Chúng ta có lỗi nếu chậm trễ mở cửa trường học

GD&TĐ - Nếu chúng ta không chăm lo để trẻ được sớm quay lại trường học an toàn thì chúng ta sẽ chịu hậu quả của cả một thế hệ và lâu dài tới hàng thập kỷ sau. Rõ ràng chúng ta thật có lỗi với các em.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Đã rất rõ ràng chỉ đạo về mở cửa trường học an toàn

Đã qua hai năm với bốn đợt dịch Covid-19 nối đuôi nhau, càn quét đất nước ta. Nhà trường cũng không thể thoát ra được các cơn dịch giã rộng lớn toàn cầu. Gần 20 triệu trẻ em, học sinh và sinh viên phải ở nhà, xa trường cả năm ròng. Hệ thống chính trị cả nước đã tập trung mọi nguồn lực, truy vết f0 để bằng mọi giá, cố thực hiện mục tiêu “zero covid”.

Chúng ta không thể sống lâu trong cảnh “ngăn sông cấm chợ”, xã hội đảo lộn, sản xuất đình trệ và nguy hiểm hơn là có dấu hiệu nền kinh tế của nước ta bắt đầu suy thoái. Nghị quyết 128 của Chính phủ ra đời như là một giải pháp sáng tạo mang tính đột phá đưa cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Căn cứ vào nội dung Nghị quyết 128, việc đi học lại ở các địa phương được quy định rất cụ thể: Đối với vùng cấp 1 (màu xanh), hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp được hoạt động. Đối với vùng cấp 2 (màu vàng), hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp được hoạt động đảm bảo phòng chống dịch hoặc hoạt động hạn chế. Vùng cấp 3 (màu cam), hoạt động giáo dục trực tiếp cũng được hoạt động ở mức hạn chế. Chỉ riêng vùng cấp 4 (màu đỏ) thì hoạt động đào tạo, giáo dục trực tiếp phải ngừng hoạt động hoặc chỉ được hoạt động hạn chế.

Như vậy chỉ vùng cấp độ 4 học sinh phải dừng tới trường hoặc có dạy học trực tiếp nhưng cần phải hạn chế. Tuy nhiên ở một số địa phương thuộc thành phố hoặc vùng đồng bằng và miền Trung chưa biết tận dụng, chậm linh hoạt, chậm thay đổi tư duy để có thể vận dung sáng tạo Nghị quyết 128 của Chính phủ, sớm đưa học sinh trở lại trường. Người ta nói: Nhà trường phải là nơi đóng cửa đầu tiên khi dịch đến nhưng cũng là nơi phải mở của trường đầu tiên khi hết dịch.

Chỉ đạo đưa học sinh tới trường vào thời điểm nào là phải dựa vào khoa học, dựa vào thực tế chống dịch và cơ sở của dịch tễ học. Cần nhìn nhận xu thế chống dịch và thường xuyên cập nhật những thông tin chống dịch trong nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt quan điểm và cách làm chống dịch khác nhau và phụ thuộc vào thể chế, kinh tế, văn hóa và cơ sở hạ tầng y tế của chúng ta.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Học sinh không được đến trường - hậu quả khôn lường

Nhiều khảo sát và báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy: Hoạt động vui chơi là bản năng của trẻ; trẻ được tới trường, được tương tác với thày cô và bạn bè và quyền được phát triển bản thân vừa là bản chất nhà trường vừa là nhu cầu của trẻ.  

Dịch Covid-19 kéo dài quá lâu, khiến các trường học đóng cửa, học sinh ở nhà phải học qua trực tuyến hoặc qua truyền hình. Nhiều địa phương “yên chí” vì học sinh không tới trường nhưng các em vẫn được học trực tuyến, vẫn an toàn ở nhà chống dịch.

Học sinh tới trường không chỉ đảm bảo quyền được học hành của các em mà còn tạo cho một lực lượng lao động đông đảo là những người thân trong gia đình học sinh được tiếp tục làm việc, hòa đồng vào cuộc sống xã hội. Chắc chắn số đông, tới hàng vạn giáo viên sẽ có việc làm, không mất việc và tránh phải làm những công việc ít mô phạm cho nhiều nhà giáo.

Tuy nhiên khi đánh giá về dạy học trực tuyến, các chuyên gia có chung nhận định: hiệu quả dạy học thấp, học sinh không hoạt động tập thể, không giao tiếp trực tiếp, mất kết nối với bạn bè, thầy cô và xã hội. Ngoài ra còn bị ảnh hưởng tới tâm lý, tới sức khỏe thể chất và tâm thần. Từ đó tạo ra sự mệt mỏi, căng thẳng cho người dạy và người học. Cha mẹ học sinh thì lo lắng, bỏ việc ở nhà hỗ trợ học cho con.

Nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là chúng ta chưa hiểu biết được đầy đủ về cách thức dạy học trực tuyến trong môi trường không gian số. Nói cách khác chưa biết tận dụng và khai thác triệt để thế mạnh của môi trường không gian số vào dạy học trực tuyến. Dẫn đến các trường chủ yếu vẫn là điều chỉnh, thậm chí còn giữ nguyên cách dạy học trực tiếp để áp dụng cho dạy học ở môi trường không gian số.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Bắt mạch nguyên nhân chậm mở cửa trường học

Sức ỳ tư duy của người đứng đầu khiến nhiều nhà trường không thể linh hoạt an toàn trở lại trường.

Nhiệm vụ và mục tiêu trong những nghị quyết số 16, số 19 đã đưa ra quá kiên quyết: bằng mọi cách các địa phương phải bóc tách bằng được các f0 ra khỏi cộng đồng.

Từ đây, giãn cách xã hội là biện pháp hữu hiệu nhất cho chủ trương chống dịch của giai đoạn này. Các nhà trường là đối tượng phải ngừng hoạt động giáo dục và đào tạo đầu tiên và ngay lập tức.

Giai đoạn chống dịch của chúng ta đang “sang trang” mới. Đó là từ tháng 10-2021 cả nước chuyển đổi chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Các nhà trường từng bước, linh hoạt đưa học sinh trở lại trường. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn bị sự níu kéo của các Nghị quyết mà không mạnh dạn, sánh tạo tìm cách cho học sinh đi học lại.

Rõ ràng có việc đùn đẩy, quá lo sợ trách nhiệm việc đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho học sinh. Chúng ta phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đó là giao quyền tự chủ cho các cơ sở đồng thời theo sát, giúp họ tháo gỡ khó khăn sớm có đủ quyết tâm mở cửa trường học.

Nguyên nhân nữa của việc chậm chễ mở cửa trường học là chưa thấy hệ lụy “hậu” của việc học sinh ở nhà không tới trường quá lâu. Dịch Covid-19 mang tính toàn cầu, chưa có tiền lệ. Những trải nghiệm hay bài học buồn liên quan tới ảnh hưởng về tinh thần, vật chất của học sinh như thế nào, các nhà trường chúng ta đều không biết.

Có cả một thế hệ trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Người ta nói thế hệ trẻ được dán mác Corona. Nếu chúng ta không chăm lo để trẻ được sớm quay lại trường học an toàn thì chúng ta sẽ chịu hậu quả của cả một thế hệ và lâu dài tới hàng thập kỷ sau. Rõ ràng chúng ta thật có lỗi với các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...