Đa dạng hóa hình thức giáo dục đạo đức cho học sinh

GD&TĐ - Đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa là hình thức được nhiều trường lựa chọn, nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, từ đó giúp các em có lối sống tích cực và lành mạnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc (Hà Giang), tình trạng tảo hôn ở địa bàn trong những năm qua đã giảm đáng kể. Có được thành quả trên, phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các ban, ngành, trong đó có ngành GD-ĐT.

Hàng năm, Phòng GD chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, về sức khỏe sinh sản đến học sinh, phụ huynh.

Cô Lê Thị Kim Tho – Hiệu trưởng Trường THCS Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc – Hà Giang), trường thường xuyên, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đoàn, đội, câu lạc bộ, tổ, nhóm, giờ chào cờ, sinh hoạt lớp... Cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, đối với học sinh.

Phổ biến, tuyên truyền đạo đức lối sống được các trường lồng ghép qua các cuộc thi, kịch nói. Ảnh minh họa
Phổ biến, tuyên truyền đạo đức lối sống được các trường lồng ghép qua các cuộc thi, kịch nói. Ảnh minh họa

Trường tổ chức các buổi tuyên truyền bằng các hình ảnh trực quan như: những người mẹ ốm yếu, đứa con sinh non, suy dinh dưỡng do người bố, mẹ chưa phát triển hoàn thiện đã sinh con… Sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh về chủ đề hậu quả về tảo hôn trong mắt em. Các bức tranh được trưng bày và treo tại các khu sinh hoạt nội trú của học sinh.

Bên cạnh đó, trường thành lập các đôi bạn cùng đồng hành và chia sẻ (đôi bạn cùng giới) để có thông tin kịp thời từ phía học sinh đến giáo viên chủ nhiệm hoặc tổ tư vấn nếu bạn mình có ý định tảo hôn và kịp thời ngăn chặn.

“Tảo hôn sẽ gây ra nhiều hậu quả lâu dài và rất nghiêm trọng cho cả gia đình, nòi giống dòng họ và cả xã hội, là trở lực ngăn cản xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Những hoạt động thiết thực, sẽ giúp học sinh có nhận đúng đắn, từ đó bài trừ những hủ tục lạc hậu của địa phương”, cô Tho nói.

Đa dạng hình thức

Em Hoàng Mai Bảo - học sinh lớp 7 tại một trường THCS trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) chia sẻ, mỗi khi được nhà trường tổ chức các buổi ngoại khóa, Bảo cảm thấy rất hào hứng.

"Thông qua những buổi ngoại khóa, giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức bổ ích, xóa đi mệt mỏi sau những tiết học căng thẳng trên lớp. Bên cạnh đó, tình cảm bạn bè trong lớp và thầy cô trở nên gắn kết hơn rất nhiều", Bảo nói.

Thầy Nguyễn Đình Cư – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Mai II (Hà Đông – Hà Nội) cho biết, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học.

Do đó, trường thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, tuyên tuyền về lịch sử, truyền thống của nhà trường, địa phương và đất nước...

“Giáo dục đạo đức, lối sống được lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần và các tiết học. Nhà trường luôn trú trọng đến hoạt động ngoại khóa của học sinh bằng việc tổ chức cho các em đi tham qua các di tích lịch sử, tổ chức sân chơi trí tuệ...

Đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh rèn luyện được kỹ năng, lối sống tích cực. Ảnh minh họa
Đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh rèn luyện được kỹ năng, lối sống tích cực. Ảnh minh họa

Đối với học sinh tiểu học, không nên nặng nề, trên tinh thần vừa học vừa chơi. Thông qua những hoạt động, các em sẽ cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống, từ đó chăm ngoan, phấn đấu hơn”, thầy Cư nói.

Theo ông Hoàng Mạnh Cường – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ (Hà Nội), các trường học đều có kế hoạch hoạt động ngoại khóa. Hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh là nội dung cơ bản để đánh giá học sinh các cấp thông qua hạnh kiểm, môn học Giáo dục Công dân và các hoạt động thực tế.

Nhiều năm nay, thành phố triển khai bộ sách “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”. Những hoạt động sẽ triển khai vào từng thời điểm cho phù hợp.

Ví dụ vào dịp 27/7, tổ chức cho học sinh ra thắp hương, dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ, động viên các gia đình chính sách, bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Qua những hoạt động này, học sinh sẽ hiểu hơn truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, từ đó sống có trách nhiệm, có ý nghĩa trong cuộc sống.

“Trên địa bàn huyện có đền Hát Môn, thờ Hai Bà Trưng, hàng năm các trường đều tổ chức cho học sinh tới đây tham quan, giúp các em nắm được lịch sử, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc.

Phòng GD cũng yêu cầu nhà trường thường xuyên lồng ghép các chương trình giáo dục bổ ích, gẫn gũi vào  tiết học trên lớp, giúp hoc trò biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau. Sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh, nhà trường và xã hội sẽ giúp các em có lối sống lành mạnh”, ông Cường nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ