Công cụ để thực hiện đổi mới GD-ĐT

GD&TĐ - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, ngành Giáo dục đã có những chuyển động tích cực từ nhận thức đến hành động. Nghị quyết 29 đã đề cập đến toàn bộ hệ thống giáo dục và mang đến luồng gió mới cho các nhà trường.

Nghị quyết 29 đã mang đến luồng gió mới cho ngành Giáo dục. Ảnh: Sỹ Điền
Nghị quyết 29 đã mang đến luồng gió mới cho ngành Giáo dục. Ảnh: Sỹ Điền

Giáo dục đã có những tiến bộ nhất định

Đó là nhận định của TS Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Theo TS Trịnh Ngọc Thạch, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện

GD-ĐT ra đời rất phù hợp với thực tiễn khách quan. Trước đó, Nghị quyết Trung ương 2 Khóa 8 năm 1996 đã tạo nền tảng rất tốt để Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI ban hành Nghị quyết 29 và từng bước đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn.

Khẳng định chủ trương của Nghị quyết 29 rất hay và đúng đắn, TS Trịnh Ngọc Thạch nhấn mạnh: Nghị quyết 29 đã đề cập đến toàn bộ hệ thống giáo dục, từ bậc học mầm non cho đến phổ thông và đại học. Đồng thời đề cập đến toàn bộ hệ thống, chương trình, phương pháp, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo. Và nếu có điều kiện thực hiện chủ trương này bằng những chính sách thực thi pháp luật thì giáo dục sẽ phát triển.

Ảnh minh hoạ/ Internet
 Ảnh minh hoạ/ Internet

Cũng theo TS Trịnh Ngọc Thạch, thực tế cho thấy, từ khi Nghị quyết 29 được ban hành, giáo dục đã có những tiến bộ nhất định. Cụ thể, nhận thức của xã hội nhìn nhận về giáo dục một cách thực tế hơn và có tiêu chí để so sánh.

 

Đánh giá Nghị quyết 29-NQ/TW là phải đánh giá giá trị về nhận thức, về thế giới quan và giá trị phương pháp. Nghị quyết 29 được coi là tầm nhìn chiến lược về nhận thức, là công cụ để chúng ta thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.

TS Trịnh Ngọc Thạch

Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, từ khi Luật Giáo dục 2005 ra đời đã nêu rất rõ về phổ cập giáo dục mầm non. Đến khi có Nghị quyết 29 thì giáo dục mầm non vẫn tiếp tục được quan tâm cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, một trong những thành công lớn nhất, đó là đội ngũ giáo viên mầm non đã được xếp vào biên chế và được hưởng đầy đủ các quyền lợi, trách nhiệm như một viên chức. Kết quả này cũng xuất phát từ quan điểm của Nghị quyết 29.

Điều đáng nói là dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua sẽ có quy định miễn học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi. Mặt khác có quy định nâng chuẩn giáo viên mầm non lên trình độ cao đẳng. Tất cả những thay đổi này đều xuất phát từ Nghị quyết 29.

Nghị quyết 29 như một luồng gió mới

Đối với giáo dục phổ thông, theo TS Trịnh Ngọc Thạch, hiện nay chúng ta thực hiện Nghị quyết 29 nhưng cũng đồng thời thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Theo đó, Bộ GD&ĐT đang rất tích cực triển khai Nghị quyết này.

Ảnh minh hoạ/ Internet
 Ảnh minh hoạ/ Internet

“Tôi được biết nếu theo Chương trình giáo dục phổ thông mới thì nội dung sẽ giảm tải rất nhiều. Cùng với đó sẽ tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, thực hành; tăng cường các kỹ năng và phát triển năng lực cho học sinh. Đây cũng chính là chủ trương của Nghị quyết 29 và chủ trương này đã được Chương trình giáo dục phổ thông mới cụ thể hóa. Vì thế có thể nói, Nghị quyết 29 như là kim chỉ nam để chúng ta đi đúng hướng” - TS Trịnh Ngọc Thạch chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Lắng đọng lại mới thấy, nền tảng, triết lý của Nghị quyết 29 rất hay, rất phù hợp, làm chuyển biến nhận thức và hành động trong mỗi nhà trường và trong toàn ngành Giáo dục.

Cũng theo TS Trịnh Ngọc Thạch, Nghị quyết 29 cũng đã tạo ra một lăng kính mới, một cách nhìn mới, phương pháp mới và cách tiếp cận mới. Giá trị về mặt đường lối của Nghị quyết này là đã đem lại cho chúng ta một nhận thức mới. Và khi có nhận thức đúng, đường lối đúng thì dứt khoát khi đi vào cuộc sống sẽ thành công.

Khẳng định, Nghị quyết 29 như một luồng gió mới, nhưng TS Trịnh Ngọc Thạch cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta cũng đừng nghĩ Nghị quyết 29 là “chìa khóa vạn năng”. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần phải có chính sách, pháp luật với những giải pháp cụ thể và Nhà nước phải đảm bảo nguồn lực để chúng ta thực hiện.

TS Trịnh Ngọc Thạch dẫn giải: Chẳng hạn như: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã phản ánh tinh thần của Nghị quyết 29, đó là giao quyền tự chủ cho các trường đại học. Theo đó, 4 lĩnh vực các trường được tự chủ bao gồm: Tự chủ về quản trị, tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân sự và tự chủ về học thuật. Làm được điều này thì chứng tỏ Nghị quyết 29 đã đi vào cuộc sống và chúng ta đã đi đúng hướng và ít nhiều đã có những thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ