Đại biểu Quốc hội ấn tượng với kết quả của ngành Giáo dục

GD&TĐ - Nhân dịp đầu Xuân, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với thầy Lê Tuấn Tứ - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa về một số kết quả nổi bật của ngành Giáo dục cũng như những nhiệm vụ trọng tâm trong năm mới 2017.

Năm 2016, ngành GD&ĐT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ
Năm 2016, ngành GD&ĐT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ

Năm 2016 đã khép lại, nhìn lại một năm qua thầy có nhận xét gì về những kết quả mà ngành giáo dục đã đạt được.

 Theo tôi, quan trọng nhất là Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ sửa đổi những quy định không còn phù hợp đối với ngành Giáo dục như: phụ cấp thâm niên cho cán bộ quản lý đang công tác tại các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT mà trước đây là giáo viên; nâng phụ cấp cho nhân viên cấp dưỡng công tác tại trường mầm non…
Thầy Lê Tuấn Tứ

- Năm 2016, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-TW/BCH về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; toàn Ngành đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Thứ nhất, tôi rất đồng tình chủ trương đổi mới, điều chỉnh của Bộ GD&ĐT trên một số lĩnh vực quản lý như: điều chỉnh Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học bằng Thông tư 22 phù hợp thực tế hơn;

Thứ hai, việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia rất tốt, bảo đảm tính khách quan, công bằng, đánh giá đúng thực chất trình độ học sinh; đã khắc phục được một số tồn tại của kỳ thi này trong năm 2015 và được toàn xã hội ủng hộ, tin tưởng;

Thứ ba, chủ trương giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục mạnh hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục chủ động trong tuyển sinh, thực hiện chương trình đào tạo phù hợp thực tế; chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên và có chuyển biến tích cực;

Thứ tư, nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập được tiếp tục triển khai sâu rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được học tập nâng cao trình độ; công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được duy trì vững chắc và được các cấp, các ngành ở địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt kết quả.

* Thưa thầy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 là tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Vậy Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã có bước chuẩn bị như thế nào trong công tác này?

  Thầy Lê Tuấn Tứ

- Ngay từ khi Bộ GD&ĐT có chủ trương đổi mới Kỳ thi THPT Quốc gia, Sở GD&ĐT đã tuyên truyền để học sinh, phụ huynh có nhận thức đúng đắn, ủng hộ việc đổi mới thi cử; từ đó, các trường phối hợp tốt với phụ huynh để thực hiện các giải pháp tổ chức dạy học đáp ứng các yêu của của kỳ thi.

Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo các trường tiếp tục đổi mới việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học; quán triệt cho giáo viên quan điểm, dù hình thức thi cử có đổi mới như thế nào, nhưng vẫn cần bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng nội dung để truyền đạt cho học sinh; tránh tình trạng học lệch, học tủ; chỉ đạo việc kết hợp đánh giá theo hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan phù hợp.

Về chuẩn bị cho công tác tổ chức kỳ thi, sau khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở sẽ xây dựng phương án thành lập các hội đồng thi; trong đó, quan tâm đặc biệt hơn đối với công tác sao in đề thi bảo đảm an toàn, chính xác, bảo mật và tránh những sai sót vì năm nay việc sao in đề thi có thể sẽ phức tạp hơn so với những năm trước.

Bộ GD&ĐT đang có ý tưởng sẽ thu nhỏ lại mạng lưới các trường sư phạm, chỉ để lại trên dưới 10 trường và sẽ lựa chọn ra 2 trường trọng điểm để có thể nâng cấp thành 2 trường sư phạm quốc gia. Vậy quan điểm của thầy về vấn đề này?

- Trong những năm qua, việc cho nhiều trường mở ngành sư phạm, trong dó có những trường không có truyền thống đào tạo ngành sư phạm dẫn đến dư thừa giáo viên và không bảo đảm chất lượng.

Do đó, tôi rất ủng hộ chủ trương Bộ GD&ĐT xây dựng mạng lưới các trường sư phạm và chỉ để lại trên dưới 10 trường đào tạo ngành sư phạm và chọn ra 2 trường trọng điểm để nâng cấp thành 2 trường sư phạm quốc gia.

Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, ngành Giáo dục vẫn còn những hạn chế, bất cập. Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, thầy có đề xuất gì trong năm 2017 để GD&ĐT từng bước hạn chế được những khó khăn bất cập? Và tỉnh Khánh Hòa sẽ có những giải pháp trọng tâm nào để thực hiện nhiệm vụ của Ngành.

- Trước hết, tôi ủng hộ 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu ra trong báo cáo phương hướng nhiệm vụ năm học 2016-2017. Nếu chúng ta thực hiện được các nhiệm vụ đó thì sẽ hạn chế được những khó khăn, bất cập của ngành Giáo dục hiên nay.

Đối với ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa, để thực hiện nhiệm vụ của Ngành đạt kết quả cao, chúng tôi triển khai 6 giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh để tham mưu, đề xuất những chính sách về đầu tư về cơ sở vật chất; trong đó, quan tâm tăng cường cơ sở vật chất để huy động trẻ 12 đến 36 tháng tuổi đến lớp; hỗ trợ học bổng cho học sinh người dân tộc thiểu số; mua sắm trang thiết bị dạy học cho các cấp học phục vụ việc đổi mới chương trình sắp tới.

Thứ hai, đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý giáo dục trên nền tảng nâng cao việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên bằng các hình thức, nội dung phù hợp, thiết thực đáp ứng việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ ba, phối hợp với sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông, trung cấp, cao đẳng và giáo dục thường xuyên.

Thứ năm, các trường học làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; xây dựng mô hình phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để đào tạo kỹ năng nghề trong chương trình hướng nghiệp góp phần phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT.

Thứ sáu, tăng cường công tác xã hội hóa trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý giáo dục và dạy học; đẩy mạnh việc bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo Đề án 2020 đáp ứng việc dạy học tiếng Anh đạt kết quả.

Xin cảm ơn thầy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ