Chuyên gia chỉ cách vượt qua áp lực tâm lý khi trượt nguyện vọng đại học

GD&TĐ - Chia sẻ với Báo GD&TĐ, Diễn giả, chuyên gia tâm lý - TS Huỳnh Anh Bình nêu phương pháp giúp phụ huynh đồng hành cùng thí sinh giải tỏa áp lực khi trượt nguyện vọng xét tuyển đợt 1.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Sau khi các trường công bố điểm trúng tuyển, nhiều thí sinh chia sẻ câu chuyện đạt điểm tốt nhưng không trúng tuyển chuyên ngành, trường đại học mơ ước. Đơn cử, một nam thí sinh quê Bắc Giang cho biết đạt 27 điểm nhưng trượt tất cả nguyện vọng vì đăng ký Trường ĐH Ngoại thương và Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Điều này khiến các em nảy sinh tâm lý chán nản, buồn bã.

Vượt qua cảm xúc tiêu cực

TS Huỳnh Anh Bình chia sẻ có 3 nguyên nhân chính tạo nên áp lực tâm lý cho thí sinh khi trượt nguyện vọng vào ngành học, trường học yêu thích.

Trong kì thi năm nay, nhiều thí sinh đạt thành tích tốt, là cơ sở để các em đặt kỳ vọng cao. Khi không đạt được mong muốn, các em sẽ rơi vào trạng thái sốc tâm lý.

Cảm xúc tiêu cực có thể đến từ sự kỳ vọng của người thân, xã hội hay từ quan điểm phải đỗ trường công lập, sở hữu bằng đại học. Một sức ép vô hình khác đến từ việc so sánh với “con nhà người ta” giữa những người hàng xóm trong khu phố, trong xã hội hay giữa bạn bè với nhau.

TS Huỳnh Anh Bình.
TS Huỳnh Anh Bình.

Chia sẻ phương pháp giải tỏa tâm lý cho thí sinh khi đạt kết quả không như mong muốn, TS Huỳnh Anh Bình cho biết: “Để trúng tuyển đại học, điểm thi tốt nghiệp chỉ là một phương án. Thí sinh có thể xét tuyển bằng học bạ, thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Quốc gia tổ chức hay tham gia đợt xét tuyển bổ sung từ ngày 3/10. Các em không nên vội vàng bi quan, từ bỏ hy vọng”.

Thời điểm này, phụ huynh nên sát cánh cùng con để vượt qua khó khăn. Đầu tiên, phụ huynh nên là người bạn, người đồng hành, người tri kỉ để thí sinh an tâm chia sẻ nỗi lòng.

Bên cạnh lắng nghe, phụ huynh hãy dành cho con những lời động viên, khích lệ như “Hãy tự hào về những điều con đã nỗ lực”. Nếu con mệt mỏi khi bị so sánh với con nhà người ta, cha mẹ hãy nói: “Cho dù con nhà người ta có tốt hơn con gấp trăm gấp nghìn lần thì con vẫn là con của ba mẹ, vẫn là tất cả”.

Phụ huynh nên đóng vai trò là người tham vấn. Sự am hiểu của cha mẹ sẽ giúp các con tìm thấy ngôi trường phù hợp trong đợt xét tuyển bổ sung. Ngoài ra, gia đình có thể nghiên cứu những hướng đi, những mô hình giáo dục khác.

Cuối cùng, cha mẹ hãy trở thành người truyền cảm hứng, truyền năng lượng tích cực, lạc quan để con vượt qua giai đoạn này.

TS Huỳnh Anh Bình nhấn mạnh, thí sinh cần nhìn vào thực tế rằng đại học chỉ là một con đường trong rất nhiều con đường dẫn đến thành công. Đối với các doanh nghiệp tuyển dụng, bằng đại học là điều kiện cần nhưng họ cũng quan tâm đến điều kiện đủ chính là năng lực của ứng viên. Bằng đại học là một tấm vé đưa các em đến với doanh nghiệp nhưng để tiến xa, để phát triển, tạo dựng hạnh phúc trong nghề nghiệp, rất cần đến năng lực.

TS Huỳnh Anh Bình trong chương trình gợi ý tiêu chí chọn ngành, trường đại học. Ảnh: NVCC
TS Huỳnh Anh Bình trong chương trình gợi ý tiêu chí chọn ngành, trường đại học. Ảnh: NVCC

“Các em có thể học trường “hot”, ngành “hot” nhưng doanh nghiệp sẽ quan tâm các em có “hot” trong ngành đó hay không. Hãy nhìn xa 10, 20, thậm chí 30 năm nữa, nếu các em cố gắng nỗ lực, trở thành người giỏi trong lĩnh vực theo đuổi, các em sẽ là người thành công”, TS Huỳnh Anh Bình nhắn nhủ.

Nhiều con đường đến thành công

Theo TS Huỳnh Anh Bình, thí sinh có thể tham khảo các trường ngoài công lập, trường quốc tế với các chương trình liên kết như 2+2; 3+1; 4+0…

Với thí sinh quyết định thi lại vào năm sau, TS Huỳnh Anh Bình bày tỏ: “Lựa chọn hướng đi vào năm sau là quyết định của những con người rất mạnh mẽ, kiên định, kiên trì. Nếu quyết tâm cao, các em có thể đạt kết quả thi lại tốt”.

Tuy nhiên, thí sinh có thể đăng ký vào một trường đại học có ngành học phù hợp với điểm thi tốt nghiệp và mong muốn của bản thân. Cùng với đó, các em hãy ôn tập để chuẩn bị cho việc thi lại vào năm sau. Đây sẽ là phương án an toàn hơn cho thí sinh.

TS Huỳnh Anh Bình gợi ý: “Thí sinh nên tham khảo việc học văn bằng 2. Sau khi tốt nghiệp văn bằng một nhưng chưa phải chuyên ngành yêu thích, các em có thể quay lại trường học văn bằng 2 như mong muốn”.

Hiện nay, nhiều trường đại học đã bắt đầu xét tuyển bổ sung, là cơ hội cho những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1.

Ở hình thức xét tuyển học bạ, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội thông báo gia hạn thời gian thu hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học đợt 2 đến 17h ngày 22/09. Trường Đại học Công nghệ TPHCM đang nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ ngày 11/09 đến 20/09 cho tất cả ngành đào tạo tại trường.

Trong khi đó, Học viện Quản lý giáo dục thông báo sẽ xét tuyển bổ sung đợt 1 hệ đại học chính quy dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 ngày 16-30/09.

Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên; Học viện Hàng không Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM xét tuyển bổ sung theo 2 phương thức là xét tuyển học bạ THPT và xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ