Cuộc dịch chuyển của những “hạt giống đỏ”

GD&TĐ - Cụm từ “Học sinh miền Nam trên đất Bắc” đã ghi dấu ấn đậm nét với nhiều thế hệ trẻ. Thế nhưng, để hiểu về lịch sử “cuộc dịch chuyển” của học sinh miền Nam, có lẽ không phải ai cũng biết…

Trường học sinh miền Nam số 18. Ảnh tư liệu
Trường học sinh miền Nam số 18. Ảnh tư liệu

Những “hạt giống đỏ” được “gieo” từ lịch sử

Ông Nguyễn Văn Thòn – Trưởng ban Liên lạc học sinh miền Nam (HSMN) toàn quốc kể: Việc thành lập các trường HSMN trên đất Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng. Nó thể hiện tầm nhìn sâu rộng, tình cảm thiêng liêng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với HSMN lúc bấy giờ. Chủ trương này còn là một bài học kinh nghiệm lớn về công tác tổ chức cán bộ, chuẩn bị lực lượng chu đáo cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc của Đảng ta. 

Tháng 5/1949, Bác Hồ đã chỉ thị thành lập các trường thiếu sinh quân Việt Nam. Nơi đây đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng từ tuổi niên thiếu. Đã có rất nhiều tướng lĩnh, cán bộ chủ chốt sau này trưởng thành từ đây. Các thế hệ thiếu sinh quân Việt Nam đã xây dựng truyền thống quý báu, tình cảm cách mạng sâu sắc, đóng góp vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng đất nước. Đây là những “hạt giống đỏ” của miền Nam được đào tạo, bồi dưỡng nhằm phục vụ cho sự nghiệp của đất nước sau này. 

Nhiều thế hệ HSMN vừa học xong lớp 10 đã tình nguyện xông pha vào chiến trường. Nhiều người đã anh dũng hy sinh ở lứa tuổi thanh xuân. Sự cống hiến đó đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang HSMN trung thành, ân nghĩa, tài hoa.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ HSMN đi trước, HSMN lớp sau đã không ngừng phấn đấu rèn luyện, được Đảng tin yêu, được nhân dân tín nhiệm. Trong số họ, hàng chục người là Ủy viên Trung ương Đảng, giữ cương vị chủ chốt của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, thành viên Chính phủ, lãnh đạo tỉnh và thành phố, nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng.

Trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng tinh nhuệ, hiện đại, các học sinh trường miền Nam cũng có những đóng góp quan trọng. Nhiều người trở thành tướng lĩnh tài năng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an; Thượng tướng Trương Quang Khánh; Trung tướng Bùi Quang Bền; Thiếu tướng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Tôn Thất...

Hàng trăm học sinh trưởng thành từ những ngôi trường HSMN trực tiếp tham gia vào cuộc chiến bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Có những HSMN tập kết ra Bắc học tập, trưởng thành lại quay trở về trường dạy những HSMN thế hệ sau. Cả một truyền thống gắn liền với những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Thòn - Trưởng ban Liên lạc HSMN toàn quốc trong một buổi họp các cựu học sinh. Ảnh: TG
Ông Nguyễn Văn Thòn - Trưởng ban Liên lạc HSMN toàn quốc trong một buổi họp các cựu học sinh. Ảnh: TG

Buổi họp lớp của  những người già…

Ông Nguyễn Văn Thòn kể tiếp: “Năm 1954, sau Hiệp định Genève, hàng vạn con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam đã được Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đưa ra miền Bắc bằng nhiều đường khác nhau, nhưng chủ yếu là đường thủy để học tập. Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là cho xây dựng lại miền Nam khi nước nhà được hòa bình, thống nhất, T.Ư Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định xây dựng các trường nội trú tập trung, nuôi và dạy số con em này của đồng bào miền Nam. Vì thế, hệ thống các trường HSMN trên đất Bắc được ra đời từ quyết định quan trọng này”.

Giờ đây, phần lớn HSMN năm xưa giờ đã lên tuổi ông bà nội, ngoại. Cũng đã có nhiều người về với cõi vĩnh hằng. Thế hệ HSMN đàn em đang đảm đương nhiều cương vị công tác, phấn đấu không ngừng theo gương các chị, các anh. Họ đã không phụ công ơn nuôi dưỡng, dạy dỗ, chăm sóc của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc. Dù ở đâu, trên cương vị nào, HSMN cũng là những người trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Nhắc đến những năm tháng lịch sử đó, nhiều các ông, các bà không khỏi xúc động với tình cảm của những người miền Bắc đã nuôi dưỡng họ trưởng thành. Các cựu học sinh năm xưa cũng không thể quên mỗi bữa ăn bà con nhường miếng cơm, bát cháo cho họ ăn. Họ được nuôi dưỡng, đào tạo bằng tình thương cao cả của các thầy giáo, cô giáo, và bà con nhân dân. 

Chính nhờ được sống trong môi trường giáo dục toàn diện, đầy đủ và chan hòa, cùng ý thức tập thể, tự lực cánh sinh, vươn lên, mà tất cả thầy giáo và học sinh thời đó đều chung sức, chung lòng rèn luyện bản thân, phấn đấu không mệt mỏi để trở thành những chiến sĩ cận vệ tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân.

Đến nay, các thế hệ HSMN học tập trên đất Bắc đa số đã nghỉ hưu, nhưng họ vẫn thường xuyên liên lạc và gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên của những năm tháng sống trên đất Bắc. Mỗi khi gặp nhau, những mái đầu đã bạc ấy vẫn tươi cười ôn chuyện ngày xưa, rồi động viên, hỏi thăm sức khỏe của nhau và những chuyện kể về con cháu. Họ gọi đó là những buổi họp lớp của người già.

“Gặp nhau bây giờ hầu hết là nhắc lại chuyện cũ, thời ấy đều là kỷ niệm đẹp về tình thầy trò, tình bạn. Nhiều bạn cảm động ôm nhau khóc, nhớ về những năm tháng tuy thiếu thốn nhưng giàu tình cảm ấy”, ông Nguyễn Văn Thòn chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ