Cơ sở giáo dục đại học cần công khai chi phí cụ thể suất đào tạo

GD&TĐ - Tán thành quy định các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ - đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai – đoàn Hưng Yên cho rằng, quy định này phù hợp với chủ trương của Chính phủ là đến năm 2020 các trường đại học công lập phải tự chủ hoàn toàn.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai dẫn giải: Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2015 -2017 cho thấy, cơ chế tự chủ đã đạt một số kết quả tích cực.

Ví dụ:Tự chủ về tổ chức bộ máy là cơ sở để nhà trường tái cấu trúc, nâng cao chất lượng nhân sự, một số trường chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm, chủ động trong tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc với các giảng viên có trình độ cao.

Hay tự chủ về tài chính đã giúp các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, với tỷ lệ tăng thu chênh lệch 6% so với tỷ lệ tăng chi, các trường tự chủ đã có nguồn tài chính cho việc lập quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp, quỹ khen thưởng cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội khác của các nhà trường.

Các mục chi tăng mạnh của các trường đầu tư vào các lĩnh vực như: mua sắm trang thiết bị chiếm 84,4%, hay chính sách học bổng cho sinh viên chiếm 39,5%. Hay tài trợ, viện trợ là 35,5% và các hoạt động tư vấn, nghiên cứu khoa học chiếm 33,7%.

Nhờ có cơ chế học phí mới các trường cũng thuận lợi hơn trong việc thực hiện chính sách học bổng, học phí, gia tăng số học bổng, số suất học bổng đối với các đối tượng chính sách. Cụ thể là nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên tăng 10 lần, từ 18 tỷ đồng trước khi tự chủ lên tới 186 tỷ đồng năm 2015 đến năm 2016.

Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh ý kiến của một số trường đại học thuộc một số lĩnh vực thu hút sinh viên hiện nay như: kinh tế, y dược đều tán thành cơ chế tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính. Tuy nhiên, cũng còn những ý kiến của một số trường lo lắng về khả năng cạnh tranh khi tăng học phí.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai
 Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai 

Với điều kiện hiện nay, theo Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, điều người học quan tâm nhất chính là chất lượng đào tạo, chất lượng dịch vụ của nhà trường.

Do đó đề nghị trong dự thảo cần quy định là các cơ sở giáo dục đại học công khai chi phí cụ thể của một suất đào tạo để xác định mức học phí.

“Bên cạnh đó thực tế không ít sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy khi các trường thu học phí cao cũng cần có những quy định về học bổng, chính sách hỗ trợ nhóm sinh viên này” - Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ