Chuẩn bị, đón đầu triển khai chương trình, SGK mới

GD&TĐ - Năm học 2017-2018 là năm học tiền đề để thực hiện chương trình SGK giáo dục phổ thông mới. Đây cũng là nội dung được các địa phương đặc biệt lưu ý khi xây dựng nhiệm vụ năm học.

Chuẩn bị, đón đầu triển khai chương trình, SGK mới

Tích cực chuẩn bị

Khẳng định dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa công bố nhìn chung đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, theo ông Nguyễn Văn Huấn, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tại địa phương sẽ thực hiện theo lộ trình của Bộ GD&ĐT quy định.

Hiện tại, Sở GD&ĐT Bến Tre tiếp tục tổ chức rà soát đội ngũ về chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn cán bộ quản lý(CBQL); chuẩn bị chọn cử lực lượng giáo viên cốt cán để tham dự các lớp tập huấn khi Bộ GD&ĐT tổ chức;

Đồng thời, chỉ đạo việc nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng của mỗi giáo viên, mỗi CBQL để đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới;

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực của học sinh; chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu câu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

"Các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh;

Xây dựng, tổ chức khai thác hiệu quả trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp được kết nối giữa các trường với các cơ quan dự báo nguồn nhân lực, cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp nhằm giúp học sinh lựa chọn, giải đáp thắc mắc về xu hướng chọn nghề; triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh ở địa phương" - TS Nguyễn Văn Huấn chia sẻ thêm.

CBQL, giáo viên là nhân tố quyết định

Theo quan điểm của ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, đội ngũ CBQL và giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, từ đó quyết định thành công của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Vì vậy, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ CBQL và giáo viên để đáp ứng được yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.

Bên cạnh đó, để triển khai tốt chương trình mới, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nhấn mạnh việc cần tập trung mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhất là phòng học bộ môn, các phòng chức năng, thiết bị dạy học hiện đại để đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới.

Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; triển khai các mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống;

"Các cơ sở giáo dục cũng cần chủ động điều chỉnh chương trình, sách giáo khoa hiện hành, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường sao cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của mỗi cơ sở giáo dục, từng bước tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới…" - ông Phạm Minh Tường cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ