Chuyện những thầy, cô giáo “phục kích” để đưa trò về trường

GD&TĐ - Công tác ở một ngôi trường học sinh “ba không”: Không biết tiếng Việt, không giấy khai sinh, không hộ khẩu nên thầy và các đồng nghiệp phải lo hết cho học trò của mình. 

Thầy Phạm Quốc Tuấn giao lưu với khán giả trong Chương trình "Thay lời tri ân" 2017
Thầy Phạm Quốc Tuấn giao lưu với khán giả trong Chương trình "Thay lời tri ân" 2017

Có hôm, các thầy, cô phải đi vận động học sinh, đưa đón các em đến trường từ sáng cho đến 10 giờ đêm. Thậm chí có những hôm, các thầy cô làm "xe ôm" miễn phí chở học sinh từ lúc 3 giờ sáng.

“Phục kích” từ sáng đến đêm để tiếp cận học sinh

 Khi dạy ở vùng khó là chúng tôi đã xác định sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả. Bằng mọi hình thức, chúng tôi quyết tâm đưa học sinh đến trường. Bản thân tôi luôn nhận nơi khó nhất, xa nhất để đến vận động học sinh đến trường
Thầy Phạm Quốc Tuấn

Đó câu chuyện của các thầy, cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong (Kbang, Gia Lai). Trong Chương trình “Thay lời tri ân” tối 18/11, khi MC đặt câu hỏi với thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn về việc các thầy, cô giáo của trường phải đi săn đón, tìm kiếm thậm chí “phục kích” để “truy bắt” học sinh đến trường, đã khiến cả hội trường bật cười nhưng cũng đầy khâm phục về nghị lực và những hy sinh, cống hiến của các thầy, cô cho giáo dục vùng khó.

Chia sẻ về câu chuyện này, thầy Phạm Quốc Tuấn – trải lòng: “Chúng tôi luôn quyết tâm đưa học sinh đến trường bằng mọi hình thức”. Thầy kể lại: Có những hôm khi các thầy đến đầu buôn, làng, nghe tiếng xe là các em chạy trốn mất.

“Nhiều khi ban ngày đi không tiếp cận được học sinh, đợi đến tối chúng tôi đi. Vậy mà khi các em nghe thấy tiếng xe máy là bỏ trốn ngay. Không tiếp cận được các em. Chúng tôi quyết định đi vào 1 - 2 giờ sáng hoặc nửa đêm. Lúc này, các em đang ngủ nên chắc chắn sẽ tiếp cận được”- thầy Phạm Quốc Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, theo thầy Phạm Quốc Tuấn, có những trường hợp khi các em về trường học được 1 tuần rồi nhưng lại tiếp tục bỏ trốn. Bởi vì các em đã quen sống hoang dã, nên khi vào môi trường học nề nếp, các em thấy gò, bó và không muốn học.

Lúc này, các em không về nhà nữa, mà đến nơi sản xuất ở để trốn các thầy, cô giáo. Nơi sản xuất là các nhà đầm nhỏ tại ruộng nương, cách làng khoản 6-7km và đi bộ đường rừng khoảng 2-3 tiếng.

“Vậy là một lần nữa, chúng tôi tiếp tục quyết tâm tìm đến và đưa bằng được các em về trường. Nhận thấy, đoàn thanh niên tiếp cận được các em học sinh dễ dàng hơn, nên chúng tôi đã xuống giao lưu cùng họ, tặng bóng chuyền để họ cùng tham gia vận động các em đến trường” - thầy Phạm Quốc Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, theo thầy Phạm Quốc Tuấn, gặp được các em, đón các em lên xe nhưng trên quãng đường về, nhiều em đang ngồi trên xe lại nhảy xuống bỏ trốn. Vậy là một lần nữa các thầy lại phải “săn lùng” để “truy bắt” các em về trường.

Thầy Phạm Quốc Tuấn – nhớ lại: “Có hôm chúng tôi gồm 15 thầy, cô giáo đi vận động học sinh đến trường, phải để xe cách làng 3-4 km, rồi chúng đi bộ (15 thầy, cô). Đến làng chúng tôi bố trí vây quanh để tiếp cận các em. Nhưng khi thấy thầy, cô “phục kích”, các em đã trèo lên cây để lẩn trốn.

Không cách nào khác, chúng tôi đứng đó động viên, kêu gọi các em xuống trường. Đồng thời cử một thầy cô về đón học sinh tiêu biểu đến để tuyên truyền vận động bạn. Cuối cùng các em đã đồng ý và xuống trường theo học”.

Gây thiện cảm với phụ huynh

Chúng tôi chăm sóc các em từng bữa ăn, giấc ngủ, kể cả những lúc các em đau ốm. Có những hôm, tôi ra phải tiệm thuốc để mua về cho các con uống. Nhiều lúc phải điện thoại cho con trai là bác sỹ để được tư vấn và gửi thuốc về trường cho các em. 
Thầy Phạm Quốc Tuấn

Cũng theo thầy Phạm Quốc Tuấn, giáo viên trong trường còn đến vận động phụ huynh. Vì muốn tuyên truyền hiệu quả, trước hết phải truyền thông đến phụ huynh để học nhận thức được sự học của con em mình.

“Theo đó, chúng tôi không chỉ tuyên truyền bằng lời nói mà còn là bằng hành động với những món quà nho nhỏ như: gói mì chính để gây thiện cảm với phụ huynh để họ đồng ý đưa con đến trường’ - thầy Phạm Quốc Tuấn bộc bạch.

Đến trường, các em không chỉ được học tập văn hóa, mà còn được các thầy, cô hướng dẫn kỹ năng sống. Theo đó, nhà trường đã kế hoạch và phân công cụ thể cho từng bộ phận, thành viên trong trường tham gia giáo dục các em.

“Chẳng hạn như kỹ năng sống gấp chăn, màn chúng tôi tận dụng các thầy đi bộ đội về hướng dẫn các em. Ngoài ra, Chúng tôi còn tổ chức các cuộc thi nhằm trang bị cho các em từ những kỹ năng đơn giản nhất như: rửa mặt, đánh răng v.v… Khi đó các em sẽ nhận thấy, đi học được ăn ở sạch sẽ, được học hành phát triển toàn diện, các em sẽ yên tâm ở lại trường” - thầy Phạm Quốc Tuấn cho hay.

Mong muốn lớn nhất của thầy Phạm Quốc Tuấn là: Phụ huynh đã quan tâm rồi, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến con em mìnhđể chúng tôi yên tâm dạy học cho các em và để chất lượng giáo dục vùng khó ngày càng được nâng lên.

“Tôi cũng mong các nhà hảo tâm hỗ trợ giáo dục vùng khó để thầy, trò chúng tôi có điều kiện học tập tốt hơn và để khoảng cách giáo dục ngày càng thu hẹp” - thầy Phạm Quốc Tuấn trải lòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.