Cô giáo dạy trẻ khuyết tật ở Bắc Ninh: Sống như những đóa hoa

“Sống như những đóa hoa, tỏa ngát hương thơm cho đời”, lời bài hát ấy thật đúng với cô giáo trẻ Đỗ Thị Nhị - người vừa được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam tiêu biểu 2018. Nhị đang là giáo viên cơ sở mầm non chuyên biệt Bình Minh (Bắc Ninh) – nơi dìu dắt, giúp đỡ hàng trăm trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ ở nhiều tỉnh, thành…

Cô giáo dạy trẻ khuyết tật ở Bắc Ninh: Sống như những đóa hoa

Cô giáo Đỗ Thị Nhị bên những sản phẩm do các học sinh làm.

Ước mơ cháy bỏng 

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Đỗ Thị Nhị là cô gái nhỏ nhắn với khuôn mặt rạng ngời, đôi mắt thông minh và cách nói chuyện đầy tự tin. Nhị mới 28 tuổi, nhưng những gì cô làm được cho những đứa trẻ khuyết tật thì chẳng gì có thể đong đếm được.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Tiên Du, Bắc Ninh. Khi mới lên 2 tuổi Nhị đã mồ côi mẹ. Hoàn cảnh khó khăn, không ít lần cô tưởng phải bỏ dở chuyện học hành. Với nghị lực và quyết tâm của mình, cô đã vượt qua hoàn cảnh, hoàn thành giấc mơ vào giảng đường đại học để rồi sau đó trở thành cô giáo dạy học cho những đứa trẻ đặc biệt.

Cô tâm sự, khi là sinh viên năm cuối trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, lần nào đến các trung tâm dành cho trẻ khuyết tật để thực tập cô cũng khóc vì thương lũ trẻ và xót xa cho bố mẹ chúng. "Nhìn những đôi mắt vô hồn, nghe những tiếng ú ớ không thành câu trên đôi môi bọn trẻ, tận mắt chứng kiến sự bất lực của những ông bố bà mẹ, mình thấy day dứt", cô Nhị trải lòng.

Cô hiểu rằng, nếu không thể tự phục vụ bản thân, không tự chủ được hành vi thì các con có khó có thể đi học và hoà nhập được với cộng đồng. Còn những bậc phụ huynh, họ thực sự đau lòng và mỏi mệt. Nhiều gia đình đã sức cùng lực kiệt chăm lo cho con. Vì thế, họ đã tìm đến những cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ với niềm hy vọng cuối cùng là tìm cơ hội quý báu cho con mình.

Nhị bảo, mọi chuyện đến trong cuộc đời cô đều từ chữ “duyên”. Từ tuổi thơ khốn khó nên cô luôn mong sau này có nhiều cơ hội để giúp đỡ những người thiệt thòi, nhất là các em bé mồ côi và trẻ khuyết tật. Chọn học khoa Giáo dục Đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một thời gian sau khi ra trường, Nhị về quê và xây dựng cơ sở mầm non chuyên biệt Bình Minh để giúp đỡ những trẻ bị khuyết tật trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ, rối loạn phổ tự kỷ … ở Bắc Ninh và một số tỉnh lân cận.

Không đơn độc 

Nhị chia sẻ, mô hình giáo dục dành cho trẻ đặc biệt ở Bình Minh đáp ứng đa dạng về các dạng khuyết tật (khiếm thính, tăng động, rối loạn phổ tự kỷ, khuyết tật ngôn ngữ, trí tuệ), can thiệp sớm cho đối tượng từ 18 tháng đến 6 tuổi; can thiệp phục hồi chức năng cho trẻ từ 6 tuổi đến 13 tuổi; định hướng nghề và dạy nghề cho trẻ từ 13 tuổi đến 15 tuổi. Song song với đó, Nhị còn hỗ trợ các phụ huynh kỹ năng, kiến thức về chuyên môn để giáo dục con tại nhà.

Nhị không cô đơn trên con đường đầy chông gai và thử thách này. Cô tâm sự mình rất may mắn khi có người chồng luôn yêu thương, thấu hiểu, chăm lo gia đình thật tốt để cô có thời gian toàn tâm toàn ý với ngôi nhà thứ hai của mình – cơ sở Bình Minh.

Đồng hành với cô còn có đội ngũ những giáo viên chuyên nghiệp, được đào tạo chính quy ở các ngành sư phạm, tâm lý… của các trường đại học. Chính nhờ những thành viên này mà Nhị ngày càng thêm vững tin vào con đường mình đã chọn.

Nhưng hiện nay, Nhị vẫn đang đau đáu một mong ước, đó là mở được trường nội trú dành cho trẻ tự kỷ. Có nhiều bé bị rối loạn phổ tự kỷ ở Hải Dương, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên… muốn về cơ sở Bình Minh học tập, nhưng vì đường xá quá xa xôi nên các em không có điều kiện đến học.

Cô tâm sự, nếu trường nội trú được xây dựng sẽ hỗ trợ và có nguồn hỗ trợ để duy trì hoạt động, khi đến đây các bé sẽ được học miễn phí. Nếu các bé được học tập, sinh hoạt trong trường nội trú, thời gian can thiệp trị liệu sẽ được rút ngắn, cơ hội đến với các con cũng nhiều hơn…

Tình yêu thương chân thành của cô đã làm nên điều kỳ diệu. Được biết, trong số 200 trẻ đến với cơ sở Bình Minh thì đã có gần 50 trẻ đã hoà nhập tốt cộng đồng. Vì những thành công ấy, ngày càng có nhiều gia đình tìm đến cơ sở Bình Minh để gửi gắm con em mình.

Một ngày của cô Nhị quay cuồng với hàng tá công việc khi vừa chăm lo cho gia đình, vừa làm công tác quản lý, giáo dục, vừa hỗ trợ, động viên tinh thần cho các giáo viên, phụ huynh vượt qua rào cản tâm lý và những cú sốc tinh thần... nhưng chưa bao giờ cô thấy mỏi mệt và buông lời than van. "Được làm công việc có ý nghĩa thì chẳng còn mong muốn gì hơn. Cuộc đời này mang lại cho mình quá nhiều ân tình, nên mình muốn đền đáp, sẻ chia sự yêu thương ấy với những người xung quanh", cô Nhị tâm sự.

Theo Thegioitiepthi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ