Chuẩn hiệu hiệu trưởng 3T & H

GD&TĐ - Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo Thông tư quy định về Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã phỏng vấn PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền trưởng nhóm nghiên cứu Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý Giáo dục.

Người hiệu trưởng trong giai đoạn đổi mới cần có phẩm chất và năng lực mới. Ảnh minh họa/Minh Phong
Người hiệu trưởng trong giai đoạn đổi mới cần có phẩm chất và năng lực mới. Ảnh minh họa/Minh Phong

Tự soi, tự sửa từ Chuẩn hiệu trưởng mới

Hiệu trưởng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nhà trường. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục như hiện nay, theo PGS chân dung của người hiệu trưởng mới sẽ như thế nào để phù hợp với thực tiễn và tương lai?

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền: Người hiệu trưởng trong giai đoạn đổi mới cần có phẩm chất và năng lực mới. Thay vì thực thi nhiệm vụ hành chính nhưtrước đây, nhà trường ngày càng được tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, xây dựng trường học lấy người học làm trung tâm, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho mỗi học sinh. Có thể nói tiến bộ và hạnh phúc của mỗi học sinh là thước đo năng lực hiệu trưởng.

Trong bối cảnh giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình rất cao của nhà trường như hiện nay, đầu tiên người hiệu trưởng phải có tinh thần chủ động, năng động và sáng tạo để tổ chức mọi hoạt động giáo dục mang đến sự phát triển tốt nhất cho học sinh.

Khi xây dựng Chuẩn hiệu trưởng, chúng tôi tiếp cận theo yêu cầu về phát triển năng lực và tập trung vào năng lực quản trị nhà trường của hiệu trưởng.

Đầu tiên, Hiệu trưởng phải đáp ứng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị và đạo đức lối sống. Theo đó, Hiệu trưởng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; gương mẫu, chuẩn mực, được đồng nghiệp, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng tin tưởng, yêu mến, kính trọng.

Thứ hai, là năng lực chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học. Hiệu trưởng phải vững vàng về chuyên môn; am hiểu nghiệp vụ sư phạm, khoa học quản lý, quản trị nhà trường; sử dụng được ít nhất 1 ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc ở vùng DTTS) và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường.

Thứ ba, về năng lực quản trị nhà trường, hiệu trưởng phải điều hành các hoạt động của nhà trường một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch, bao gồm lập kế hoạch phát triển nhà trường, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản trị tổ chức, hành chính, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, quản lý chất lượng giáo dục của nhà trưởng và xuyên suốt năng lực quản trị trường học là lãnh đạo sự thay đổi nhà trường.

Thứ tư là năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ.Hiệu trưởng phải có năng lực chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa trong nhà trường chuẩn mực, bền vững.

Thứ năm là năng lực phát triển các mối quan hệ. Hiệu trưởng tổ chức hiệu quả các hoạt động xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhà trường với các bên liên quan trong giáo dục học sinh, phát triển nhà trường và cộng đồng.Đó là các mối quan hệ theo chiều dọc đối với ngành, quan hệ đối với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và với truyền thông…

Tất cả những năng lực đó tạo dựng nên hình ảnh một người hiệu trưởng 3T & H. Trong đó 3T: T1= Tâm; T2 = Tầm; T3 = Tài đều hướng đến H: phát triển phẩm chất, năng lực Học sinh.

So với Chuẩn hiện hành thì Chuẩn hiệu trưởng mới có điểm gì khác và việc tham gia đánh giá hiệu trưởng sẽ được thay đổi như thế nào – thưa PGS?

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền: Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông (sửa đổi, bổ sung) khác so với Chuẩn Hiệu trưởng hiện hành đó là: Mục đích quan trọng hàng đầu của chuẩn là để hỗ trợ, bồi dưỡng cho Hiệu trưởng phát triển năng lực ở các mức ngày càng cao, đáp hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông thay vì để phân loại phục vụ thi đua, bình bầu, xếp loại như trước đây.

Ở chuẩn Hiệu trưởng sửa đổi, bổ sung, điều quan trọng nhất là Hiệu trưởng tự đánh giá với các minh chứng đầy đủ, rõ ràng để từ đólập kế hoạch tự học , tự bồi dưỡng.

Việc đánh giá Hiệu trưởng theo chuẩn cũng sẽ được tham khảo ý kiến của giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng… Tuy nhiên giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng sẽ không chấm điểm Hiệu trưởng như trước đây mà chỉ đưa ra ý kiến về các vấn đề liên quan đến năng lực của Hiệu trưởng.

Cơ quan quản lý cấp trên sẽ quyết định xếp loại hiệu trưởng theo các mức nêu trên, căn cứ vào kết quả tự đánh giá của Hiệu trưởng vàý kiến của giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng…

Đồng thời căn cứ vào kết quả đánh giá và kế hoạch học tập của Hiệu trưởng, cơ quan quản lý sẽ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tạo điều kiện tối đa phát triển năng lực cho đội ngũ CBQL cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBQLCSGD phát triển chương trình và tổ chứcbồi dưỡng, hỗ trợ Hiệu trưởng phát triển năng lực quản lý trường học thường xuyên, liên tục.

Ở chuẩn Hiệu trưởng sửa đổi bổ sung này, người đánh giá quan trọng nhất vẫn là hiệu trưởng và những người được đánh giá theo Chuẩn vì chính họ phải hiểu rõ họ phải thực sự thay đổi những gì, cần được bồi dưỡng gì để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ.. Như vậy Chuẩn hiệu trưởng mới chính là cái để mọi người tự soi, tự sửa và tự mình học hỏi, hoàn thiện.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền: Mục đích chính của Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông mới là để bồi dưỡng, phát triển năng lực quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông nói chung và đặc biệt là Hiệu trưởng.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền: Mục đích chính của Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông mới là để bồi dưỡng, phát triển năng lực quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông nói chung và đặc biệt là Hiệu trưởng.

Giúp hiệu trưởng phát triển năng lực, phẩm chất lãnh đạo

Nói như vậy thì chúng ta cũng phải có công cụ để đánh giá xếp loại hiệu trưởng theo Chuẩn mới?

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền: Hiện nay, chúng tôi xác định có 3 mứcphát triển năng lực lãnh đạo quản trị của hiệu trưởng: Mức cao nhất là mức Tốt; mức tiếp theo là Khá và mức cuối cùng là Đạt. Tất nhiên sẽ có những người không đạt.

Theo đó, mỗi một hiệu trưởng sẽ có mức năng lực khác nhau ở từng tiêu chí cụ thể. Ví dụ: ở mức thấp nhất (mức Đạt), người hiệu trưởng phải thực hiện được đúng quy định và có khả năng làm việc một cách độc lập, mặc dù có thể chưa nhiều kinh nghiệm.

Ở mức hai (mức Khá) thì hiệu trưởng phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ một cách thành thạo, có kinh nghiệm, làm việc hiệu quả và đặc biệt là có khả năng hỗ trợ được đồng nghiệp.

Còn ở mức Tốt thì hiệu trưởng phải có khả năng sáng tạo, luôn luôn rà soát, đánh giá, cải tiến và đổi mới;biết vượt lên nghịch cảnh để thự chiện tốt nhiệm vụ.

Trong những môi trường làm việc cụ thể, ở mỗi tiêu chí cũng như đánh giá chung, sẽcó những người đạt ở mức thấp, có những người đạt mức caohơn. Tuy nhiên nếu chúng ta bồi dưỡng, phát triển những năng lực đó cho họ thì họ có thể làm tốt được các nhiệm vụ theo mức độ ngày càng cao dần.

Vậy PGS đặt kỳ vọng gì vào chuyên đề nghiên cứu Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông?

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền: Chúng tôi kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho hiệu trưởng được nhiều hơn, sẽ giúp hiệu trưởng nhiều hơn. Chúng ta đang đổi mới với rất nhiều những yêu cầu mới; có thể những hiệu trưởng giỏi ở giai đoạn trước đây nhưng đến giai đoạn mới này nếu họ vẫn làm theo cách cũ thì không thành công.Vậy thì Chuẩn lần này sẽ giúp cho hiệu trưởng có thể phát triển những năng lực và làm tốt các nhiệm vụ, từ đó thích ứng với bối cảnh đổi mới.

Ví dụ trong Chuẩn mới, có một tiêu chí là quản lý phát triển chương trình nhà trường - một công việc mà trước đây hiệu trưởng chưa bao giờ làm và không được làm. Tuy nhiên, trong chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây thì vai trò của nhà trường trong việc phát triển chương trình sẽ vô cùng quan trọng.

Lúc này sách giáo khoa cũng chỉ là tài liệu tham khảo, không bắt buộc đối với giáo viên. Giáo viên được thỏa sức sáng tạo nhưng sáng tạo như thế nào để học sinh đạt chuẩn về phẩm chất, năng lực của môn học, cấp học thì nhà trường phải định hướng phát triển chương trình đúng hướng.

Lúc này rất cần có một thuyền trưởng đó chính là hiệu trưởng. Thực tế, việc này trước đây hiệu trưởng chưa được học, chưa được làm cho nên phải tạo điều kiện để họ được học và làm được.

Thẳng thắn nhìn nhận, trước đây nội dung bồi dưỡng Hiệu trưởng chưa nhiều, thậm chí chưa đến nơi, đến chốn. Khi bồi dưỡng, chúng ta mới chỉ dạy lý thuyết, ít dạy thực hành. Đã đến lúc phải thay đổi nội dung, cách thức bồi dưỡng, để hiệu trưởng có thể được học thường xuyên, liên tục và tại chỗ.

Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, cách đánh giá học tập ở các lớp bồi dưỡng hiệu trưởng rất hay. Họ không chỉ đánh giá bằng bài kiểm tra thu hoạch cuối học kì, mà quan trọng hơn, sau khi kết thúc khóa học, người học mang một dự án về địa phương, về nơi mình công tác để thực hiện dự án đó. Sau một thời gian, họ quay trở lại báo cáo kết quả đó.

Như vậy thời gian học của một lớp không phải kéo dài 8 tuần như chúng ta, mà kéo dài đến 6 tháng, tất nhiên họ cũng không phải học liên tục mà chỉ tập trung từ 1 đến 2 tuần; Điều đáng nói là họ có những môi trường học tập, có thể học trường trực tuyến và tìm kiếm tài liệu, tài nguyên học tập bất cứ lúc nào họ muốn. Ngoài ra, họ sẽ nhận được hỗ trợ liên tục từ những chuyên gia giỏi nhất để có thể trao đổi trực tiếp với nhau.

Thiết nghĩ, chúng ta có thể tham khảo cách làm của Singapore để tạo ra một môi trường học tập thường xuyên cho hiệu trưởng. Qua đó, mới có thể đảm bảo hiệu trưởng của chúng ta đáp ứng được Chuẩn mới này.

Xin cảm ơn PGS!

“Mục đích chính của Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông mới là để bồi dưỡng, phát triển năng lực quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông nói chung và đặc biệt là Hiệu trưởng. Chúng ta sẽ bồi dưỡng dựa trên năng lực và nhu cầu học tập của người học và yêu cầu nhiệm vụ mới của ngành GD&ĐT, phải xuất phát từ thực tế là hiệu trưởng đang cần học cái gì, học bằng cách nào để họ làm tốt nhất công việc của mình một cách sáng tạo nhất” -PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ