Chương trình mới với lớp 3, 7 và 10: Cẩn trọng lựa chọn sách giáo khoa

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 ít nhiều bị ảnh hưởng.

Các địa phương khắc phục khó khăn, đảm bảo chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tế.
Các địa phương khắc phục khó khăn, đảm bảo chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tế.

Địa phương, ngành Giáo dục đang nỗ lực khắc phục khó khăn, đảm bảo việc chọn sách phù hợp với điều kiện thực tế.

Tôn trọng ý kiến chuyên môn của nhà trường, nhà giáo

Năm học 2022 - 2023, SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 tiếp tục được lựa chọn theo Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT. Dù có những khó khăn do dịch bệnh nhưng các địa phương tập trung nguồn lực để việc chọn sách dựa trên ý kiến chuyên môn của giáo viên, phù hợp với điều kiện thực tế mỗi nhà trường, địa phương.

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố danh mục sách, các địa phương khởi động quy trình tuyển chọn SGK theo quy định Thông tư 25 ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT. Để có thể lựa chọn, trước hết giáo viên sẽ chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các bộ sách theo môn học phụ trách. Bản PDF của các bộ SGK được đăng tải công khai, tạo thuận lợi cho giáo viên tìm hiểu, tham khảo.

Chia sẻ về việc chọn SGK, thầy Trương Kỉnh Nhơn, giáo viên Trường Tiểu học A thị trấn Phú Hòa (huyện Thoại Sơn, An Giang), cho biết: Do tình hình dịch bệnh nên có khó khăn trong việc hội họp, lấy ý kiến, tập huấn... Tuy nhiên, ngành Giáo dục địa phương, nhà trường đã cố gắng khắc phục. Các hội thảo diễn ra với hình thức trực tuyến, đảm bảo 5K. Hội đồng chọn SGK mỗi môn học có khoảng 15 thành viên; khi họp trực tiếp phải được test nhanh trước...

Hiện, công tác chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 ở tỉnh An Giang đang khẩn trương triển khai. Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở đã chủ động trình UBND tỉnh thành phần các hội đồng lựa chọn sách để đảm bảo tiến độ. Sở bám sát các quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng được Sở tổ chức nghiên cứu, góp ý các bộ sách với mục tiêu đảm bảo công bằng, khách quan, phù hợp với địa phương…

Để chuẩn bị cho việc giới thiệu và tiến hành nghiên cứu, lựa chọn các bộ SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, ngành Giáo dục các địa phương đang tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở, phòng GD&ĐT thông báo đến cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Đồng thời, cơ sở giáo dục có các hình thức tuyên truyền phù hợp, khoa học, hiệu quả những công việc chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, nhất là công tác lựa chọn và sử dụng SGK tại đơn vị.

Việc chọn sách tôn trọng ý kiến chuyên môn của nhà trường, phù hợp với điều kiện địa phương.
Việc chọn sách tôn trọng ý kiến chuyên môn của nhà trường, phù hợp với điều kiện địa phương. 

Chuẩn bị chu đáo để chọn bộ sách phù hợp nhất

Theo thầy Trương Kỉnh Nhơn, để việc lựa chọn SGK lớp 3 phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị giới thiệu các bộ SGK do Bộ GD&ĐT phê duyệt dành cho cán bộ, giáo viên. Trong hội nghị có thảo luận, đóng góp ý kiến và giải đáp thắc mắc của cán bộ, giáo viên từ phía các nhóm tác giả về nội dung đã giới thiệu triển khai. Sau đó, Sở GD&ĐT thành lập Hội đồng lựa chọn SGK trên cơ sở tập hợp ý kiến của cán bộ, giáo viên tham dự Hội nghị giới thiệu triển khai SGK các môn học và chọn lựa bộ sách phù hợp nhất đối với địa phương, nhà trường.

Tại tỉnh Đồng Tháp, việc chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 được triển khai đến nhà trường và mỗi cán bộ, giáo viên. Hoạt động giới thiệu các bộ sách, hội thảo, chia sẻ được tổ chức với hình thức trực tiếp, trực tuyến giúp tất cả giáo viên tiếp cận dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo chia sẻ, thông qua các hội thảo, thầy, cô giáo nhận thấy các SGK mới được biên soạn theo mô hình hiện đại, thể hiện rõ triết lý từng quyển sách. Các tác giả giới thiệu lôi cuốn, dễ hiểu, ngắn gọn mà súc tích về từng cuốn sách. Các bộ sách có nhiều điểm thú vị như vừa đảm bảo tính kế thừa ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương, vừa đảm bảo tính mềm dẻo, có thể điều chỉnh, bổ sung nội dung phù hợp, sát với tình hình thực tế. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất học sinh...

Theo thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), để chủ động trong việc chọn SGK, nhà trường lên danh sách 26 giáo viên dự kiến năm học tới sẽ giảng dạy chương trình mới. Trường yêu cầu các giáo viên chủ động nghiên cứu Chương trình GDPT mới, tiếp cận các bộ SGK đã được phê duyệt. Việc tiếp cận chương trình, SGK từ nguồn chính thống giúp giáo viên nắm bắt kiến thức; trước tiên phục vụ cho việc chọn SGK sắp tới và tập huấn, sẵn sàng giảng dạy…

Vừa tập trung giảng dạy trực tiếp đảm bảo chương trình, mỗi nhà trường, cán bộ, giáo viên ở TP Cần Thơ còn dành thời gian cho việc chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Hiện, các trường yêu cầu giáo viên nghiên cứu quy trình lựa chọn SGK theo Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của UBND thành phố, của Sở GD&ĐT về tiêu chí lựa chọn SGK. Theo đó, để chọn SGK, giáo viên và tổ bộ môn các cơ sở giáo dục đã nghiên cứu, thảo luận và bỏ phiếu kín đề xuất lựa chọn. Kết quả đề xuất được tổng hợp rồi chuyển cho Hội đồng chọn SGK năm 2022 của thành phố. Sau khi Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn của các hội đồng và trình UBND TP Cần Thơ ban hành văn bản quyết định phê duyệt danh mục SGK.

Sự chủ động của ngành Giáo dục, nhà trường trong việc triển khai chọn SGK giúp giáo viên tiếp cận và nắm được cấu trúc, nội dung các SGK. Thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, thầy, cô giáo được tiếp cận từng cuốn sách một cách cụ thể, chi tiết và căn cứ vào tiêu chí lựa chọn sách, đặc điểm tình hình học sinh của nhà trường để đề xuất lựa chọn bộ sách phù hợp nhất. - Thầy Trương Kỉnh Nhơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ