Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp: Đâu chỉ riêng cho GV

GD&TĐ - Tất cả viên chức (bao gồm cả giáo viên) phải thực hiện bồi dưỡng và có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Trong giờ học tại Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh minh họa: Thế Đại
Trong giờ học tại Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh minh họa: Thế Đại

Quy định chung với viên chức

Dư luận đang có ý kiến băn khoăn về việc giáo viên phải thực hiện bồi dưỡng và có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Có thầy cô đặt câu hỏi: Liệu có nhất thiết phải đi học để lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không?

Trước những băn khoăn này, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (Điểm b Khoản 1 Điều 31). Viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (Điểm b Khoản 3 Điều 33).

Nghị định số101/2017 NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ quy định: Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng; xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (Điểm a Khoản 3 Điều 26).

Như vậy, việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung với viên chức tất cả ngành,  lĩnh vực, không riêng gì ngành Giáo dục.

Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên cần phải sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.

Việc ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phải phù hợp, không được trái với quy định của hệ thống pháp luật, không được vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định.

Do đó, nội dung quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN trong các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập (và tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGĐT-BNV trước đây) là thực hiện quy định của Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.

Vì vậy, muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017 NĐ-CP theo hướng mở rộng quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế. 

Chưa thể bỏ quy định chứng chỉ chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Ảnh minh họa
Chưa thể bỏ quy định chứng chỉ chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Ảnh minh họa

Sẽ có hướng dẫn cụ thể

Liên quan đến nội dung này, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết: Luật Viên chức năm 2010 quy định “Người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào  phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó”. Do đó, giáo viên được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV phải bảo đảm đủ các tiêu chuẩn theo quy định; trong đó có tiêu chuẩn về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng đã được bổ nhiệm. Trừ hạng thấp nhất của các cấp học (hạng IV với cấp mầm non, tiểu học; hạng III với cấp THCS, THPT), vì trong các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV không yêu cầu.

Cũng theo ông Đặng Ngọc Tuấn, trong các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ GD&ĐT, giáo viên THCS hạng III, giáo viên THPT hạng III  được tuyển dụng vào ngành trước ngày các Thông tư này có hiệu lực (20/3/2021) không yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp với giáo viên THCS và THPT hạng III chỉ áp dụng với giáo viên được tuyển dụng sau ngày 20/3 và cho phép hoàn thiện trong 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.

Với giáo viên mầm non hạng III và giáo viên tiểu học hạng III  vào ngành trước ngày 20/3 vẫn phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quy định tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được công nhận là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

“Việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập theo quy định tại Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, Sở GD&ĐT Quảng Bình đang phối hợp với Sở Nội vụ để có hướng dẫn cụ thể sau khi các Thông tư có hiệu lực thi hành. Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng đơn vị trực thuộc thông tin, hướng dẫn kịp thời để giáo viên hiểu đúng, tránh hoang mang; đồng thời tạo điều kiện để thầy cô bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm trong thời gian qua” – Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Ngọc Tuấn thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Zidane có cơ tái hợp CLB Real Madrid.

HLV Zidane có bến đỗ lý tưởng

GD&TĐ - Chủ tịch Florentino Perez và HLV Zidane đang thảo luận bàn về việc tái ngộ của cả 2 tại Santiago Bernabeu vào mùa hè 2024.
Khi vùng đệm được thiết lập, việc tấn công lãnh thổ Nga nằm ngoài khả năng của M777 Ukraine.

Căng thẳng tạo vùng đệm?

GD&TĐ - Tại cuộc họp báo về kết quả cuộc bầu cử năm 2024, ông Putin tuyên bố Nga phải tạo ra một "vùng đệm" tại các vùng lãnh thổ hiện do Kiev kiểm soát.