thế giáo dục đang được nhiều trường ĐH trên thế giới và một số trường ở Việt Nam lựa chọn nhằm xây dựng triết lý căn bản cho hệ thống đào tạo của mình. Đó là xu thế Giáo dục khai phóng (Liberal Arts) và STEM.

Đại học giữa xu thế Giáo dục khai phóng và STEM

Những xu thế giáo dục đang định hình

STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). STEM về bản chất được hiểu là hệ thống giáo dục tích hợp giúp trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Các kiến thức và kỹ năng này phải được lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp người học không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành.

Ngoài ra, người học còn được trang bị những kỹ năng hữu ích: tư duy phản biện, kỹ năng làm việc theo dự án, năng lực tiếp thu văn hóa công nghệ và thông tin truyền thông, tính sáng tạo…

Giáo dục khai phóng (GDKP) còn có tên gọi giáo dục tổng quát, là một triết lý giáo dục nhấn mạnh vai trò của giáo dục toàn diện, nhằm phát triển năng lực trí tuệ, khả năng suy luận sâu sắc và độc lập, các kỹ năng nói, viết và thuyết phục người khác, dựa trên nền tảng hệ thống kiến thức rộng bao gồm những hiểu biết về lĩnh vực khoa học xã hội, nghệ thuật và khoa học tự nhiên. Các môn học cấu thành nên là triết học, mỹ học, ngôn ngữ học, văn học, lịch sử, khoa học, toán học…

Xem xét sự hình thành và phát triển của lịch sử giáo dục ĐH thì các trường theo định hướng GDKP ở Mỹ đã có truyền thống rất lâu đời. Bà Đàm Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường ĐH Fulbright Việt Nam cho rằng mô hình này rất hưng thịnh ở Mỹ khoảng 50 năm trước nhưng có một giai đoạn không còn được như vậy do nhu cầu tìm việc làm tăng lên.

Hiện tại xu hướng này đang quay trở lại. Theo thống kê, có 230/4.500 trường ĐH ở Hoa Kỳ theo mô hình GDKP. Khoảng 20% sinh viên ra trường thành công xuất thân từ các ĐH khai phóng. Cứ 12 giám đốc điều hành thành công tại Mỹ có 1 người xuất thân từ ĐH khai phóng.

Ở Việt Nam, nhiều cơ sở ĐH cũng cập nhật xu hướng này. Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV), thành lập năm 2016, định hướng giảng dạy theo mô hình GDKP. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM rất quan tâm đến xu hướng GDKP, đang xây dựng và thực hiện phương châm “Giáo dục toàn diện – Khai phóng – Đa văn hóa”…

Trong khoảng hai thập niên gần đây, giáo dục STEM đã trở nên phổ biến ở Mỹ và một số nước trên thế giới. Một số trường ĐH còn thành lập các cơ sở nghiên cứu về xu hướng này, tiêu biểu như Viện nghiên cứu giáo dục STEM, ĐH Missouri (Hoa Kỳ).

Nhiều nước phát triển đang xây dựng và áp dụng chương trình STEM từ cấp học thấp nhất là mầm non, tiểu học. Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến giáo dục STEM, dự định bổ sung cả yếu tố nghệ thuật (Arts) vào mô hình này (viết tắt là STEAM).

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã giao cho Bộ GD&ĐT thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017 – 2018 và nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học.

Cần sự nhận diện đúng đắn

Giáo dục STEM không nhắm vào mục đích cụ thể là đào tạo người học thành nhà khoa học mà là bước chuẩn bị quan trọng giúp họ hình thành năng lực và phẩm chất của một công dân toàn cầu. STEM chú trọng việc ứng dụng thực tiễn các lý thuyết khoa học, vận dụng hệ thống tri thức liên ngành để tạo ra sản phẩm và kết nối các mối quan hệ trong thế giới phẳng.

“Thế giới đang chuyển mình sang cách mạng công nghiệp 4.0, với đặc trưng tích hợp những ngành nghiên cứu, làm thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực.

Giáo dục STEM giúp cho người học nhận thức đầy đủ nhu cầu bậc cao của xã hội hiện đại. Nếu không thực hiện giáo dục STEM thì khó đáp ứng sự phát triển kinh tế” – TS Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây (Western University, Hà Nội) chia sẻ.

Còn bà Đàm Bích Thủy – Hiệu trưởng Trường ĐH Fulbright Việt Nam cho rằng GDKP không phải là giảng dạy các môn nghệ thuật hay khoa học xã hội thuần túy, mà nên hiểu khái niệm này như một triết lý, một phương pháp đào tạo ra con người tự do và toàn diện.

GDKP càng không phải mô hình của Mỹ. Triết lý khai phóng vốn dĩ xuất phát từ nền văn minh Hy Lạp- La Mã cổ đại.

Sứ mệnh GDKP là dạy cho người học tư duy hoàn thiện thông qua khả năng diễn đạt ngôn ngữ, trình bày ý tưởng và xây dựng tinh thần học tập suốt đời.

“Đó là sự tò mò lành mạnh, sẵn sàng đáp ứng bất kỳ sự thay đổi nào, dù ngày mai máy móc có thể thay thế con người trong nhà máy” – bà Đàm Bích Thủy nhận xét.

Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá hai xu hướng giáo dục trên hoàn toàn không hề phủ định lẫn nhau. Dù là STEM hay khai phóng cũng đều hướng đến mục tiêu khơi dậy ở người học “lòng hiếu tri bất khuất” và tâm thế chủ động, sẵn sàng làm những công việc sẽ xuất hiện trong tương lai.

Theo TS Đàm Quang Minh, ở bình diện rộng hơn, STEM tạo ra sản phẩm giúp xã hội giàu có, kinh tế phát triển nhưng GDKP đảm nhận vai trò xây dựng trách nhiệm công dân, hình thành không gian tranh luận văn minh, nâng cao ý thức xã hội, củng cố văn hóa và thúc đẩy tự do học thuật.

Ông cho rằng các trường theo định hướng khoa học xã hội hay tự nhiên cũng phải cân bằng giữa hai xu hướng giáo dục trên.

Phòng thí nghiệm công nghiệp của một trường ĐH
Phòng thí nghiệm công nghiệp của một trường ĐH

Các trường ĐH tiếp cận như thế nào?

Nhiều trường ĐH ở Việt Nam xem STEM là kỳ vọng để tạo ra cú hích trong đổi mới giáo dục. Các cơ sở giáo dục bậc cao đã triển khai những chính sách liên kết quốc tế, chú trọng kỹ năng thực hành, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, chuẩn hóa chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực và thế giới.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM được tạp chí Forbes Việt Nam đưa vào nhóm vài chục trường đại học đang áp dụng phương pháp học tập theo nhóm hay dự án – một cách tiếp cận liên ngành của STEM.

Nhà trường thay đổi phương pháp giảng dạy từ năm 2012, xem “sinh viên là trung tâm và giáo viên đóng vai trò hướng dẫn. Sự thay đổi này biến giáo viên trở thành người phục vụ, giúp sinh viên tự chủ hơn về kiến thức và thực hành” – TS Châu Minh Quang – Trưởng Khoa Cơ khí Trường ĐH Công nghiệp nói với Forbes.

Năm 2009, để tuyển dụng nhân sự cho nhà máy sản xuất linh kiện chíp bán dẫn được rót vốn đầu tư một tỉ đô la Mỹ, tập đoàn Intel phỏng vấn 2.000 ứng viên đến từ các trường đào tạo hàng đầu của Việt Nam nhưng chỉ có 40 ứng viên từ các cơ sở đào tạo đáp ứng được yêu cầu. Intel bắt đầu liên kết với Trường ĐH bang Arizona, lập ra dự án giáo dục HEEAP. HEEAP mang mục tiêu thay đổi phương pháp giảng dạy các ngành kỹ thuật từ hình thức học tập lý thuyết, thụ động sang hình thức học tập chủ động, kết hợp thực hành theo dự án và giải quyết vấn đề.

Trường ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là những trường ĐH đầu tiên hợp tác cùng chương trình này vì nhận thức được STEM trở thành đòi hỏi cấp thiết với giáo dục Việt Nam khi Chính phủ có chủ trương chuyển dịch nền kinh tế nông nghiệp thành nền kinh tế công nghệ cao.

Ở một chiều hướng khác, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, một dự án hợp tác giáo dục lớn của Chính phủ hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, vừa mới thành lập năm 2016 đã xác định đi theo mô hình GDKP. Bà Đàm Bích Thủy cho biết, trong 2 năm đầu tiên, sinh viên sẽ được học tập và trải nghiệm mọi môn học để tìm hiểu và xác định đam mê trước khi lựa chọn chuyên ngành. Việc học tập không chỉ gói gọn ở khuôn khổ lớp học, mối quan hệ giữa thầy và trò diễn ra rất dân chủ. Thầy và trò luôn chất vấn lẫn nhau trong suốt cả quá trình học.

Vấn đề của các trường ĐH hiện nay không phải là tranh luận về tính chân lý của STEM hay GDKP mà nên nghiên cứu, tham khảo để tìm phương hướng lồng ghép hài hòa những nhân tố tích cực từ hai xu hướng giáo dục trên vào chương trình giảng dạy nhằm đem lại những kết quả giáo dục tốt nhất, phản ảnh qua năng lực, kiến thức lẫn thái độ của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ