Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho đổi mới CT-SGK

GD&TĐ - Ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để thực hiện có chất lượng và hiệu quả việc đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông, ông Trịnh Ngọc Thạch đề xuất và kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:

Cần sớm hoàn thiện và ban hành Chương trình môn học được xác định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được ban hành để làm căn cứ cho việc biên soạn sách giáo khoa cho từng môn học đảm bảo tiến độ và chất lượng".
Ông Trịnh Ngọc Thạch

Cần cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ

Ông Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, cần có cơ chế, chính sách thiết thực để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông nói riêng và đổi mới giáo dục nói chung.

Theo đó, ưu tiên đầu tư xây dựng và đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên. Sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông theo hướng khắc phục tình trạng phân tán, tập trung vào một số cơ sở đào tạo mạnh, chú trọng đầu tư xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm, làm đầu tàu cho hệ thống các trường sư phạm.

Các trường sư phạm cần được ưu tiên đầu tư theo cơ chế, chính sách đặc thù để tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Có cơ chế tuyển sinh riêng đối với sinh viên sư phạm nhằm tuyển chọn được những người có năng lực phù hợp. Có chính sách ưu đãi thỏa đáng để thu hút, lựa chọn học sinh giỏi vào ngành sư phạm; tạo nguồn tuyển sinh sư phạm và nâng cao hiệu quả công tác cử tuyển ngành sư phạm đối với các đối tượng là dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Đồng thời, đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá trong các trường, khoa sư phạm theo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo và năng lực nghề nghiệp; đổi mới công tác đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp và yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục.

"Cũng cần đổi mới cách thức tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và bổ nhiệm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Có chính sách ưu đãi cho nhà giáo để thu hút nhà giáo giỏi và người có năng lực về giảng dạy và làm công tác quản lý tại các trường, khoa sư phạm và các cơ sở giáo dục phổ thông" - ông Trịnh Ngọc Thạch cho hay.

Đổi mới cơ bản cơ chế, chính sách đầu tư và tài chính
Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo các bộ ngành, địa phương có biện pháp để bảo kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục theo đúng quy định.
Ông Trịnh Ngọc Thạch

Với kiến nghị cần đổi mới cơ bản cơ chế, chính sách đầu tư và tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội để phát triển giáo dục, điều đầu tiên ông Trịnh Ngọc Thạch nhấn mạnh là nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực của nhà nước và xã hội cho giáo dục phổ thông.

Cùng với đó, đầu tư tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng yếu kém về cơ sở vật chất nhà trường; ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục phổ thông ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu, các tài năng trẻ.

Củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) để tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng dân tộc thiểu số và phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) để hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh, dân cư quá phân tán, đi lại đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập.

Thêm nữa, cần đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho giáo dục phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư cho giáo dục, đầu tư có trọng điểm, có hiệu quả; bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách thích hợp để phát triển xã hội hoá giáo dục, nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, góp phần tạo cơ hội tiếp cận giáo dục của mọi tầng lớp nhân dân. Khuyến khích các trường ngoài công lập phát triển theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục.

Xây dựng kế hoạch, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên dành quỹ đất, đầu tư cho các cơ sở giáo dục để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, sân chơi và các trang thiết bị dạy học khác.

Theo quy định hiện hành, mức tối thiểu chi cho hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông phải đạt 20% kinh phí chi thường xuyên của đơn vị, nhưng theo ông Trịnh Ngọc Thạch, thực tế phần lớn các cơ sở giáo dục phổ thông không đạt mức chi này.

Nhiều cơ sở giáo dục, nhất là ở những địa phương thuộc các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, không đảm bảo định mức chi 80 - 20 theo quy định, riêng chi lương cho giáo viên đã chiếm 90-95%, chỉ còn lại 5-10% chi cho hoạt động giáo dục. Do đó, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo các bộ ngành, địa phương có biện pháp để bảo kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục theo đúng quy định.

Đổi mới cơ chế, chính sách quản lý, phát triển các mô hình trường đặc biệt

Một vấn đề khác được ông Trịnh Ngọc Thạch đưa ra là đổi mới cơ chế, chính sách trong quản lý và phát triển các trường chuyên, trường PTDT NT, trường phổ thông công lập chất lượng cao, trường có yếu tố nước ngoài nhằm góp phần đào tạo nhân tài, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước cũng như đáp ứng nhu cầu về dịch vụ giáo dục chất lượng cao của một bộ phận nhân dân.

"Các mô hình trường đặc biệt nói trên cần bám sát mục tiêu giáo dục nhằm phát triển đúng hướng, hoàn thành tốt sứ mệnh được đề ra đối với loại hình trường đó.

Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng mô hình giáo dục kép trong trường chuyên bao gồm “hai hệ” giáo dục: “hệ chuyên” nhằm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và “hệ giáo dục chất lượng cao” nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội với hai cơ chế tài chính riêng phù hợp với mục tiêu của mỗi hệ giáo dục.

Theo đó, hệ chuyên chỉ nên phát triển ở quy mô nhỏ với những đối tượng học sinh có năng khiếu thực sự và được Nhà nước bao cấp toàn bộ kinh phí ở mức cao.

Ngược lại, đối với hệ giáo dục chất lượng cao, nhà trường có thể mở rộng quy mô giáo dục trên cơ sở tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Học sinh học hệ giáo dục chất lượng cao trong các trường chuyên phải đóng mức học phí cao tương ứng với chất lượng giáo dục được cung cấp. Mức học phí này đủ bù đắp các chi phí giáo dục, bảo đảm cho hoạt động của nhà trường cũng như góp phần hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đào tạo tài năng của các trường chuyên" - ông Trịnh Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Các mô hình trường đặc biệt nói trên cần bám sát mục tiêu giáo dục nhằm phát triển đúng hướng, hoàn thành tốt sứ mệnh được đề ra đối với loại hình trường đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ