Chuyển đổi số ở Yên Bái: Tạo sự đổi thay trong từng giờ học

GD&TĐ - 100% cơ sở giáo dục phổ thông ở Yên Bái sử dụng phần mềm quản lý trường học, sổ điểm và học bạ điện tử.

Giờ học ứng dụng công nghệ thông tin ở Trường PTDT bán trú TH&THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: T.G
Giờ học ứng dụng công nghệ thông tin ở Trường PTDT bán trú TH&THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: T.G

60% trường mầm non, phổ thông sử dụng phần mềm để quản trị nhà trường; qua đó đã xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) về quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh với thông tin đầy đủ, chính xác được cập nhật thường xuyên. Chuyển đổi số thực sự đã tạo thay đổi trong từng giờ dạy học.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái chia sẻ: Đến nay, 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đã triển khai sử dụng phần mềm CSDL ngành, phần mềm do Bộ GD&ĐT triển khai trên phạm vi cả nước. Dữ liệu hiện có được thu thập đầy đủ từ năm 2018 đến nay.

Việc thường xuyên cập nhật 2 kỳ báo cáo trong một năm học đã thể hiện đầy đủ dữ liệu về quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh; đội ngũ, cơ sở vật chất phòng học góp phần quản lý hiệu quả hoạt động dạy – học. Sở GD&ĐT đang đề nghị Bộ GD&ĐT mở cổng cho phép liên thông dữ liệu giữa phần mềm Quản lý trường học đang triển khai sử dụng với CSDL ngành.

Yên Bái cũng đã hoàn thành phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành tác nghiệp (Voffice), triển khai sử dụng có hiệu quả tại cơ quan Sở GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc Sở. 100% văn bản đi đến đã được xử lý qua môi trường mạng, gửi nhận văn bản trực tiếp đối với UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND cấp huyện, đồng thời liên thông nhận văn bản với Bộ GD&ĐT và các đơn vị khác.

Việc triển khai chữ ký số được 100% lãnh đạo Sở sử dụng, bảo đảm thuận tiện và thực hiện tốt mục tiêu số hoá, điện tử hoá trong điều hành tác nghiệp. Đã có 9 đơn vị trực thuộc sở triển khai sử dụng chữ ký số. Phần mềm phổ cập giáo dục được triển khai từ năm 2015 ở tất cả địa phương đáp ứng yêu cầu quản lý về công tác phổ cập giáo dục.

Tạo sự đổi thay từ chuyển đổi số, Sở GD&ĐT đã tích cực khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống họp trực tuyến phục vụ các cuộc họp, hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn; chất lượng cuộc họp được bảo đảm. Đặc biệt, các khoá tập huấn, bồi dưỡng triển khai Chương trình GDPT 2018 được thực hiện chủ yếu qua hệ thống LMS.

Cổng thông tin điện tử ngành Giáo dục đã được tổ chức quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả, liên thông 2 chiều với các phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc. Toàn ngành có 351 cơ sở giáo dục (77,3%) có trang thông tin, điện tử; trong đó, 115 trang có cung cấp những thông tin về cơ sở vật chất, 109 trang cung cấp thông tin về chương trình học, 155 trang niêm yết thông tin về đội ngũ giáo viên.

Công nghệ đã giúp cho giờ học hấp dẫn hơn (Giờ tiếng Việt lớp 1, Trường PTDT bán trú Xà Hồ của cô giáo Lưu Hồng Điệp)
Công nghệ đã giúp cho giờ học hấp dẫn hơn (Giờ tiếng Việt lớp 1, Trường PTDT bán trú Xà Hồ của cô giáo Lưu Hồng Điệp)

Đổi thay trong dạy - học

Giám đốc Vương Văn Bằng cho biết: Việc triển khai E-learning trong giáo dục và khai thác kho học liệu số trong năm đã được triển khai tích cực và mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu tự học và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học. Toàn tỉnh có 200 trường học triển khai sử dụng sách giáo khoa điện tử. Trong đó, 90 trường học triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm với 249.666 câu hỏi. Trong năm, 147.093 bài giảng điện tử được giáo viên tạo ra và áp dụng vào giảng dạy; 87 trường học triển khai xây dựng kho bài giảng E-learning với 3.264 bài giảng.

Thầy Hoàng Tiến Thịnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú TH&THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, cho biết: Trường nằm ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, 100% là học sinh người Mông. Hơn ai hết chúng tôi hiểu mình phải tích cực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn để khắc phục những khó khăn về địa lý, kinh tế xã hội và đặc điểm dân cư.

Hiểu được điều đó nên nhà trường thường xuyên động viên và các thầy cô giáo cũng hết sức ý thức trau dồi kiến thức mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để triển khai dạy học hiệu quả, chất lượng hơn. Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đã xóa đi khoảng cách miền xuôi và miền ngược, giúp giáo viên tiếp cận kiến thức mới, học sinh được thầy cô trang bị những kiến thức mới mẻ và giờ học trở nên hấp dẫn hơn.

Khi giảng bài “Chúa tể rừng xanh” (tiếng Việt lớp 1), cô Lưu Thị Hồng Điệp, Trường PTDT bán trú TH&THCS Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, đã khai thác hình ảnh và video minh họa để học sinh hiểu hơn đời sống hoang dã của loài hổ. Cô Điệp cho biết: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chuyển đổi số là động lực để tập thể giáo viên chúng tôi tạo sự đổi thay khi lên lớp.

Trong từng giờ dạy học, đặc biệt là ở các lớp thay sách, chúng tôi đã sử dụng hiệu quả các phần mềm, tham khảo tại liệu trên các trang thông tin. Trường có 100% học sinh là người Mông, tưởng như việc dạy chương trình mới khó khăn, thế nhưng trái lại, công nghệ đã giúp chúng tôi vượt qua. Thầy cô chuẩn bị bài giảng công phu, có sự hỗ trợ của công nghệ khiến giờ học trở nên hấp dẫn hơn.

“Toàn tỉnh hiện có 12 trường triển khai thư viện số; 38 trường sử dụng phần mềm thí nghiệm ảo; 71 trường học sử dụng hệ thống kiểm tra, đánh giá trực tuyến (789.vn; Lantest, K12 online, Azota…); 37 trường sử dụng phần mềm xếp thời khoá biểu (Schoolnet; SmartScheduler; TKB…). Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19, 33,9% học sinh THCS, 97,08% học sinh THPT tham gia học trực tuyến. Chất lượng dạy học trực tuyến đã được nâng cao. Công nghệ và chuyển đổi số đã giúp việc dạy học hiệu quả, chất lượng hơn, phần nào xóa đi khoảng cách giáo dục vùng cao và miền xuôi”, Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái Vương Văn Bằng cho biết thêm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ