Chuyển đổi số trong trường học: Thách thức song hành

GD&TĐ - Dù bắt nhịp xu thế chuyển đổi số nhưng các cơ sở giáo dục gặp không ít khó khăn từ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, con người trong quá trình triển khai… Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ có một mình ngành Giáo dục khó có thể thực hiện hiệu quả công cuộc chuyển đổi này.

Dạy học trực tuyến tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP Cần Thơ.
Dạy học trực tuyến tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP Cần Thơ.

Khó khăn từ thực tế

Trường Tiểu học số 3 Võ Lao (huyện Văn Bàn – Lào Cai) là một trong những điển hình của trường vùng khó chuyển động tích cực từ việc áp dụng công nghệ số vào dạy học.

Thầy Nguyễn Đức Nguyện – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 3 Võ Lao chia sẻ: Trường thuộc vùng cao khó khăn với 99% học sinh (HS) người dân tộc thiểu số, đội ngũ giáo viên (GV) nhiều năm qua chỉ quen với dạy học truyền thống… Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát để việc học của HS không bị gián đoạn, kiến thức liền mạch, ban giám hiệu đã quyết định triển khai dạy học trực tuyến.

Trong bối cảnh nền tảng, điều kiện kĩ thuật số còn khó khăn, trang thiết bị máy móc hỗ trợ học trực tuyến không có… buộc ban giám hiệu, GV của trường cùng tháo gỡ “nút thắt”. Trước hết, trường tiến hành khảo sát từng gia đình HS về thiết bị kết nối mạng. Tuyên truyền để phụ huynh hiểu về dạy học trực tuyến từ đó tạo điều kiện cho HS có máy tính, điện thoại phục vụ học tập.

Đặc biệt, thầy Nguyễn Đức Nguyện đứng ra bảo lãnh với cửa hàng bán điện thoại, máy tính trong địa bàn cho các gia đình chưa có thiết bị hỗ trợ học tập được mua trả góp, tặng sim điện thoại 4G miễn phí, cho nhà trường mượn điện thoại thông minh cũ để giúp đỡ những HS khó khăn.

Với cách làm này, tỷ lệ HS Trường Tiểu học số 3 Võ Lao được học trực tuyến trong thời điểm nghỉ học vì dịch Covid-19 đạt tới 98%. Chất lượng giáo dục toàn trường bảo đảm, HS trở lại trường học không quên kiến thức, có nền tảng vững vàng để tiếp nhận kiến thức mới.

TP Cần Thơ, đô thị trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long cũng có những khó khăn đặc thù trong quá trình dạy học trực tuyến. Theo thầy Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), do điều kiện và hoàn cảnh riêng, học sinh thiếu thiết bị học tập, không có mạng Internet nên số lượng tham gia học trực tuyến khoảng 70%...

Còn tại Trường THCS An Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dù thuộc khu vực nội ô thành phố nhưng tỷ lệ học sinh tham gia học trực chỉ đạt hơn 80%. “Mặc dù các em có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến, nhiều lần giáo viên chủ nhiệm liên hệ phụ huynh vận động hỗ trợ cho con em tham gia học trực tuyến. Nhưng do hoàn cảnh riêng, học sinh không thể tham gia đầy đủ các buổi học”, thầy Trương Thế Bảo, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Các trường học ở Cần Thơ đầu tư thiết bị dạy học, hội họp trực tuyến.
Các trường học ở Cần Thơ đầu tư thiết bị dạy học, hội họp trực tuyến. 

Gỡ nút thắt

Dù có thành quả bước đầu song theo đại diện các cơ sở giáo dục, dạy học trực tuyến nói riêng và chuyển đổi số nói chung vẫn còn hạn chế về hạ tầng, đường truyền, thiết bị kết nối đầu cuối hay sự chênh lệch trong việc tiếp cận của học sinh. Đặc biệt với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc ở một số đơn vị, trường học chưa đáp ứng yêu cầu các bộ phận giúp việc và giáo viên khi cần thiết. Thói quen ngại thay đổi phương thức làm việc của một số lãnh đạo đơn vị, trường học là rào cản lớn trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)…

Theo ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, tuy 100% các đơn vị, trường học có kết nối Internet nhưng một số trường học ở xa chưa có đường dây cáp mạng (ADSL, FTTH) nên phải dùng thiết bị thu 3G, 4G,  tín hiệu đôi khi không ổn định, ảnh hưởng đến công tác ứng dụng CNTT trong nhà trường. Ngành Giáo dục chưa xây dựng được hệ sinh thái CNTT riêng, nên các đơn vị, trường học sử dụng ứng dụng (website, phần mềm quản lý trường học…) của nhiều nhà cung cấp khác nhau dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp CNTT trong toàn ngành.

Cà Mau cũng gặp khó trong chuyển đổi số đối với hồ sơ, sổ sách, trình độ CNTT không đồng đều nên bước đầu còn bỡ ngỡ trong công tác quản lý và triển khai thực hiện. Một số giáo viên, nhất là giáo viên lớn tuổi ngại thực hiện việc số hóa các loại hồ sơ, sổ sách và ứng dụng CNTT trong dạy học. Nhân viên phụ trách văn phòng của một số đơn vị, trường học chưa đạt yêu cầu về trình độ, kỹ năng sử dụng máy tính. Vị trí việc làm cán bộ CNTT trong nhà trường chưa có người chuyên trách, lãnh đạo trường phải phân công giáo viên tin học kiêm nhiệm nên hiệu quả làm việc chưa cao…

Đề cao vai trò và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục là một trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành để thúc đẩy phát triển GD-ĐT. Mặt khác, đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo ông Lê Hoàng Dự, đây chính là nền tảng, điều kiện, cơ hội thuận lợi giúp ngành Giáo dục chuyển biến tích cực, xây dựng môi trường học tập hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong những ngày nghỉ phòng dịch, em không thể tham gia đầy đủ các buổi học. Do cha mẹ làm việc kinh doanh mua bán, nên việc sử dụng điện thoại để tham gia học trực tuyến gặp khó khăn. Có lúc mượn được điện thoại cha mẹ thì học, những lúc cha mẹ có việc, em không tham gia được... - Em Nguyễn Thị Thủy Tiên, học sinh lớp 7, Trường THCS An Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ