Chúng ta đang quyết tâm đầu tư cho phần gốc rễ của giáo dục

GD&TĐ - Việc Bộ GD&ĐT chủ động đề xuất lùi 1 năm thực hiện chương trình mới và nhận được quyết định đồng ý của Chính phủ là một tín hiệu tích cực, nhận được nhiều đồng thuận và ủng hộ của dư luận xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu ý kiến về vấn đề này, bà Nguyễn Kiều Linh- Chuyên gia cao cấp, Tổng giám đốc FCE Vietnam (đối tác toàn cầu của Tập đoàn giáo dục Franklin Covey Worldwide (Hoa Kỳ) cho biết:

Chính phủ quyết định lùi lại 1 năm triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT) là một quyết định đúng đắn, tuyệt vời. Bởi vì sau khi hoàn thành xong bộ SGK sẽ rất cần có thời gian để tổ chức các khóa tập huấn cách sử dụng bộ sách giáo khoa này cho giáo viên.

Điều hiển nhiên ai cũng biết, bất cứ sáng kiến "chuyển đổi" nào cũng cần một cách tiếp cận toàn diện. Đặc biệt, đây lại là cuộc "cải cách" theo hướng Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo như đã nêu trong Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.

Phân tích về cách tiếp cận toàn diện trong cải cách giáo dục, bà Nguyễn Kiều Linh cho rằng, giống như 1 cái cây: gồm các vấn đề gốc rễ và ngọn. Phần ngọn bao gồm: cơ sở vật chất, sách giáo khoa, chương trình, sự đồng lòng của phụ huynh, cộng đồng, công nghệ, tài chính. Phần gốc bao gồm: Năng lực giáo viên, Văn hoá, Nguyên tắc, Mô thức (nhận thức).

Điều mấu chốt để đạt hiệu quả của sự chuyển đổi là BẮT ĐẦU từ vấn đề nằm ở phần gốc rễ: các khoá thay đổi nhận thức mục tiêu giáo dục là gì?; Cách nhìn nhận và phát triển trẻ em thế nào?; Thay đổi bắt đầu từ ai?; Kỹ năng, phẩm chất nào giáo viên cần trải nghiệm, trang bị?; Làm thế nào giáo viên được truyền cảm hứng và tạo động lực thay đổi?; Các quy trình xây dựng văn hoá trường học một cách có chủ đích, bộ giá trị, nguyên tắc ứng xử vận hành trong nhà trường phù hợp với Chương trình GDPTTT mới hay chưa?...

Đầu tư vào phần gốc thì khó nhìn thấy ngay kết quả và cần thời gian để nhận được câu trả lời về tính hiệu quả nhưng đó là yếu tố đảm bảo cho sự bền vững . Đầu tư vào phần ngọn thì ăn liền nhưng không có tính bền vững.

“Có thể phải mất thêm một hoặc thậm chí vài năm và có thể cần thêm kinh phí đầu tư cho phần gốc rễ để mang lại kết quả vượt trội là điều rất nên làm. Cũng như gỡ một cuộn len rối, chúng ta cần tìm ra điểm bắt đầu của sợi len và gỡ dần từ nút thắt đầu tiên đó để đảm bảo cho sự thành công của cả quá trình.

Đặc biệt, đầu tư cho giáo dục, thận trọng và kỹ lưỡng là điều vô cùng cần thiết. Việc lùi 1 năm thực hiện chương trình GDPTTT là một qyết định đúng đắn và phù hợp, thêm yếu tố đảm bảo cho thành công khi chương trình mới được triển khai thực hiện.” – bà Nguyễn Kiều Linh nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ