Cô giáo yêu nghề, lan tỏa tình yêu thương

GD&TĐ - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống trong ngành giáo dục, bố mẹ đều là giáo viên ở Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt đã sớm ấp ủ trong lòng tình yêu nghề sư phạm. 

Cô giáo yêu nghề, lan tỏa tình yêu thương

Tình yêu nghề, cùng những trở ngại trong cuộc sống không làm chùn bước cô giáo, ngược lại khích lệ động viên Nguyệt càng gắn bó với trường lớp và học sinh, sáng tạo đổi mới để chất lượng dạy và học đạt kết quả cao hơn. Trưởng thành từ một ngôi trường miền núi vùng dân tộc, về Phòng Giáo dục làm công tác chỉ đạo chuyên môn, cô giáo đem tình yêu với nghề, kinh nghiệm yêu thương học trò lan tỏa đến các ngôi trường khác ở huyện Hoành Bồ.

Vươn lên từ hoàn cảnh khó

Bước vào học cấp 2, bố đột ngột ra đi, đang học năm thứ 2 thì mẹ lại mất, chỉ là sinh viên năm thứ 2 nhưng Nguyệt đã phải thay bố mẹ chăm sóc 3 đứa em nhỏ. Hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, gánh nặng gia đình và trách nhiệm đổ dồn lên đôi vai gầy của Nguyệt. Thương các em, Nguyệt đã vươn lên học giỏi, cùng với tình yêu thương của bạn bè, thầy cô, Nguyệt đã tốt nghiệp loại giỏi và viết đơn xin được lên vùng cao dạy học. Được phân công về Trường THCS Hòa Bình của huyện miền núi Hoành Bồ, Nguyệt được giao làm giáo viên chủ nhiệm cho một lớp 6 “nhô”.

Tình yêu nghề đã được hun đúc từ đây, lớp “6 nhô” có học sinh ở nhiều độ tuổi, nhiều đối tượng khác nhau, nhiều học sinh cá biệt, nghịch ngợm, sĩ số học sinh đi học luôn biến động. Xã Hòa Bình thời điểm ấy còn nghèo, để vận động học sinh đến lớp, có những hôm em phải đi bộ gần chục cây số đường rừng, qua lò than, khe suối, ruộng đồng. Nhưng 9 năm bám trường, bám lớp, miệt mài tới từng thôn xóm vận động học sinh đến lớp, lại là một trong những tháng ngày đáng nhớ nhất đối với cô giáo.

Cô giáo Nguyệt kể lại: Để vận động được phụ huynh là người dân tộc cho con em đi học thì phải sống gần họ, hiểu được văn hóa, tập quán của bà con thì mới thuyết phục được họ, chỉ cho họ thấy tầm quan trọng của việc học chữ, đến trường. Em đã phải học ngôn ngữ địa phương để tiếp cận với học sinh và người dân. Nhiều hôm, học sinh ốm đau, chán bỏ học, là lúc em phải tới thăm và động viên kịp thời. Em nhớ có lần trúng cảm phải vào viện, chưa khỏi nhưng em đã xin bác sĩ cho về vì sợ học sinh…. bỏ học.

Canh cánh trong lòng, lý do học sinh bỏ học phần lớn là do người dân còn nghèo, trình độ văn hóa còn thấp quá. Làm thế nào để động viên học sinh của mình đến lớn, cô giáo Nguyệt đã xin bạn bè sách giáo khoa cũ để hỗ trợ cho học sinh. Thực hiện phương châm “vừa dạy vừa dỗ”, tránh ở học sinh tư tưởng chán học, sợ học. Nguyệt đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm để mỗi giờ lên lớp đối với học sinh thật sự thú vị, vì chỉ có cách đó mới lôi cuốn học sinh, khơi gợi ham thích việc học trước khi muốn các em học tốt.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Bài học kinh nghiệm lớn nhất là tình yêu nghề

Với tất cả tình yêu nghề, cô giáo Nguyệt đã không ngừng trau dồi kiến thức từ sách, đồng nghiệp, cô giáo đã vận dụng hài hòa những kiến thức, kỹ năng sư phạm. Cô giáo cũng động viên các đồng nghiệp của mình đăng kí và phấn đấu đạt các danh hiệu thi đua của cá nhân và tập thể. Được giao phụ trách tổ chuyên môn, cô giáo Nguyệt đã đánh giá xếp loại cán bộ giáo viên khách quan, chặt chẽ, công bằng trên nhiều mặt. Xây dựng và thực hiện thành công các chuyên đề gắn với nhiệm vụ và chủ đề năm học của trường, của ngành. “Ngày còn ở trường, năm học nào tổ em cũng có ít nhất 1/2 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp cơ sở và tỉnh, 100% lao động tiên tiến và đạt tổ lao động tiên tiến nhiều năm liền” - Nguyệt tâm sự.

Danh sách bằng khen và phần thưởng của cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt ngày một dài theo năm tháng cống hiến. Nhiều năm liền đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Năm học 2009 - 2010 đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Các bằng khen, giấy khen của Liên đoàn lao động tỉnh, Đảng ủy - UBND huyện Hoành Bồ liên tục các năm. Cô giáo Nguyệt còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, công tác xã hội, đạt giải thưởng ở nhiều cuộc thi viết truyện ngắn và thơ. Đặc biệt, tại Giải thưởng và học bổng Kova lần thứ 8 năm 2010 đã được trao cho 3 tập thể và 5 cá nhân có công trình nghiên cứu khoa học và là những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt là cá nhân duy nhất của Quảng Ninh đoạt giải thưởng này dành cho tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội.

Trưởng thành từ một ngôi trường miền núi, cô giáo Nguyệt được điều về Phòng Giáo dục huyện để tăng cường công tác chỉ đạo chuyên môn. Ý thức với nhiệm vụ được giao, cô giáo Nguyệt đã tích cực dự giờ thăm lớp, rút kinh nghiệm cho giáo viên. Đặc biệt ngành GD đang đứng trước yêu cầu đổi mới, cô giáo đã động viên các tổ viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy – học lấy học sinh làm trung tâm, trong đó tính đến đặc thù của học sinh vùng cao nhưng vẫn đảm bảo chương trình.

Đánh giá về công tác chỉ đạo chuyên môn ở các nhà trường, từ Ban giám hiệu đến giáo viên ở các nhà trường đều rất quý và nể em bởi sự tỉ mẩn, chu đáo, nhiệt thành, sự tích cực trau dồi và thái độ cầu thị, hướng dẫn, tư vấn sát sao cho đồng nghiệp. Lên làm công tác chuyên môn trên Phòng GD nhưng Nguyệt vẫn gắn bó với học sinh. Hàng năm, cô giáo đều xuống trường ôn luyện cho đội tuyển đi học sinh giỏi tỉnh môn Văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ