Đại biểu Quốc hội: Cần đặc biệt coi trọng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

GD&TĐ - Quan tâm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, có giải pháp thu hút nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ… là những góp ý tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu khu vực ĐBSCL với Đại hội XIII của Đảng.

Ảnh minh họa: Ảnh: B. Phú
Ảnh minh họa: Ảnh: B. Phú

Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, đại biểu Thạch Phước Bình, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị: Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, đề nghị Trung ương cần đặc biệt coi trọng hơn nữa vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Chú trọng học đi đôi với hành, gắn liền lý luận với thực tế.

Cần đẩy mạnh rà soát, quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các trường đại học để hình thành các đại học lớn, có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế; hướng đến sắp xếp hoặc giải thể các trường đại học, cao đẳng có chất lượng thấp...

Trung ương cũng cần có chỉ đạo, định hướng công tác dạy nghề phải sát hợp với nhu cầu thực tế xã hội và định hướng phát triển của từng địa phương. Từ đó nâng cao tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo, hạn chế tình trạng làm việc trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó cần chú trọng đến việc phát triển thể lực, thể hình, tư duy, thẩm mỹ con người Việt. Đồng thời, sớm có biện pháp kiểm soát sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng xấu đến truyền thống, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. Cần phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, dòng họ trong nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ. Chú trọng các chương trình phục hồi, bảo tồn các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một…

Quan tâm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Ảnh: B. Phú.
Quan tâm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Ảnh: B. Phú.

 Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đề nghị  cần quan tâm đến các giải pháp thu hút nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, hiện nay việc đầu tư và phát triển còn thiếu đồng bộ; công nghiệp phụ trợ cũng chưa được quan tâm; chính sách công nghiệp chưa mang tính định hướng thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mong muốn, chính sách không theo kịp với thực tế, chưa thấy được tính bền vững chính sách; du lịch cũng còn bỏ ngỏ, chưa tận dụng được cơ hội; thất thu thuế nhiều; chưa mạnh dạn đổi mới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập…

Để khắc phục tình trạng trên, định hướng phát triển trong 5 năm tới cần quan tâm tập trung phát triển công nghệ số để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trong nước, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm xuất khẩu.

Xây dựng chính sách mang tính định hướng để thu hút đầu tư, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mang tính bền vững. Tập trung nhiều cho du lịch trong nước, du lịch xanh, du lịch kết hợp điều trị bệnh. Bên cạnh đó,  một số chỉ tiêu phát triển cụ thể như tỷ lệ lao động qua đào tạo hay chỉ tiêu nước sạch nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng… cần cân nhắc để xác định mức khả thi, phù hợp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ