Cởi trói áp lực điểm số

Cởi trói áp lực điểm số

(GD&TĐ) - Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của giáo dục Tiểu học năm học 2013 - 2014 Bộ GD&ĐT gửi các Sở GD&ĐT nêu rõ: “Đối với học sinh lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh. Nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh”. 

Vấn đề trên đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo phụ huynh và dư luận bởi sẽ giảm áp lực đáng kể cho học sinh trong vấn đề điểm số. 

Không cho điểm ở lớp 1 sẽ tránh áp lực điểm số với HS
Không cho điểm ở lớp 1 sẽ tránh áp lực điểm số với HS

Áp lực từ điểm số

Theo thầy giáo Nguyễn Đức Long (Trường THPT Cầu Giấy - Hà Nội), học sinh lớp 1 chủ yếu làm quen với môi trường học tập là trường lớp, sách vở. Kiến thức của học sinh lớp 1 chỉ yêu cầu biết viết, đọc nên không cần chấm điểm là rất đúng. 

Mặt khác, hiện nay các bậc phụ huynh quá kỳ vọng và mong muốn con học thật giỏi. Học tốt hay chưa tốt được đánh giá chính qua điểm số cao hay thấp. Rất nhiều cha mẹ đi đón con đi học về thì thay vì hỏi con học tập vui không, có hứng thú không bằng câu hỏi hôm nay được mấy điểm. Điểm cao thì dễ dàng trao thưởng này nọ, điểm thấp thì mắng mỏ, trừng phạt... tạo ra sự lo lắng, sợ hãi không cần thiết cho trẻ. Thậm chí có phụ huynh chẳng cần biết con điểm thấp vì đâu, chỉ biết điểm thấp là học dốt và tăng cường bằng những lớp phụ đạo ngoại khóa. 

Chính vì vậy, cũng theo thầy Long, nếu áp dụng không chấm điểm học sinh lớp 1 thì chắc chắn tình trạng dạy thêm, học thêm trước chương trình sẽ giảm tại một số thành phố lớn cũng như các tỉnh, thành khác.

Chị Nguyễn Thanh Bẩy (Phan Đình Giót – Hà Nội) có hai con học lớp 2 và lớp 5 Trường Tiểu học Phương Mai chia sẻ: Học sinh tiểu học hiện nay học hành khá nhiều áp lực. Nhiều cháu được học các khóa luyện chữ đẹp, làm toán... trước khi vào lớp một vài tháng, thậm chí cả năm trời. Bản thân con chị, cứ hôm nào được điểm cao thì hồ hởi khoe với bố mẹ nhưng khi điểm thấp lại tỏ ra lo lắng, ngại đi học. Mặc dù gia đình không coi trọng điểm số và thường tìm ra nguyên nhân vì sao con bị điểm kém để kèm cặp giúp con tiến bộ song con chị lại nói rằng các bạn trong lớp chỉ chơi với người học giỏi, điểm cao. Ai bị điểm kém hay bị trêu và không chơi cùng. 

Có con năm nay bước vào lớp 1, chị Phạm Quỳnh Anh (Khương Trung - Hà Nội) cũng đồng tình việc không cho điểm với suy nghĩ: Trẻ học lớp 1 quan trọng là giáo viên tạo sự hứng khởi, đam mê học tập, ý thức tự học ngay từ khi bắt đầu đến lớp thay vì việc ra bài tập, kiểm tra, cho điểm. Thực tế, không phải em nào cũng có thể viết đẹp, làm toán nhanh, tiếng Việt đúng hoàn toàn... Nếu áp dụng cho điểm số trẻ sẽ cảm thấy tự ti và áp lực với việc học tập. Từ đó mất hứng thú và sợ học.

Xét cho cùng, nếu giáo viên cho điểm số mà không có lời nhận xét chi tiết thì tác dụng, hiệu quả của điểm số cũng như không. Bởi có thể cùng điểm 8 nhưng mỗi em có cách tư duy để đạt đến kết quả không giống nhau.

Cũng như vậy, học sinh bị điểm kém thì mỗi em một kiểu chứ không thể ngần ấy học sinh cùng chung một “bệnh”. Điểm số chỉ là mã hóa, quy lượng ra kết quả đạt được, bởi vậy đằng sau số điểm ấy không chứa đựng hoặc ít thông tin phản hồi thì chỉ mang đến sự so sánh, áp lực không đáng có cho học sinh. 

Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội - cho rằng: Hiện nay, trước khi vào lớp 1, nhiều bậc phụ huynh đã tìm thầy cô giáo để dạy trước cho con nên các cháu có thể tập đọc, tập viết và làm toán sẽ tốt hơn những em chưa hề học trước. Chính vì vậy, việc chấm điểm cho học sinh lớp 1 sẽ không thể chính xác, công bằng. Điều này cũng tạo ra phong trào khiến phụ huynh chạy theo việc cho con học trước lớp 1...

Trẻ em mầm non bước vào lớp 1 là sự chuyển đổi mạnh mẽ về tâm lý nên việc chấm điểm học tập sẽ tạo áp lực rất lớn đối với học sinh. Các em sẽ so sánh kết quả học tập của mình với bạn bè và cảm thấy mình kém cỏi hơn nên sẽ rơi vào tình trạng phải học đuổi, học quá tải. Vì vậy, ông Tiến hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc không chấm điểm đối với học sinh lớp 1.

Học sinh tiểu học cần được quan tâm, nhận xét hơn điểm số
Học sinh tiểu học cần được quan tâm, nhận xét hơn điểm số

Kiểm tra, đánh giá phải xứng tầm sư phạm

GS Đinh Quang Báo khi nhận xét về khâu kiểm tra, đánh giá hiện nay đã chỉ ra: Điểm số rất ít tác dụng và nếu không nói là nó có tác hại về mặt tâm lý người học nếu thầy cô chỉ lượng hóa mà không phân tích sản phẩm dạy học của mình đạt được, học trò đạt được.

Nếu cứ đánh giá như vậy, học sinh yếu kém không biết được mình còn thiếu gì để bổ sung sửa chữa, học sinh giỏi không biết mình được giỏi ở đâu để sau này còn phấn đấu phát huy. Đánh giá như hiện nay mới chỉ phân tích được định lượng chứ không phân tích được định tính của học trò, cũng như của người dạy đạt được. 

Việc khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không cho điểm học sinh lớp 1 của Bộ GD&ĐT vừa hướng dẫn đầu năm học mới 2013 - 2014 đã nhận được sự đồng tình cao của các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo, và phụ huynh. Tuy nhiên, để hướng dẫn này đi vào thực tiễn đòi hỏi những nỗ lực không nhỏ từ phía giáo viên. 

Anh Trung Dũng (Chùa Bộc – Hà Nội) nêu quan điểm: Việc bỏ chấm điểm là một điều tốt cho trẻ. Nhưng để thực hiện hiệu quả đòi hỏi sự chia sẻ, phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình cũng như sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. 

Mặt khác, anh Dũng cũng băn khoăn, với tình trạng lớp học đông học sinh như lớp con anh hiện nay (trên 50 cháu) thì giáo viên sẽ khó khăn khi nhận xét từng học sinh. Đặc biệt, môn Toán và Tiếng Việt nếu giáo viên chỉ đánh giá bằng nhận xét chung chung, không sát với khả năng tiếp thu của học trò thì sẽ khó lòng chỉ ra những mặt được và chưa được của học sinh để từ đó kết hợp với gia đình cùng bổ trợ, kèm cặp.  

Nếu giáo viên chỉ nhận xét một cách qua loa chung chung, lấy nhận xét của học sinh này áp vào học sinh khác thì ý nghĩa của quy định mới sẽ không còn. Phụ huynh học sinh sẽ không thể yên tâm với những lời nhận xét na ná nhau giữa các môn học, giữa học sinh này với học sinh khác. 

Cũng có ý kiến cho rằng, học sinh đã học thì phải có đánh giá, xếp loại. Tuy nhiên các trường tiểu học có thể cho điểm theo cung bậc A, B, C...; phiếu điểm của học sinh được gửi riêng cho phụ huynh và học sinh như nhiều nước đang áp dụng. Như vậy vẫn tránh được việc tạo áp lực điểm số cho học sinh. 

Rõ ràng, khâu kiểm tra đánh giá trong giáo dục có giá trị không chỉ cho người dạy, người học mà còn cả nhà quản lý. Đây là khâu cơ bản, then chốt để nâng cao chất lượng dạy học. Vì vậy, khâu kiểm tra, đánh giá cần được giáo viên sử dụng xứng tầm giá trị sư phạm.

Giáo dục hiện đại theo hướng hình thành năng lực học sinh. Và theo hướng đó thì cả nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá cũng hướng vào phát triển năng lực học sinh. Trong đó, kiểm tra, đánh giá có chức năng đánh giá nội dung, phương pháp giáo dục và để thực hiện được chức năng “ba trong một” đó thì cần phải có những đổi mới căn bản về kiểm tra, đánh giá. 

(GS Đinh Quang Báo)

Mai Hoàng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ